Mỹ và Triều Tiên đang cân nhắc nghiêm túc việc trao đổi sĩ quan liên lạc, nguồn tin của CNN cho biết ngày 18.2.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore năm 2018 - Ảnh: REUTERS
Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng lại mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Năm ngoái tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có cuộc gặp được mô tả "lịch sử", hứa hẹn đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên cũng như hóa giải hận thù giữa Mỹ và Triều Tiên.
Ông Trump và ông Kim, trong tuyên bố chung của cuộc gặp ấy, đã cam kết "xây dựng mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên mới phù hợp với nguyện vọng của người dân hai nước dành cho hòa bình và thịnh vượng".
Tuyên bố trên mở đường cho những diễn biến tái thành lập mối quan hệ ngoại giao hai nước, nếu mọi thứ đi đúng hướng, nguồn tin của CNN cho biết.
Hai nguồn tin ngoại giao cấp cao cũng nói với CNN rằng sẽ có vài sĩ quan liên lạc được gửi tới Triều Tiên nhằm thành lập văn phòng tại đây. Văn phòng liên lạc này sẽ do một quan chức đối ngoại cấp cao rành tiếng Triều đứng đầu.
Diễn biến đáng chú ý này, tuy vậy, cũng không hẳn hoàn toàn lạc quan nếu nhìn vào những gì quá khứ từng chứng kiến.
Năm 1994, một thỏa thuận tương tự ngày nay có tên gọi "Khung nhất trí" cũng từng dẫn tới việc mở rộng các cuộc đàm phán về trao đổi sĩ quan liên lạc hai nước.
Khi ấy, Mỹ thậm chí đã thuê một khu đất trong cơ quan ngoại giao Đức tại Triều Tiên, còn Triều Tiên cũng tìm mặt bằng ở thủ đô Washington.
Tuy vậy, vào cuối năm 1995, Triều Tiên hủy toàn bộ kế hoạch. Nguyên nhân vụ việc được cho là bắt nguồn từ tình hình căng thẳng leo thang sau khi Mỹ cho rằng một trực thăng nước này bị bắn rơi khi bay ngang Khu phi quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc cuối năm 1994.
Theo Tuổi trẻ