Những động thái gần đây cho thấy liên minh Mỹ - Philippines (Phi-líp-pin) tiếp tục được thắt chặt để đối trọng với một Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Quân đội Philippines và Mỹ tập trận trên Biển Đông
Liệu mối “thâm tình” đó có đủ bảo đảm rằng, cường quốc số 1 thế giới sẵn sàng hành động để bảo vệ đối tác của mình ở Biển Đông ?
Quan hệ Mỹ - Philippines thêm gắn kếtVài năm trở lại đây, khi “sóng gió” ở Biển Đông nổi lên vì những bước đi cứng rắn và quyết liệt của Trung Quốc nhằm tranh giành chủ quyền thì cũng là lúc Philippines và Mỹ bắt đầu ra sức tăng cường mối quan hệ liên minh quân sự.
Ngoài việc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung, tăng cường chuyến thăm qua lại của giới lãnh đạo hai nước, đưa ra những tuyên bố thể hiện “tình thân”, Mỹ và Philippines bắt đầu bàn đến chuyện lớn hơn và có ảnh hưởng sâu rộng hơn không chỉ đến hai nước mà đến cả khu vực. Đó là việc Manila muốn mở cửa đưa quân Mỹ trở lại nước này nhằm giúp họ làm đối trọng với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Philippines và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền căng thẳng và quyết liệt ở Biển Đông. Do ở thế yếu hơn, Manila (Ma-ni-la) đã tìm đến và trông chờ vào đồng minh lớn của nước này - siêu cường số một thế giới.
Tiếng “gọi” của Philippines đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực và nhiệt tình của phía Mỹ. Sở dĩ như vậy là vì mong muốn của Philippines cũng chính là điều mà Mỹ đang chờ đợi. Nếu như Manila e ngại sự hung hăng trong tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc thì Mỹ lại dè chừng trước sự nổi lên nhanh chóng của cường quốc châu Á. Mỹ sợ sẽ mất đi vị trí số một cũng như ảnh hưởng của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực năng động và có nhiều tiềm năng phát triển nhất trên thế giới hiện nay. Cùng chung mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, Philippines và Mỹ bắt tay vào một loạt kế hoạch nhằm tăng cường sức mạnh của mối quan hệ liên minh này.
Trong thời gian qua, giới chức Philippines liên tục nói đến việc mở cửa cho quân Mỹ quay trở lại nước này. Bắt đầu từ tháng 7, Manila và Washington (Oa-sinh-tơn) đã tham gia vào các cuộc đàm phán liên tiếp về sự sắp xếp chiến lược liên quan đến quân Mỹ ở Philippines. Hai nước được cho là đang tiến dần đến việc xóa bỏ mọi sự khác biệt cho một thỏa thuận cuối cùng về việc triển khai quân và vũ khí Mỹ trên lãnh thổ Philippines.
Trong khi các cuộc đàm phán đang được đẩy nhanh thì Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ đến thăm Philippines từ ngày 11 đến 12-10 tới. Chuyến thăm của ông Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến Philippines trong một thập kỷ qua. Chuyến thăm được chờ đợi từ lâu này sẽ giúp Mỹ và Philippines tiến gần hơn đến thoả thuận mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Philippines, có thể là trước cuối năm nay. Quan hệ Mỹ - Philippines vì thế cũng sẽ có thêm “động lực mới” để phát triển.
Philippines hoài nghi về chính sách của MỹTheo các nhà phân tích, thỏa thuận cho phép đưa quân và vũ khí đến sát Trung Quốc được cho là sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hiện nay thông qua việc củng cố năng lực phòng thủ cũng như khả năng đối đầu với Trung Quốc của Philippines. Thỏa thuận đó cũng được xem là một thông điệp mạnh mẽ mà Mỹ muốn gửi đến Trung Quốc. Washington muốn cho Bắc Kinh thấy được cam kết của họ trong việc duy trì sự ổn định ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên. Đây là lý do khiến Philippines trở thành nước nhiệt tình hàng đầu trong việc ủng hộ cho chính sách quay trở lại châu Á của Mỹ.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines không phải không có sự hoài nghi. Có nhiều lý do khiến người ta phải đặt câu hỏi liệu Mỹ có thực sự sẵn sàng bảo vệ đồng minh số một ở khu vực Đông Nam Á nếu nước này rơi vào một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc?
Bất chấp những lời phát biểu đầy mạnh mẽ, đáng chú ý nhất là tại Quốc hội Australia (Ô-xtrây-li-a) khi tuyên bố về kế hoạch đưa quân vào Darwin, Mỹ khẳng định vai trò của mình là một “cái mỏ neo của sự ổn định và thịnh vượng” trong khu vực Thái Bình Dương. Nhưng chính Manila cũng phải lên tiếng phàn nàn về việc thiếu những hành động hay cam kết tài chính cụ thể từ Washington để củng cố cho tuyên bố của phía Mỹ. Chính quyền Obama cũng thường thể hiện sự mập mờ trong cam kết đến giúp Philippines trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở bên ngoài các khu vực nội thị của Philippines, trong đó có Biển Đông. Sự hoài nghi trên càng tăng lên khi người ta chứng kiến cách ứng xử và phản ứng của Mỹ trước những diễn biến ở bãi cạn Scarborough gần đây của phía Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh ngày một lấn tới và dần chiếm quyền kiểm soát bãi cạn vốn là ngư trường truyền thống của Philippines này thì Washington vẫn khuyến khích Manila tìm kiếm một sự thỏa hiệp về ngoại giao.
Không có hành động cứng rắn cũng như cam kết rõ ràng của phía Mỹ đối với Philippines, Bắc Kinh càng dễ tiến lên trong cuộc tranh chấp ở bãi cạn Scarborough. Không rõ có phải vì nghi ngờ quyết tâm bảo vệ đồng minh của phía Mỹ hay không mà Manila gần đây đang tìm kiếm một cam kết mạnh mẽ hơn từ phía Washington đồng thời đẩy mạnh mối quan hệ liên minh với Nhật Bản - một cường quốc của châu Á và cũng là nước đang tranh chấp lãnh thổ quyết liệt với Trung Quốc.
KIỆT LINH