Sau khi Mỹ rút vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc năm 1991, Washington đã cam kết duy trì “chiếc ô hạt nhân” từ xa.
"Tôi tin rằng chúng ta nên tập trung vào vấn đề không gia tăng mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân, cho dù chúng mang tính chiến thuật hay không", Đại sứ Mỹ Philip Goldberg phát biểu tại một diễn đàn do câu lạc bộ truyền thông Kwanhun tổ chức ngày 18/10.
“Cam kết răn đe mở rộng đồng nghĩa với việc Mỹ cung cấp biện pháp bảo vệ cho Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực, kể cả hạt nhân. Chúng tôi đã cam kết chắc chắn. Không ai nên nghi ngờ về điều đó", ông nói thêm.
Bình luận của Đại sứ Goldberg được đưa ra sau khi ông Chung Jin-suk - người đứng đầu Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của Hàn Quốc - kêu gọi Hàn Quốc hủy bỏ cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân vào tuần trước.
Ông Chung Jin-suk cho rằng sau hàng loạt vụ phóng tên lửa khiêu khích của Triều Tiên gần đây, Seoul cần triển khai mọi biện pháp cần thiết về quốc phòng và an ninh.
Sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol từ chối rời khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), ông Chung Jin-suk đã thay đổi lập trường khi nói rằng Mỹ nên triển khai lại vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc.
Chiếc ô hạt nhân
Trong Chiến tranh Lạnh, khi Hàn Quốc là một quốc gia độc tài quân sự trên thực tế, Mỹ đã lưu trữ hàng trăm vũ khí hạt nhân ở đó. CHDCND Triều Tiên là đồng minh với Liên Xô, song cũng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và sở hữu chương trình vũ khí hạt nhân. Hai miền Triều Tiên từng xảy ra chiến tranh từ năm 1950 đến năm 1953, nhưng cuộc chiến chỉ kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, chứ không có hiệp ước đình chiến chính thức nào.
Sau khi Mỹ rút vũ khí hạt nhân vào cuối Chiến tranh Lạnh, họ đã cho 28.500 binh sĩ lưu lại Hàn Quốc, đồng thời cam kết tiếp tục bảo vệ Seoul khỏi các cuộc tấn công bằng “chiếc ô hạt nhân”. Năm 1992, Seoul và Bình Nhưỡng đã cố gắng đạt được một thỏa thuận để ngăn chặn vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng những rắc rối trong tiến trình đàm phán đã khiến thỏa thuận này không bao giờ có hiệu lực.
Mặc dù Hàn Quốc đã phê chuẩn NPT vào năm 1975, nhưng nước này chưa bao giờ ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).
Leo thang căng thẳng
Cuộc thảo luận mới về vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc đã dấy lên sau khi các lực lượng của Washington và Seoul tiến hành loạt tập trận vượt sông và không kích quy mô lớn. Đáp lại, Triều Tiên đã bắn hàng trăm quả đạn pháo vào "vùng đệm" ở Hoàng Hải và Biển Nhật Bản.
Ông Yang Moo-jin, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) rằng: "Hiệp định quân sự liên Triều năm 2018, là phương tiện an ninh cuối cùng nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ vũ trang dọc biên giới, đang bị đe dọa bởi những hoạt động quân sự leo thang của cả hai bên. Đây là một tình huống nguy hiểm cần phải được xử lý cẩn thận”.
Ngoài ra, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ ngày càng tin rằng Triều Tiên sắp sửa tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ bảy. Hãng thông tấn Yonhap đưa tin Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã trực xuyên đêm để theo dõi dấu hiệu thử vũ khí tại nước láng giềng.
Bình Nhưỡng đã tạm dừng thử vũ khí hạt nhân kể từ năm 2017, khi cho nổ vũ khí nhiệt hạch đầu tiên trong một buồng thử nghiệm dưới lòng đất ở Punggye-ri, nằm dưới núi Mantap. Năm 2018, sau khi thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng mang bom khinh khí mới, Bình Nhưỡng đã tự nguyện áp đặt lệnh cấm thử nghiệm cả hai loại vũ khí này. Sau đó, trong thời gian tiến hành các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ, Bình Nhưỡng đã cho nổ tung các phần của bãi thử Punggye-ri để thể hiện cam kết muốn đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, Washington đã từ chối nới lỏng trừng phạt.
Giới quan sát đã đưa ra cảnh báo về leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sau khi các lực lượng Triều Tiên tập trận mô phỏng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại các mục tiêu của Hàn Quốc và Mỹ. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tổ chức tập trận chung quy mô lớn. Lần đầu sau 5 năm, Mỹ đã điều một tàu sân bay tham gia tập trận ở khu vực này.
Theo Báo Tin tức