Hòa Phát vừa công bố kết quả kinh doanh 2017 với mức lợi nhuận cao nhất lịch sử, đạt 8.000 tỉ đồng, vượt 33% kế hoạch và tăng 31% so với năm 2016.
Doanh thu toàn tập đoàn đạt 46.800 tỉ đồng, tăng 38%. Tính bình quân Hòa Phát lãi trên 22 tỉ đồng mỗi ngày trong năm 2017.
Nhóm ngành thép, bao gồm thép xây dựng, ống thép và tôn mạ đóng góp gần 90% doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty. Kết quả kinh doanh có được của Hòa Phát nhờ sản lượng kỷ lục của công ty. Trong năm 2017, sản lượng thép thành phẩm các loại của Hòa Phát đạt 3 triệu tấn, tăng 25% so với năm 2016, trong đó thép xây dựng vẫn là sản phẩm chủ lực, đạt 2,2 triệu tấn. Hòa Phát đang chiếm gần 24% thị phần thép xây dựng Việt Nam, đại diện công ty cho biết. Sản lượng ít hơn, đạt 600.000 tấn, ống thép Hòa Phát cũng đang chiếm tới 26,4% thị phần, đứng đầu cả nước.
Năm 2017, Hòa Phát nộp ngân sách nhà nước 5.000 tỉ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2016, trong đó tỉnh Hải Dương chiếm tới 2.000 tỉ đồng, sau đó là Hưng Yên với 1.200 tỉ đồng. Đây là hai tỉnh Hòa Phát đặt nhà máy sản xuất thép xây dựng của Hòa Phát.
Trong thời gian tới, khi nhà máy thép tại Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đi vào vận hành, Hòa Phát dự kiến sẽ sản xuất thép dự ứng lực. Đây là loại thép hiện chưa có doanh nghiệp nội nào sản xuất. Hàng năm Việt Nam nhập khoảng 70 nghìn tấn thép loại này từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng kỷ lục của Hòa Phát đã hỗ trợ mức tăng giá ấn tượng của cổ phiếu HPG trên thị trường. Từ mức giá xung quanh 25.000 đồng mỗi cổ phiếu vào đầu năm ngoái, hiện tại HPG đang được giao dịch xung quanh mức giá 63.000 đồng/cổ phiếu.
Bản tin của Bursa Malaysia hồi cuối tháng 11.2017 dẫn nguồn báo cáo của Moody's cho biết lợi nhuận ổn định của các nhà sản xuất thép châu Á sẽ được củng cố bởi việc loại bỏ các nhà máy dư thừa công suất tại Trung Quốc, trong khi nhu cầu thép vẫn tiếp tục ổn định tại châu Á. Theo Hiệp hội thép Đông Nam Á (Seaisi), 11 tháng đầu năm 2017, sản lượng xuất khẩu thép Trung Quốc ra phần còn lại của thế giới đã giảm 30% so với cùng kỳ xuống còn 69,83 triệu tấn. Trong năm 2017, ước tính Trung Quốc đã loại bỏ khoảng 600 nhà sản xuất lò cảm ứng với tổng công suất khoảng 120 triệu tấn. Tổng sản lượng ước tính của các nhà máy này trong năm 2016 ở vào khoảng 30 – 50 triệu tấn.
Theo Forbes Việt Nam