Mỹ và Triều Tiên từng suýt lâm chiến vì một cái cây

06/06/2018 19:24

Sự cố làm căng thẳng gia tăng dọc khu phi quân sự nhưng không phát triển thành một cuộc chiến toàn diện.

Mỹ và Triều Tiên đang gấp rút chuẩn bị hậu cần cho Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra vào ngày 12.6 tại Singapore. Ít ai biết trong quá khứ, hai quốc gia từng suýt lâm chiến mà lý do chỉ vì một cái cây.

Sự cố tỉa cây dương

Câu chuyện bắt đầu vào sáng 18.8.1976, khi một nhóm công tác thuộc Bộ Chỉ huy Lực lượng giám sát Hiệp định đình chiến trên Bán đảo Triều Tiên của Liên hợp quốc (UNC) vào khu vực an ninh chung ở khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Nhiệm vụ của họ là tỉa bớt cành một cây dương chắn tầm nhìn của các nhà quan sát UNC đang giám sát khu vực an ninh chung.

Năm nhân viên dân sự của lực lượng quân đội Hàn Quốc được hộ tống bởi 11 lính Hàn Quốc và Mỹ cùng hai sĩ quan lục quân Mỹ là đại úy Arthur Bonifas và trung úy Mark Barrett. Bonifas và Barrett không mang vũ khí do nhân sự vũ trang bị hạn chế trong khu vực. Tuy nhiên, họ nghĩ sẽ không có vấn đề gì rắc rối sau khi từng chạm trán mấy lần trước đó với lính Triều Tiên. Nhiệm vụ tỉa cây đã được lên kế hoạch trước với đại diện Triều Tiên.


Phía Hàn Quốc và Mỹ tỉa cành cây dương. Ảnh: Wikipedia

Điều xảy ra tiếp theo là một nhóm gồm 15 lính Triều Tiên xuất hiện, do trung úy Pak Chul dẫn đầu. Sau khi quan sát quá trình tỉa cây một lúc, Pak Chul cảnh báo nhóm tỉa cây dừng lại vì cái cây này được cho là do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung trồng. Sau khi Bonifas vẫn cứ ra lệnh tiếp tục tỉa cây, một xe tải xuất hiện cùng hơn 20 lính Triều Tiên.

Theo tín hiệu của Pak Chul, họ xông tới nhóm tỉa cây. Một số cầm rìu mà nhóm tỉa cây bỏ trên mặt đất. Cuộc xô xát diễn ra trong chỉ 30 giây nhưng cũng đủ để khiến phần lớn người phía UNC bị thương. Bonifas bị vài lính Triều Tiên bao vây và bị đánh tới chết. Barrett thì biến mất. Nhưng một số nhân viên UNC quan sát thấy một lính Triều Tiên cầm rìu và biến mất rồi xuất hiện mấy phút sau, đưa rìu cho một lính khác, rồi người này lại biến mất. Binh lính UNC nhận ra điều gì đang diễn ra. Họ đi tìm và phát hiện Barrett bị thương nặng nhưng vẫn còn sống. Anh này chết trên đường tới bệnh viện. 

Triều Tiên bác bỏ vụ việc, coi đây là hành vi gây hấn của phía Mỹ. Thông cáo báo chí của Triều Tiên nói: Bốn người từ phía chúng tôi đã tới địa điểm đó để cảnh báo họ không tiếp tục công việc mà không được chúng tôi đồng ý. Không nghe theo lời thuyết phục của chúng tôi, họ đã tấn công lính của chúng tôi ồ ạt và khiêu khích nghiêm trọng bằng cách đánh người của chúng tôi, giơ vũ khí giết người ra và cậy thế đông hơn chúng tôi.

Bốn giờ sau vụ việc, ông Kim Jong-il, con trai Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đã phát biểu trước Hội nghị các quốc gia không liên kết ở Colombo, Sri Lanka. Tại đây, ông đã trình một tài liệu mô tả sự việc là vụ tấn công nhằm vào lính Triều Tiên do binh sĩ Mỹ gây ra. Ông sau đó đã đề xuất một nghị quyết đề nghị hội thảo chỉ trích hành động khiêu khích của Mỹ và kêu gọi người tham gia hội nghị yêu cầu Mỹ rút khỏi Bán đảo Triều Tiên và giải tán UNC. Các thành viên hội nghị đã thông qua nghị quyết.

Chiến dịch trả đũa

Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) coi vụ tấn công là do Triều Tiên lên kế hoạch từ trước. Nhiều phản ứng đã được phía Mỹ đưa ra đánh giá. Mức độ sẵn sàng của lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc được tăng lên cấp DEFCOn 3 sáng 19.8. Tấn công tên lửa và pháo binh cũng được cân nhắc nhưng bị bác. Tổng thống Hàn Quốc khi đó Park Chung-hee không muốn thực hiện hành động quân sự.

