Bắc Kinh phản pháo rằng Mỹ không phải là một bên ở Biển Đông và chưa là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Trong khi đó, dù là thành viên UNCLOS 1982, Trung Quốc liên tục vi phạm công ước này.
Viết trên Twitter cá nhân chiều 3.6, Đại sứ - Trưởng phái đoàn đại diện Trung Quốc tại ASEAN Đặng Tích Quân gọi các cáo buộc của Mỹ trong công hàm gửi lên Liên hợp quốc (LHQ) ngày 1.6 là "vô căn cứ" và nhấn mạnh rằng "những căng thẳng, hỗn loạn hiện nay chắc chắn không phải ở Biển Đông" - ám chỉ các cuộc biểu tình ở Mỹ.
Theo đại sứ Trung Quốc, "Mỹ không phải là một bên liên quan đến vấn đề Biển Đông và cũng không phải là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nên sự can thiệp của Washington chắc chắn mang động cơ chính trị và đi ngược lại ý muốn của các nước trong khu vực" (!?).
Đây vốn là một luận điểm đã được chính quyền Bắc Kinh sử dụng nhiều lần để phản pháo các tuyên bố lên án Trung Quốc vi phạm UNCLOS 1982 từ Mỹ.
Trung Quốc cũng tích cực phổ biến luận điệu rằng chuyện Biển Đông hãy để các nước liên quan Biển Đông giải quyết, cho rằng các nước như Mỹ, Nhật và châu Âu là những "thế lực bên ngoài" đang muốn can thiệp vào việc riêng của khu vực.
"Trung Quốc đang làm việc chặt chẽ với ASEAN trong cuộc chiến chống COVID-19. Chúng tôi đã hỗ trợ và giúp đỡ nhau một cách nhiệt thành - điều đã giúp hai bên gây dựng được lòng tin lẫn nhau", đại diện của Trung Quốc tại ASEAN khẳng định.
"Tự Trung Quốc và ASEAN sẽ nắm giữ chìa khóa thúc đẩy hòa bình, ổn định trong tay mình", ông Đặng tuyên bố.
Tiêm kích F-16 của Indonesia bay ngang qua tàu tiếp liệu của hải quân Trung Quốc khi nó lượn lờ gần quần đảo Natuna, vùng biển Jakarta tuyên bố "KHÔNG" có tranh chấp nhưng Bắc Kinh khẳng định "CÓ" vì nằm chồng lấn với đường 9 đoạn do nước này tự vẽ - Ảnh: Không quân Indonesia
Trong cuộc họp báo cùng ngày 3.6 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tiếp tục ngang ngược cho rằng "quyền chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông đã được thiết lập qua tiến trình lịch sử lâu dài".
"Những quyền đó đã được giữ gìn bởi các chính quyền tiếp nối ở Trung Quốc và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Những cáo buộc vô căn cứ của nước nào đó sẽ không thay đổi được điều này", ông Triệu lập luận.
Trên thực tế, những gì quan chức họ Triệu và họ Đặng nêu ở trên đều đứng trước dấu chấm hỏi lớn của cộng đồng quốc tế trong suốt thời gian qua.
Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 đã bác bỏ cái gọi là "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối tuân thủ phán quyết mang tính chung thẩm và ràng buộc của tòa trọng tài, thậm chí chỉ trích tòa án - điều mà giới học giả cho là sự chà đạp lên luật pháp quốc tế.
Những điều này đã được nhắc tới trong công hàm ngày 1.6 của Mỹ gủi lên LHQ, trong đó nhấn mạnh Mỹ phản đối Trung Quốc tự vẽ đường cơ sở thẳng và tự xác định các vùng nước cho từng đảo hoặc nhóm quần đảo trên Biển Đông.
"Mỹ một lần nữa kêu gọi các yêu sách hàng hải của Trung Quốc phải phù hợp với luật quốc tế đã được phản ánh trong UNCLOS, tuân thủ phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài và ngừng các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông", Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft "chốt" trong công hàm.
Theo Tuổi trẻ