Lầu Năm Góc có khoảng 4 tỷ USD quyền rút vốn để gửi tới Ukraine, bao gồm vũ khí và thiết bị được lấy từ kho của Bộ Quốc phòng, song miễn cưỡng sử dụng vì không còn tiền để bổ sung vào kho dự trữ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12/3 (giờ địa phương) đã công bố một gói viện trợ quân sự khác cho Ukraine trị giá 300 triệu USD, bao gồm đạn pháo, tên lửa phòng không, hệ thống chống thiết giáp và nhiều loại vũ khí, khí tài khác.
Động thái trên được đưa ra sau nhiều tháng chính quyền của Tổng thống Joe Biden cảnh báo nguồn quỹ viện trợ đã cạn kiệt và các quan chức cho biết nguồn tài trợ mới có được nhờ tiết kiệm được từ các hợp đồng vũ khí.
Lầu Năm Góc có khoảng 4 tỷ USD quyền rút vốn để gửi tới Ukraine, bao gồm vũ khí và thiết bị được lấy trực tiếp từ kho của Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã miễn cưỡng sử dụng nguồn tài trợ đó vì không còn tiền để bổ sung vào kho dự trữ của Mỹ.
Theo một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên được các hãng tin địa phương trích dẫn, khoản tiết kiệm mới - kết quả của "các cuộc đàm phán hiệu quả" và tập hợp tài trợ cho nhiều hạng mục khác nhau - đã rót cho Lầu Năm Góc thêm 300 triệu USD để sử dụng làm nguồn tài trợ bổ sung, nhằm bù đắp cho khoản viện trợ gửi tới Kiev.
Quan chức này nêu ví dụ về việc có thể mua được đạn 25mm với chi phí rẻ hơn dự kiến sau khi đàm phán với nhà cung cấp.
Tuy nhiên, ông khẳng định rõ đây không phải là giải pháp lâu dài bền vững để cung cấp vũ khí rất cần thiết cho Ukraine trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện tiếp tục từ chối đưa một dự luật cung cấp viện trợ quân sự bổ sung, có trị giá tới hơn 60 tỷ USD, ra bỏ phiếu với lập luận Mỹ cần ưu tiên giải quyết các chính sách nội bộ.
Gói viện trợ gần đây nhất cho Ukraine, trị giá 250 triệu USD được Mỹ công bố vào cuối tháng 12/2023.
TB (theo TTXVN)