Washington lo ngại các chương trình phát triển không gian của Bắc Kinh có nguy cơ gây tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
1.Vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc Đông Phương Hồng-1; 2. Đông Phương Hồng-3 được phóng năm 1997; 3. Dương Lợi Vĩ - nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc; 4. Phi hành gia Trác Chí Cương trên tàu Thần Châu VII - Ảnh: China Daily |
Viện dự án 2049 thuộc Ủy ban xem xét an ninh và kinh tế Mỹ - Trung của Mỹ vừa đưa ra một báo cáo mang tựa đề “Những năng lực không gian đang phát triển của Trung Quốc: những hàm ý đối với lợi ích của Mỹ”.
Đe dọa châu Á - Thái Bình Dương
Báo cáo lưu ý Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang cải thiện khả năng giám sát đối với các diễn biến trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua một hệ thống mở rộng các cảm biến từ xa trên vũ trụ, các vệ tinh thông tin liên lạc và vệ tinh dẫn đường. Khi các kỹ thuật kiểm soát và chỉ huy của Trung Quốc càng tinh vi và phạm vi càng rộng, khả năng đe dọa của PLA càng lớn đối với các mục tiêu ở khắp tây Thái Bình Dương và biển Đông cũng như bất kỳ mục tiêu nào quanh Trung Quốc.
“PLA đẩy mạnh các chương trình vũ trụ để tăng cường các lợi ích của Trung Quốc và phòng vệ trước những thách thức đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình” - báo cáo viết.
Vẫn theo báo cáo này, việc Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh các chương trình quân sự vũ trụ cũng có thể ngăn trở sự tự do hoạt động của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể sử dụng vệ tinh để theo dõi và tấn công các tàu sân bay của Mỹ đang hoạt động ở khu vực bằng tên lửa hạm đối hạm.
Nghiên cứu khoa học hay do thám quân sự?
Mười ngày trước (18-4), Washington đã lên tiếng quan ngại về các chương trình nghiên cứu vũ trụ của Bắc Kinh. Theo báo Washington Post, Trung Quốc đã phát triển và thử nhiều thế hệ tên lửa tấn công mới, nâng cấp các hệ thống tên lửa cũ và đang phát triển các phương tiện không gian mới nhằm đối đầu với tên lửa đạn đạo của Mỹ và các đồng minh, trong đó có cả vũ khí chống vệ tinh (ASAT).
Từ năm 2006-2010, Bắc Kinh đã nhiều lần phóng vệ tinh lên vũ trụ, nhất là nhóm vệ tinh được trang bị công nghệ trí thông minh nhân tạo SJ-6. Các vệ tinh này làm nhiệm vụ dẫn truyền dữ liệu trinh sát cho hải quân. Hàng loạt vệ tinh khác đã được phóng lên vũ trụ với mục đích nghiên cứu, song đến nay nội dung các nghiên cứu này đều không được công bố. Chính vì lẽ đó, phương Tây luôn nghi ngại Bắc Kinh đã sử dụng các vệ tinh này để do thám và thu thập tin tức tình báo. Báo chí phương Tây còn cho rằng có khả năng Trung Quốc phóng vệ tinh để dẫn đường cho tên lửa tầm xa Đông Phong 21 của mình.
Bất chấp những nghi ngại này, Bắc Kinh vẫn tăng cường các chương trình kỹ thuật vũ trụ. Bắc Kinh xem hệ thống định vị Bắc Đẩu mà họ đang phát triển là lá chắn vững chắc cho hoạt động phòng thủ, giúp Trung Quốc không còn phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ trong việc cung cấp tọa độ cho hải quân và quân đội vốn đòi hỏi tính bảo mật cao. Nhật báo Trung Quốc dẫn lời Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghệ vũ trụ Trung Quốc Trương Kiến Hằng cho biết, hệ thống này sẽ phủ sóng khắp châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2012 và toàn cầu năm 2020. Theo ông Trương, trong năm 2012 Bắc Kinh có kế hoạch phóng 21 tên lửa cùng 30 vệ tinh. Tàu Thần Châu IX có thể sẽ được phóng vào tháng 6 đến tháng 8 để lắp ghép với môđun nghiên cứu vũ trụ Thiên Cung 1.
MỸ LOAN
Thái - Trung hợp tác phát triển giàn phóng tên lửa Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sukumpol Suwanatat cho biết, Thái Lan và Trung Quốc đã thỏa thuận cùng hợp tác phát triển các giàn phóng tên lửa với hệ thống dẫn đường. Theo thỏa thuận này, Viện Kỹ thuật quốc phòng Thái Lan sẽ hợp tác với phía Trung Quốc để phát triển hệ thống phóng tên lửa DTI-1G vốn sẽ có tầm bắn xa hơn hệ thống hiện có DTI-1 chỉ có tầm bắn 60-180km mà lại thiếu chính xác. |