Cuộc gặp của Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm nổi lên một điều: Berlin và Washington vẫn chưa cùng quan điểm khi nói đến Nga.
Nhận định với tờ Deutsche Welle (Đức) ngày 8.2, chuyên gia chính sách đối ngoại của Áo Gerhard Mangott cho rằng mặc dù cả Mỹ và Đức đều lo ngại về các hoạt động quân sự của Nga, nhưng họ vẫn chia rẽ về cách phản ứng với Nga.
Trong chuyến công du mới đây tới Washington, Thủ tướng Olaf Scholz đã tìm cách nhấn mạnh cam kết của Đức với tư cách là một đồng minh trong cuộc khủng hoảng Ukraine-Nga đang leo thang.
Giáo sư Gerhard Mangott tại Đại học Innsbruck lưu ý rằng mặc dù thể hiện một mặt trận thống nhất, nhưng tuyên bố của hai nước cũng cho thấy sự chia rẽ trong cách tiếp cận đối với Nga.
Ông Scholz đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 6/2 - cuộc gặp mà Giáo sư Mangott mô tả là nỗ lực nhằm chứng tỏ rằng Đức là đồng minh đáng tin cậy khi đối phó với Moskva.
Ông Scholz nói trong cuộc họp rằng họ sẽ cùng hành động và tiến hành các biện pháp sâu rộng nhằm vào Nga đã được các đồng minh nhất trí. Tuy nhiên, chuyên gia Áo cho biết có sự bất hòa giữa hai bên, đặc biệt liên quan đến đường ống Nord Stream 2 và các lệnh trừng phạt tiềm tàng đối với Nga.
Chuyên gia Mangott nói: “Điều thực sự đáng chú ý là sau khi ông Biden xác nhận rằng Nord Stream 2 sẽ bị đóng cửa nếu Nga tấn công Ukraine, ông Scholz cũng không muốn nói rõ điều đó”, nhấn mạnh rằng, không rõ liệu Đức có thực sự sẵn sàng đóng cửa dự án đường ống gây tranh cãi này hay không.
Theo ông Mangott, điều đáng chú ý là Đức và Mỹ đã không tuyên bố rõ ràng những biện pháp trừng phạt nào sẽ được áp dụng trong trường hợp Nga tấn công Ukraine và dường như có sự mất đoàn kết không chỉ giữa Đức và Mỹ, mà còn cả các đồng minh NATO khác.
Nước láng giềng của Đức, Pháp cũng có lập trường khác với các quan điểm chung của NATO và Mỹ khi đề cập đến cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/2 tại Moskva. Trước cuộc hội đàm, ông Macron đã đề nghị "Phần Lan hóa" Ukraine.
Giáo sư Mangott giải thích: "'Phần Lan hóa' có nghĩa là Ukraine sẽ hoàn toàn tự do về chính trị trong nước, nhưng sẽ bị hạn chế trong các lựa chọn chính sách đối ngoại của mình. Điều này đề cập đến tình trạng của Phần Lan trong Chiến tranh Lạnh, quốc gia có thể giữ được độc lập và dân chủ chỉ bằng cách tuyên bố rõ ràng rằng nước này sẽ giữ thái độ trung lập và không liên kết trong cuộc xung đột giữa phương Tây và Liên Xô".
Ý tưởng này cho thấy ông Macron có thể không cùng quan điểm với Mỹ và các đồng minh NATO khác về vấn đề trên. Tổng thống Macron gần đây cũng nói với truyền thông Pháp rằng việc Nga nêu quan ngại về an ninh của nước này là hợp pháp , một điều đã bị Mỹ và NATO bác bỏ.
Ông Macron cũng có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Scholz vào cuối ngày 8/2. Chuyên gia Mangott kết luận ông Macron đồng ý về cuộc họp để cân nhắc đến tiếng nói và lập trường của Đông Âu trong việc đối phó với Nga và không tỏ ra quá thiên vị đối với Moskva.
Theo Báo Tin tức