Ngày 11/9 (theo giờ Mỹ), hàng loạt thành phố và tiểu bang tại Mỹ đã tổ chức các sự kiện tưởng niệm 22 năm ngày xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11/9/2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Nhân sự kiện này, Tổng thống Joe Biden đã có bài phát biểu tại căn cứ quân sự Elmendorf-Richardson ở thành phố Anchorage (tiểu bang Alaska). Bài phát biểu được thực hiện khi ông Biden vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam và trên đường trở về Washington D.C.
Trước các quân nhân, Tổng thống Biden nói rằng nước Mỹ không bao giờ quên vụ khủng bố ngày 11/9/2001, song nhấn mạnh rằng chính sự kiện này đã giúp thúc đẩy tinh thần đoàn kết của người dân Mỹ lên mức cao chưa từng có. Ông Biden kêu gọi người dân đoàn kết để đạt được các giá trị mà nước Mỹ mong đợi. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đánh giá cao những bước đi mà nước này triển khai kể từ sau vụ tấn công nhằm truy quét và tiêu diệt các phần tử khủng bố, trong đó có trùm khủng bố Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri.
Trước đó cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã dự lễ tưởng niệm tại Khu Ground Zero, nơi được xây dựng trên nền tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) bị hai máy bay đâm trúng và sụp đổ ngày 11/9/2001. Đi cùng bà Harris còn có lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer, Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand, Thị trưởng New York Eric Adams và thống đốc bang Florida Ron DeSantis.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng tổ chức lễ tưởng niệm có sự tham gia của Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden. Phát biểu tại buổi lễ được tổ chức tại trụ sở chính ở hạt Arlington, bang Virginia, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, nhấn mạnh sự kiên cường của nước Mỹ đã chứng tỏ chủ nghĩa khủng bố “không bao giờ hủy hoại được đất nước này”. Một lễ tưởng niệm cũng diễn ra tại Shanksville, bang Pennsylvania, nơi chuyến bay 93 của Hãng Hàng không United Airlines đã rơi sau khi bị các phần tử khủng bố khống chế.
Cũng đúng dịp này, các cơ quan chức năng Mỹ cho biết đã xác định được danh tính của hai nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố năm xưa, nhờ công nghệ phân tích ADN. Tuy nhiên, danh tính của hai người được giữ bí mật theo nguyện vọng của gia đình.
Ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động khi 19 đối tượng khủng bố al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu. Hai chiếc máy bay trong số đó lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp WTC tại thành phố New York.
Chiếc máy bay thứ ba, chuyến bay 77 của American Airlines, đã đâm vào Lầu Năm Góc tại quận Arlington, bang Virginia, gây sụp đổ một phần mặt phía Tây của tòa nhà. Trong khi đó, chiếc máy bay thứ tư, chuyến bay 93 của United Airlines, ban đầu được nhắm vào thủ đô Washington D.C, nhưng đã rơi xuống một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm tìm cách khống chế nhóm không tặc.
Loạt vụ tấn công trên đã làm 2.977 người thiệt mạng (không bao gồm 19 đối tượng khủng bố), hơn 6.000 người khác bị thương và gây ra những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD. 22 năm sau vụ khủng bố, vẫn còn 1.104 nạn nhân - tức 40% số người thiệt mạng - chưa được xác định danh tính. Đây cũng là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất trong lịch sử lực lượng lính cứu hỏa và hành pháp nước Mỹ, với 343 lính cứu hỏa và 72 sỹ quan hành pháp thiệt mạng.
Thảm kịch 11/9/2001 cũng đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York. Vụ tấn công đã dẫn tới việc Chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu.
Theo báo Tin tức