Những động thái mới nhất của Mỹ đang đẩy mối quan hệ giữa nước này với Iran xấu đi nghiêm trọng...
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Việc Mỹ lần đầu tiên coi lực lượng quân sự Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là “tổ chức khủng bố”, và việc Iran đáp trả lại bằng cách gọi các lực lượng Mỹ trong khu vực Tây Á là “các tổ chức khủng bố”, đang là những động thái mới nhất đẩy quan hệ Mỹ-Iran lên một tầng nấc căng thẳng mới. Có thể thấy, mối quan hệ giữa hai quốc gia này dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang xấu đi nghiêm trọng.
Mỹ liệt IRGC vào danh sách khủng bố
Trong một động thái được cho là sẽ làm phức tạp thêm tình hình Trung Đông, ngày 8.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ đã liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố. Đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức coi lực lượng quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố, trong bước đi được xem là để tiếp tục gây áp lực lên Iran sau khi Mỹ đã rút khỏi thoả thuận hạt nhân lịch sử liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran và tái áp đặt trừng phạt lên Tehran.
Tổng thống Trump nêu rõ động thái chưa từng có tiền lệ này "công nhận thực tế rằng Iran không chỉ là quốc gia bảo trợ khủng bố, mà IRGC còn chủ động tham gia hỗ trợ tài chính và thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố".
Ngay sau khi Tổng thống Trump đưa ra thông báo trên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết quyết định trên sẽ có hiệu lực trong vòng 1 tuần tới. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cảnh báo tất cả các ngân hàng và doanh nghiệp về những hậu quả nếu tiếp tục thực hiện giao dịch với IRGC sau khi Washington đưa ra quyết định trên.
Hiện IRGC là tổ chức an ninh quyền lực nhất ở Iran hiện nay, đồng thời có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống chính trị cũng như kinh tế nước này. IRGC được thành lập sau cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Trong khi quân đội Iran chịu trách nhiệm chính là bảo vệ biên giới và duy trì trật tự trong nội bộ quốc gia Iran, thì IRGC hoạt động với mục đích bảo hộ cho hệ thống Cộng hòa Hồi giáo Iran, ngăn chặn sự can thiệp từ nước ngoài, đảo chính quân sự hoặc bất ổn định bởi các phong trào “lầm đường lạc lối” do các nhóm hoặc cá nhân phản đối chính phủ khởi xướng.
IRGC hiện gồm khoảng 125.000 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng lục quân, không quân, hải quân. Ngoài ra, IRGC còn quản lý lực lượng bán quân sự Basij bao gồm 90.000 thành viên cả nam và nữ. IRGC hiện đang có thêm các hoạt động quân sự tại Syria để ủng hộ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad, song vấp phải sự phản đối của Mỹ và Israel.
Iran đáp trả
Đáp trả động thái liệt IRGC vào "danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài" của Mỹ, ngày 9.4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng bảo vệ lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), khẳng định đây là lực lượng bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo này. Trong phát biểu được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia, ông Rouhani nêu rõ các thành viên của IRGC đã hy sinh mạng sống để bảo vệ người dân và cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Tuy nhiên, "Mỹ lại có ác cảm với IRGC và đưa nhóm này vào danh sách đen". Vì vậy, Tổng thống Rouhani coi quyết định của Mỹ là một sai lầm, trong khi các quan chức khác của Iran cũng đã cảnh báo điều này sẽ gây nguy hiểm cho các lợi ích của Mỹ tại khu vực. Theo Tổng thống Iran, sai lầm này của Mỹ sẽ khiến người dân Iran đoàn kết hơn và IRGC ngày càng lớn mạnh tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: "Nước Mỹ đã sử dụng khủng bố làm công cụ trong khu vực, trong khi IRGC đã chiến đấu chống lại chúng từ Iraq tới Syria". Bên cạnh đó, Tổng thống Rouhani cũng cảnh báo nếu Mỹ gây sức ép với Iran, nước này sẽ sản xuất hàng loạt máy ly tâm IR8.
