Mỹ có rút quân khỏi Afghanistan trong năm 2011?

21/02/2011 17:44

Tình hình Afghanistan trong năm 2011 đang tuột khỏi tầm kiểm soát của quân đội Mỹ. Nguy cơ Mỹ bị sa lầy tại chiến trường này ngày càng rõ nét. Kế hoạch rút quân vào năm 2011 của Tổng thống Obama sẽ khó diễn ra.

Quân đội Mỹ tại Afghanistan

Ngày 8-11-2010, tướng Josef Blotz người phát ngôn của Lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế NATO đã cho biết: "Chưa có thời gian biểu cho việc rút quân liên minh khỏi Afghanistan". Ngày 19-11-2010, Tổng thống Obama cũng đưa ra tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ làm mọi cách để giành chiến thắng. Việc rút quân vào giữa năm 2011 sẽ bắt đầu được thực hiện, nhưng năm 2014 mới thực sự là năm Mỹ chính thức rút hết quân tại đây.

Kết quả chưa như mong muốn

Năm 2010 là thời điểm "một mất một còn" khi mà cuộc chiến tại Afghanistan đã bước sang năm thứ 10. Mặc dù quân Mỹ đã được điều thêm tới Afghanistan nhưng vẫn chưa đạt được những kết quả khả quan như mong muốn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh báo Mỹ vẫn chưa thật sự giành chiến thắng ở Afghanistan và nhiều khó khăn vẫn đang ở phía trước: Tình hình bạo lực không thuyên giảm, phong trào nổi dậy có chiều hướng gia tăng; an ninh tại thủ đô Kabul không xấu đi, nhưng tại một số tỉnh miền Bắc lại ít an toàn hơn. Số thương vong của binh lính Mỹ hàng tháng tăng từ 60 - 66 người, đặc biệt trong các tháng cuối năm 2010. Giới phân tích quân sự cho rằng cuộc chiến Afghanistan đang diễn ra trong sự rối ren.

Ngày 24-6-2010, Tổng thống Obama đã bổ nhiệm Tướng David Petraeus làm Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan thay cho Tướng Stanley McChrystal, người đã buộc phải "về hưu". Tướng Petraeus cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược của người tiền nhiệm là tránh tối đa các thương vong cho thường dân Afghanistan.

Mâu thuẫn giữa Mỹ và Tổng thống Afghanistan Karzai gia tăng. Tổng thống Obama cảnh báo ông Karzai về những vấn đề trong nội bộ Chính phủ Afghanistan, đề nghị ông nỗ lực hơn nữa trong công cuộc chống tham nhũng và buôn lậu ma túy. Trong khi đó, Tổng thống Karzai công khai cáo buộc các nước phương Tây chịu trách nhiệm về những gian lận bầu cử và thậm chí còn đe dọa gia nhập Taliban.

Nhận thấy cách tiếp cận cứng rắn không phát huy hiệu quả và phản tác dụng, Mỹ đã quyết định thay đổi chiến lược theo chiều hướng mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận mới của Mỹ đối với Tổng thống Karzai khó có thể xóa bỏ mọi mâu thuẫn nảy sinh.

Ngày 18-9-2010, Afghanistan đã tiến hành bầu cử Quốc hội trong bối cảnh an ninh được đặt ở mức cao nhất. Cuộc bầu cử có sự tham gia của 2.545 ứng cử viên từ 34 tỉnh trên cả nước, trong đó có hơn 400 phụ nữ, cạnh tranh 249 ghế trong Hạ viện. Sự kiện này được xem là một "phép thử" đối với sự ổn định ở Afghanistan, trước khi Tổng thống Obama xem xét lại chiến lược tại quốc gia này vào cuối năm 2011.

Kế hoạch của Lầu Năm Góc - chi hàng tỷ USD để nâng cấp và mở rộng mạng lưới các căn cứ chiến đấu hiện đại (FOB) ở Afghanistan - cho thấy chiến lược lâu dài của quân đội Mỹ khác xa so với kế hoạch rút quân vào tháng 7-2011 mà Tổng thống Obama đã cam kết.

