Ba oanh tạc cơ B-1B Lancer đã bay thẳng đến căn cứ Andersen trên đảo Guam, chiếc thứ 4 bay tới Nhật Bản để huấn luyện với hải quân Mỹ trước khi quay lại Guam. Không quân Mỹ không tiết lộ thời gian chúng sẽ đóng quân tại căn cứ Andersen, từ chối cho biết liệu đây có phải nhiệm vụ triển khai dài hạn hay không.
Đợt triển khai lực lượng này diễn ra gần 3 tuần sau khi Lầu Năm Góc lặng lẽ rút 5 oanh tạc cơ chiến lược B-52 khỏi căn cứ Andersen giữa tháng 4 và không điều lực lượng thay thế, kết thúc nhiệm vụ "Duy trì hiện diện qanh tạc cơ liên tục" (CBP) từ năm 2004. Đây cũng là lần đầu tiên phi đội B-1B đáp xuống Guam từ năm 2017, thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua.
"B-1B đáp ứng mọi hoạt động huấn luyện như B-52, kèm thêm khả năng đào tạo phi công sử dụng tên lửa chống hạm tầm xa LRASM. Những chiếc Lancer cũng có thể mang nhiều tên lửa đối đất JASSM và bom dẫn đường JDAM loại 938 kg hơn, đồng thời được trang bị hệ thống phòng vệ hiện đại và đủ sức đạt tốc độ siêu âm để tăng cường năng lực chiến đấu", trung tá Frank Welton, phụ trách quản lý lực lượng PACAF cho biết.
PACAF ra tuyên bố cho biết phi đội B-1B hiện diện ở Guam nhằm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và "các sứ mệnh răn đe chiến lược" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kế hoạch này được thiết kế nhằm di chuyển các oanh tạc cơ chiến lược tới nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới nhằm thể hiện "tính khó dự đoán trong tác chiến" của chúng, khiến đối thủ phải liên tục phỏng đoán lực lượng Mỹ đang ở đâu.
Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này
Giới chuyên gia cho rằng rút oanh tạc cơ khỏi Guam, kết thúc CBP là động thái giúp Mỹ đặt lực lượng không quân chiến lược ngoài tầm đe dọa của Trung Quốc và Triều Tiên, trong khi vẫn duy trì năng lực răn đe và gây bất ngờ cho đối phương.
Với việc chấm dứt CBP và đưa oanh tạc cơ B-1B tới Guam trong thời gian ngắn, Mỹ đang xây dựng chiến thuật không triển khai các lực lượng chiến lược lâu dài tại căn cứ cố định, vốn dễ trở thành mục tiêu cho đối phương tấn công.
"Việc bố trí lực lượng thường xuyên, dễ đoán ở Guam tạo ra điểm yếu tác chiến nghiêm trọng. Các sĩ quan tham mưu Trung Quốc có thể dễ dàng lên kế hoạch phá hủy số oanh tạc cơ này một khi biết rõ sự hiện diện của chúng", Timothy Heath, chuyên gia quốc phòng tại tổ chức tư vấn RAND Corp. ở Washington nhận định.
Kể từ khi rút hết B-52 khỏi Guam hôm 17.4, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của oanh tạc cơ B-1B ở Thái Bình Dương. Không quân Mỹ đã 2 lần điều oanh tạc cơ chiến lược B-1B từ căn cứ ở Bắc Mỹ đến châu Á - Thái Bình Dương chỉ trong vòng 1 tuần, trong đó một chiếc bay qua Biển Đông hôm 30.4.