Trước đó, trong một động thái nhằm đáp trả những tuyên bố mới của Mỹ, ngày 8.4, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran đã tuyên bố coi Chính phủ Mỹ là nhà tài trợ cho khủng bố và tuyên bố Bộ Chỉ huy Trung tâm của Quân đội Mỹ (CENTCOM) cũng như các lực lượng liên quan tại khu vực này là “tổ chức khủng bố”. CENTCOM vốn được thành lập từ năm 1983, là đơn vị chỉ huy hoạt động tác chiến của Mỹ trên khắp Trung Đông, gồm các mặt trận Iraq, Syria và vùng Vịnh.
Theo Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, động thái của Mỹ liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Mỹ cần phải chịu trách nhiệm đối với tất cả hậu quả nguy hiểm mà quyết định trên gây ra.
Trong khi đó, người đứng đầu ngành tư pháp của Iran Ebrahim Raeisi cũng khẳng định quyết định của Washington về việc đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố không có giá trị về mặt chính trị hay pháp lý. Ông Raeisi khẳng định, không một quốc gia nào có quyền hợp pháp để coi lực lượng vũ trang của một quốc gia khác là khủng bố.
Những phản ứng trái chiều
Ngay sau những động thái của Mỹ và Iran, một số nước đã có những phản ứng trái chiều.
Israel và Yemen lên tiếng hoan nghênh quyết định của Mỹ. Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Yemen đánh giá động thái của Mỹ là "bước đi đúng hướng" nhằm tạo ra "tác động tích cực tới an ninh và hòa bình trong khu vực và trên thế giới" và "lập lại ổn định trong khu vực". Yemen và liên minh do Saudi Arabia đứng đầu cáo buộc Iran làm trầm trọng thêm sự bất ổn tại Yemen khi cung cấp vũ khí cho các lực lượng Houthi.
Trong khi đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã cảm ơn quyết định liên quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Israel cho rằng IRCG đang hoạt động ở nước láng giềng Syria, ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Thủ tướng Netanyahu đã cam kết ngăn chặn sự hiện diện của Iran ở Syria và Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích mà họ cho là mục tiêu của Iran và phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Liban.
Tuy nhiên, Syria đã lên án động thái trên của Mỹ là "vô trách nhiệm". Hãng thông tấn SANA dẫn một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Syria cáo buộc đây là một "cuộc tấn công trắng trợn" vào chủ quyền của Iran. Tuy nhiên, nguồn tin trên cũng cho rằng "bước đi vô trách nhiệm" của Mỹ cũng đã thừa nhận "vai trò quan trọng (của IRCG) trong việc bảo vệ chủ quyền, sự độc lập và cuộc kháng chiến chống lại Mỹ và Israel".
Nhiều hệ lụy
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Iran liên tục trong tình trạng đối đầu căng thẳng. Kể từ sau sự kiện Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran năm 1979, sau vụ sinh viên Iran bắt cóc 63 con tin tại Sứ quán Mỹ ở Tehran, mối quan hệ giữa 2 nước này không ngừng xấu đi. Dù sau đó giữa lãnh đạo hai nước đã có những cuộc trao đổi thư từ qua lại song đó một là những bức thư với nội dung không thân thiện, còn nếu không thì cũng bị đáp lại bằng sự nghi kỵ.
Dưới thời của người tiền nhiệm Barack Obama, quan hệ giữa Mỹ và Iran đã có bước cải thiện đáng kể khi Mỹ cùng các nước nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) và Iran đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Nhưng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền (năm 2017), quan hệ giữa Mỹ và Iran đã thực sự xấu đi trầm trọng.
Khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã có nhiều động thái đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm, trong đó có việc rút khỏi JCPOA. Đây là thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1, theo đó Iran cam kết hạn chế chương trình hạt nhân, đổi lại việc các quốc gia phương Tây sẽ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận trên chưa bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo và sự can dự của Iran vào tình hình khu vực.