Sai lầm chiến lược của Tổng thống Obama

Tổng thống Obama đã cam kết đưa thêm gần 50.000 quân tới Afghanistan nhằm tăng cường chiến dịch chống nổi dậy ở quốc gia Nam Á này. Giới phân tích quân sự cho rằng đây là những sai lầm chiến lược.

Quyết định tăng cường các nỗ lực của Mỹ ở Afghanistan dựa vào một niềm tin "sai lầm" rằng chiến thắng ở quốc gia này sẽ tác động lớn đến khả năng Al Qaeda tấn công nước Mỹ. Thực tế, sự hiện diện của Al Qaeda có mạng lưới ở nhiều quốc gia khác, bao gồm cả các nước châu Âu, số còn lại ở Afghanistan là rất nhỏ.

Sự tăng cường quân đội Mỹ đã làm tăng nhận thức rằng Mỹ là nước đi xâm lược. Những kẻ cực đoan tôn giáo đã lợi dụng sự hiện diện của Mỹ như một công cụ tuyển dụng hữu hiệu.

Sự tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ và các nỗ lực chống nổi dậy mạnh mẽ hơn ở Afghanistan và Pakistan đã làm gia tăng liên minh ngầm giữa các nhóm cực đoan khác nhau mà trước đây vốn không có chung đường hướng.

Việc tăng thêm 100.000 quân tới Afghanistan đã làm gia tăng những cáo buộc cho rằng Mỹ có sự thù địch với đạo Hồi. Những tức giận về các hành động quân sự của Mỹ ở chiến trường Afghanistan-Pakistan đã kích động những kẻ cực đoan tiến hành những âm mưu khủng bố ngay trên đất Mỹ.

Chiến lược quân sự của Mỹ đang thất bại bởi vì điều kiện tiên quyết cho sự thành công không có. Mỹ không có cách nào buộc Taliban phải ngồi yên và chiến đấu công khai, vì nếu như vậy Taliban sẽ dễ dàng bị đánh bại.

Tuy Mỹ đã nhận thức được sự cần thiết phải tôn trọng văn hóa địa phương, nhưng tiến trình này mới tiếp diễn. Việc thiếu các phiên dịch viên thông thạo tiếng Pashtun và ngôn ngữ Dari khiến việc chuyển tải những thông điệp của phương Tây tới người dân Afghanistan gặp rất nhiều khó khăn. 

Những sai lầm chiến lược ở Afghanistan khiến Mỹ không thể đạt được các lợi ích cốt lõi với chi phí có thể chấp nhận được. Bảo vệ những lợi ích sống còn của Mỹ đòi hỏi cách tiếp cận hoàn toàn khác hơn.

Tình hình Afghanistan vẫn còn phức tạp

Mỹ và đồng minh tiếp tục đối mặt với sự trỗi dậy của lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, lực lượng này có thể sẽ tìm cách tránh đối đầu trực tiếp với quân Mỹ, né tránh các đợt tấn công của lính Mỹ và tìm cách trà trộn vào cộng đồng người Pashtun.

Nỗ lực xây dựng chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan sẽ chỉ đạt được những tiến bộ khiêm tốn. Quân số quân đội và cảnh sát Afghanistan sẽ tăng lên, nhưng không nhanh tới mức có thể đạt được mục tiêu mà Mỹ đề ra là có 400.000 quân vào năm 2013.

Ở cấp quốc gia, các chiến dịch an ninh sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ của ông Karzai triển khai một số chương trình cải tổ cần thiết, nhưng hiệu quả sẽ không tăng được bao nhiêu và cuộc chiến chống tham nhũng cũng chỉ gặt hái được kết quả hạn chế.

Mỹ sẽ phải đối mặt với thực tế là sự ủng hộ trong nước và quốc tế đối với cuộc chiến tại Afghanistan giảm đi, thậm chí cả những đồng minh thân cận nhất cũng nêu lên những quan ngại về thành công của cuộc chiến.