Ba ngày sau, ngày 21.8, lực lượng Hàn Quốc và Mỹ đã mở chiến dịch Paul Bunyan, một chiến dịch chặt hạ cây dương nói trên nhằm phô diễn lực lượng, uy hiếp Triều Tiên lùi bước. Một trong những người lính Hàn Quốc tham gia chiến dịch Paul Bunyan là ông Moon Jae-in, sau này được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc năm 2017. 

Mỹ và Hàn Quốc đã điều một hàng trực thăng tấn công AH-1 Cobra lượn phía trên không phận Hàn Quốc gần biên giới. Đằng sau mấy chiếc Cobra là các máy bay B-52 được máy bay chiến đấu F4 và F-5 của Hàn Quốc và Mỹ hộ tống. Trên sân bay ở Hàn Quốc là các máy bay tấn công F-111 được yểm trợ bởi máy bay chiến đấu. Trong khi đó, một tàu sân bay Mỹ đã di chuyển vào khu vực. Trên mặt đất, bộ binh, pháo binh, thiết giáp Mỹ sẵn sàng tham chiến.

Trong khi đó, một nhóm người Hàn Quốc đột ngột nhảy ra. Đội đặc nhiệm Hàn Quốc 64 người hộ tống nhóm cầm cưa xích chặt cây dương. Đã lẽ họ không được mang theo vũ khí và chỉ có thể dùng võ taekwondo để chống lại nếu bị tấn công. 

Tuy nhiên, khi xe tải chở họ đi vào khu vực an ninh chung, họ rút súng và lựu đạn ra. Một số mang theo mìn gài bên người, tay cầm kích nổ như thách thức người Triều Tiên tấn công.


Gốc cây dương năm 1984. Ảnh: Wikipedia

Phía Triều Tiên nhanh chóng phản ứng khi điều 150-200 lính trang bị súng máy và súng trường tấn công. Binh sĩ Triều Tiên di chuyển bằng xe buýt nhưng lúc đầu không xuống xe, chỉ quan sát diễn biến. Khi binh sĩ Triều Tiên xuất hiện, phía Mỹ liên lạc qua radio và trực thăng cùng máy bay không quân bắt đầu xuất hiện.

Lính Triều Tiên nhảy khỏi xe và bắt đầu ổn định vị trí súng máy. Họ quan sát trong im lặng khi cây dương bị chặt cành trong 42 phút. Gốc cây dương còn lại dài khoảng 6 mét. Sau khi chặt tỉa cành xong, nhóm chặt cây trở về nhà không gặp sự cố gì. 

Mặc dù chiến dịch diễn ra yên bình nhưng có lo ngại nó sẽ làm bùng lên xung đột lớn hơn. Sự cố làm căng thẳng gia tăng dọc khu phi quân sự nhưng không phát triển thành một cuộc chiến toàn diện. Có vài phát đạn bắn vào chiếc trực thăng Mỹ lượn vòng trên làng Panmunjom lúc đó nhưng không ai bị thương.

UNC đã đòi Triều Tiên trừng phạt những người liên quan và phải bồi thường cho gia đình người chết và bị thương. Sau ngày diễn ra chiến dịch Paul Bunyan, họ nhận được thư từ nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành bày tỏ lấy làm tiếc trước sự cố. Mặc dù phản ứng của Triều Tiên chưa khiến Mỹ hài lòng nhưng Mỹ đã cho rằng đây là một bước đi đúng hướng.


Cái rìu được cho là sử dụng trong sự cố. Ảnh: Wikipedia

Trại tiền trạm tại khu vực an ninh chung Kitty Hawk sau này được đổi tên thành Trại Bonifas để tưởng nhớ đại đội trưởng bị giết hại. Còn Cơ sở sẵn sàng Barrett nằm bên trong khu vực an ninh chung được đặt tên theo Barrett. 

Gốc cây dương còn lại sau này bị chặt năm 1987. Khu vực trồng cây dương được dựng một tấm bia đá với bảng đồng khắc dòng chữ về Bonifas và Barrett. UNC đã tổ chức lễ tưởng niệm tại đây hàng năm.

Sự cố đã khiến nhân sự hai bên phân chia khu vực hoạt động tại khu vực an ninh chung để tránh lặp lại. Cái rìu và cán rìu dùng trong sự cố được trưng bày ở Bảo tàng Hòa bình Triều Tiên.


THÙY DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ và Triều Tiên từng suýt lâm chiến vì một cái cây