Kể từ sau tuyên bố rút khỏi JCPOA, Mỹ còn liên tiếp đe dọa trừng phạt Iran với mục tiêu đưa doanh thu từ xuất khẩu dầu của Iran về 0%. Đồng thời Nhà Trắng đã khôi phục lại các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhằm vào Iran, trong đó có các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại các thể chế tài chính của những nước thứ ba giao dịch với Tehran. Trong năm 2018, các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran đã chính thức khôi phục kể từ ngày 6-8-2018 đối với hoạt động thương mại trong lĩnh vực xe ô tô và kim loại, và từ ngày 5.11.2018 đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng.
Mới đây nhất, vào ngày 26.3.2019, Chính phủ Mỹ đã tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với một mạng lưới các công ty và cá nhân tại Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vì cho rằng mạng lưới này đang cung cấp hàng tỷ USD cho lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Danh sách “đen” này của Mỹ bao gồm 25 cá nhân và tổ chức, trong đó bao gồm 4 công ty đặt tại Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE mà Mỹ cho là "bình phong" của IRGC và Bộ Quốc phòng Iran. Ngoài ra, trong số các thực thể bị trừng phạt còn bao gồm các ngân hàng cũng như cơ quan tài chính, như ngân hàng Ansar, Atlas Exchange và công ty Atlas của Iran. Bộ Quốc phòng Iran cũng nằm trong danh sách trừng phạt này do đã hỗ trợ IRGC về mặt hậu cần.
Các thành viên của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trong một cuộc diễu hành thường niên diễn ra ở Thủ đô Tehran hồi tháng 9.2018
Có thể thấy, với việc khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, các nhà phân tích cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang quyết tâm siết chặt “gọng kìm” đối với quốc gia Trung Đông này, nhằm phá vỡ các kênh hợp tác giữa các nước với Tehran. Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ liệt IRGC là “lực lượng khủng bố” sẽ cho phép Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran hơn, như từ chối nhập cảnh những đối tượng được cho là đã hỗ trợ vật chất cho IRGC, hoặc truy tố họ vi phạm lệnh trừng phạt. Quyết định trên của Mỹ cũng có thể khiến các công ty và doanh nhân châu Âu, châu Á đang hợp tác với những người hoặc tổ chức có liên hệ với IRGC bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nhà phân tích cũng cho rằng động thái trên của Mỹ có thể sẽ làm phá vỡ các liên kết kinh tế và ngoại giao của Mỹ trên toàn cầu và làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông.
Giới truyền thông Mỹ lo ngại rằng, động thái này của Mỹ sẽ có nguy cơ dẫn đến sự trả đũa từ Iran và các lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite ở các quốc gia Trung Đông, đồng thời sẽ tiếp tục làm leo thang các cuộc đối đầu trong khu vực, và làm phức tạp nhiệm vụ của các lực lượng quân sự và giới ngoại giao Mỹ trong khu vực. Bởi lâu nay Mỹ vẫn phải liên kết với các chính phủ - vốn có mối liên hệ mật thiết với Iran (như Iraq hay Liban) và thậm chí với chính Iran - về một nhóm các vấn đề nhạy cảm tại khu vực Trung Đông.
Thậm chí, thực tế hiện nay IRGC còn được cho là đang ở cùng chiến tuyến với Mỹ trên một số mặt trận như: đối đầu với Taliban tại Afghanistan, hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq. Do đó, truyền thông Mỹ lo ngại rằng, động thái liệt IRGC là “tổ chức khủng bố” của Tổng thống Trump sẽ gây khó khăn cho các nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội Mỹ trong việc hợp tác làm việc với các đồng minh ở khu vực Trung Đông trong cuộc chiến chống khủng bố. Ngoài ra, các quan chức tình báo và quốc phòng của Mỹ cũng có thể bị các quốc gia khác áp đặt lệnh trừng phạt tương tự như Mỹ đã làm…
Theo TTXVN