Mỹ cần một chiến lược thông minh hơn

Các nhà phân tích, giới chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng, chiến lược của Mỹ phải nhằm vào những mục tiêu thực tế, có thể đạt được. Mỹ và các đồng minh phải nhận ra rằng họ không thể quyết định tương lai chính trị của Afghanistan, và quan trọng hơn, điều đó không cần thiết trong việc đạt được các lợi ích chiến lược cốt lõi. Vì vậy, chiến lược thời gian tới của Mỹ sẽ phải tập trung vào những điểm quan trọng sau:

- Tập trung thúc đẩy quá trình hòa giải chính trị và chia sẻ quyền lực ở Afghanistan: Afghanistan sẽ không đạt được hòa bình bền vững nếu không có sự ủng hộ rộng lớn hơn của chính người dân nước này. Vì vậy, Mỹ cần thúc đẩy một tiến trình hòa bình theo đó thực hiện phân quyền ngay trong Afghanistan và khuyến khích sự dàn xếp, chia sẻ quyền lực giữa các đảng phái.

- Giảm dần quy mô và cuối cùng ngưng các họat động chiến đấu ở khu vực miền Nam; giảm dần sự hiện diện quân sự của Mỹ: Chính quyền Tổng thống Obama cần thực hiện đúng cam kết rút các lực lượng chiến đấu của Mỹ vào mùa hè 2011 và có thể sớm hơn. Lực lượng Mỹ cần giảm xuống mức tối thiểu để giúp đỡ huấn luyện các lực lượng an ninh của Afghanistan, ngăn chặn các vi phạm nhân quyền, cũng sự mở rộng kiểm soát của Taliban ra ngoài khu vực nam Pashtun, đồng thời khuyến khích các họat động chống khủng bố. Những biện pháp này sẽ giúp Mỹ tiết kiệm ít nhất từ 60-80 tỷ USD mỗi năm.

- Duy trì trọng tâm chú ý đối với Al Qaeda và tình hình an ninh trong nước: Mỹ cần chuyển hướng một số bộ phận từ việc giảm quân sang tập trung vào các nỗ lực chống khủng bố và bảo vệ các công dân Mỹ khỏi các vụ tấn công khủng bố. Các lực lượng đặc biệt, tình báo và các lực lượng khác của Mỹ cần tiếp tục duy trì để tìm kiếm và xác định các chi nhánh Al Qaeda ở trong khu vực.

- Thúc đẩy phát triển kinh tế Afghanistan: Afghanistan là một trong những nước nghèo nhất thế giới và chính cái nghèo đã khiến một số bộ phận dân chúng dễ bị Taliban lôi kéo. Vì vậy, các nỗ lực hòa giải cần đi đôi với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế: Trao cho Afghanistan quy chế thương mại ưu đãi với Mỹ, EU, Nhật Bản...; Thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng; Cung cấp các khoản trợ cấp, vốn vay và viện trợ kỹ thuật cho các nhà sản xuất nông nghiệp, các công ty xây dựng; Xem xét việc mua các cây thuốc phiện, đem lại cho người dân nước này những lợi ích kinh tế trước mắt, giảm các nguồn thu của Taliban và qua đó giảm nguồn cung cấp ma túy sang phương Tây.

- Kêu gọi sự tham gia chia sẻ của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới: Cuộc chiến ở Afghanistan phản ánh sự thù địch giữa các nhóm sắc tộc và bộ tộc khác nhau ở Afghanistan, nhưng đồng thời nó cũng bị ảnh hưởng bởi các cường quốc bên ngoài tìm cách bảo vệ hoặc thúc đẩy các lợi ích riêng của họ ở quốc gia này. Mỹ đang phải gánh vác tỷ lệ ngày càng tăng các chi phí của cuộc chiến. Do đó, các quốc gia láng giềng và đồng minh của Mỹ cũng phải chia sẻ gánh nặng chi phí từ cuộc chiến này.

Như vậy, tình hình Afghanistan trong năm 2011 tiếp tục diễn biến phức tạp và đang tuột khỏi tầm kiểm soát của quân đội Mỹ. Nguy cơ Mỹ bị sa lầy tại chiến trường này ngày càng rõ nét. Vì thế, kế hoạch rút quân vào năm 2011 của Tổng thống Obama sẽ khó có khả năng diễn ra theo đúng dự kiến. Nhiều khả năng, Chính quyền Obama sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược cũng như hạ thấp các mục tiêu và chuẩn bị cho sự hiện diện lâu dài tại chiến trường Afghanistan.

(Nguồn: VOV)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ có rút quân khỏi Afghanistan trong năm 2011?