Những động thái di chuyển vũ khí áp sát Syria cho thấy Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông này?
|
Mỹ triển khai nhiều vũ khí tối tân đến Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ - hành động cho thấy nước này đã sẵn sàng can thiệp quân sự vào Syria để lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong ảnh: Hệ thống tên lửa hành trình tối tân Patriot của Mỹ triển khai ở Jordan |
Trong khi giới quan chức quân đội Mỹ luôn miệng khẳng định hiện tại họ không có kế hoạch chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thì nước này vẫn lặng lẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Jordan, ngay sát nách Syria. Phải chăng Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông này?
Mỹ đưa nhiều vũ khí tối tân áp sát SyriaTheo các thông tin chính thức, đến nay, Mỹ đã triển khai một loạt quân cũng như các loại vũ khí hiện đại ở ngay sát cạnh Syria. Ngoài ra, có tin từ năm ngoái, Mỹ đã bí mật tuồn vũ khí vào cho phe nổi dậy chiến đấu chống lại ông Assad.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel mới đây đã thông qua việc triển khai vô thời hạn một khẩu đội tên lửa tối tân Patriot cùng một phi đội chiến đấu cơ thiện chiến F-16 ở Jordan. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm 700 binh lính Mỹ đang trực chờ ở ngay biên giới Syria. Trước đó, Mỹ đã có 250 quân đóng tại Jordan. Như vậy, số binh lính Mỹ áp sát Syria đã lên tới con số gần 1.000 quân.
Trong khi nhiệm vụ chính thức của các đơn vị trên được tuyên bố là để hỗ trợ cho mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Jordan thì lực lượng binh lính và vũ khí này cũng sẽ sẵn sàng hành động can thiệp vào cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria khi có lệnh. Khẩu đội tên lửa Patriot sẽ được sử dụng để bảo vệ Jordan khỏi các cuộc tấn công tên lửa từ Syria. Những chiếc máy bay chiến đấu F-16 “sẽ phát đi một thông điệp” cho Syria rằng, Mỹ sẽ bảo vệ Jordan nếu thấy cần thiết, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết. Được biết, khoảng 200 lính Mỹ chuyên về việc lên kế hoạch quân sự đến từ sở chỉ huy của Sư đoàn Thiết giáp số 1 Mỹ sẽ đến Jordan vào cuối mùa hè này. Lực lượng này sẽ giúp các tướng lĩnh Jordan chuẩn bị kế hoạch đối phó trong bất kỳ tình huống khẩn cấp nào ở Syria như khủng hoảng vũ khí hóa học hay vấn đề tị nạn. Ngoài ra, Hải quân Mỹ từ lâu cũng đã triển khai 3 tàu chống tên lửa đạn đạo ở phía đông biển Địa Trung Hải. Mỗi con tàu này có số thủy thủ lên tới 1.000 người và đều được trang bị những tên lửa hành trình Tomahawk hiện đại, có thể bảo vệ đồng minh Israel của Mỹ khỏi những cuộc tấn công tên lửa từ Syria. Chưa hết, theo giới chức Mỹ và giới tướng lĩnh phe nổi dậy Syria, kể từ năm 2012, các điệp viên CIA và lính đặc nhiệm Mỹ đã bí mật đào tạo, huấn luyện cho các chiến binh nổi dậy Syria cách sử dụng vũ khí chống tăng và phòng không. Đồng thời, Mỹ cũng âm thầm tuồn vũ khí vào cho phe nổi dậy Syria.
Hoạt động đào tạo bí mật của Mỹ ở các căn cứ của Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với quyết định mới đây nhất của Tổng thống Barack Obama về việc cung cấp vũ khí, đạn dược cho phe nổi dậy Syria đã làm tăng khả năng Mỹ sẽ trực tiếp can thiệp quân sự vào Syria.
Pháp hậu thuẫn phe nổi dậy SyriaCũng giống như Mỹ, giới quan chức quân sự Pháp cũng đang tiến hành các khóa huấn luyện cho phe nổi dậy Syria đang tìm cách lật đổ Tổng thống Assad.
Đài phát thanh quân đội Pháp (Army Radio) đưa tin, hàng loạt sĩ quan Pháp đóng tại Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang huấn luyện các chiến binh nổi dậy Syria về các chiến thuật, kỹ năng trong chiến tranh cũng như cách thức sử dụng vũ khí. Nếu thông tin trên là chính xác thì điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Pháp tiếp tục là cường quốc phương Tây tích cực nhất trong nỗ lực lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad sau khi đã làm tương tự ở Libya. Trước đó, Pháp cũng đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến lật đổ và tiêu diệt cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi bằng việc là nước đầu tiên phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya.
Trên mặt trận ngoại giao, Pháp cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc tiến hành cái gọi là hội nghị thượng đỉnh hòa bình "Geneva 2" mặc dù cơ hội thành công của hội nghị này rất mờ nhạt. Army Radio đưa tin, các sĩ quan tình báo Pháp đang bắt tay với giới chức Ả-rập Xê-út - nước đang cung cấp tài chính cho phe nổi dậy Syria. Pháp cũng hợp tác chặt chẽ với các quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trở ngại Nga, Trung QuốcCuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở đất nước Syria chứng kiến sự đối đầu sâu sắc giữa hai phe cường quốc. Trong khi phương Tây do Mỹ cầm đầu ủng hộ phe nổi dậy và ra sức tìm cách lật độ chính quyền của Tổng thống Assad thì Nga và Trung Quốc lại kiên quyết phản đối sự can thiệp của các nước bên ngoài vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria. Hai nước này khẳng định, số phận của ông Assad phải do tự người dân trong nước định đoạt.
Ngày 21-6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng cảnh báo Mỹ cần phải lựa chọn giữa một bên là ủng hộ hội nghị hòa bình quốc tế được tổ chức ra nhằm tìm lối thoát cho cuộc chiến ở Syria và một bên là các hành động đơn phương hậu thuẫn cho phe nổi dậy.
Ông Lavrov cảnh báo Mỹ đang phát đi những thông điệp trái ngược nhau cho phe nổi dậy Syria. “Thông điệp mà phe nổi dậy đang nhận được từ Mỹ lúc này là: Đừng đến Geneva, đừng nói là các bạn sẽ đàm phán với chính quyền bởi chẳng bao lâu nữa mọi thứ sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho các bạn”, ông Lavrov đã nói như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP và Bloomberg ngày 21-6. Theo Ngoại trưởng Nga, Mỹ hoặc là “lựa chọn hội nghị hòa bình hoặc là khích động, xúi bẩy phe nổi dậy đừng linh hoạt. Tôi không nghĩ rằng họ có thể làm được cùng lúc hai việc này trong cùng một thời điểm”.
Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã đề xuất tổ chức một hội nghị hòa bình thứ hai về Syria còn được gọi là Geneva 2. Tuy nhiên, khả năng thành công của hội nghị này được đánh giá là rất thấp.
KIỆT LINH