Thượng viện Mỹ đã thông qua Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương, một nỗ lực cả về tài chính và chính trị để đối phó với Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong khu vực.
Trong bài bình luận đăng trên South China Morning Post, nhà tư vấn chính sách đối ngoại Christian Le Miere bình luận rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump cuối cùng đã đối đầu với Trung Quốc về mặt quân sự.
Trước đây, dù chỉ định Bộ Tự lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là đơn vị ưu tiên nhưng Lầu Năm Góc không thay đổi quan điểm tổng thể. Trên thực tế, căng thẳng ở Trung Đông đã buộc Mỹ phải duy trì sự hiện diện lớn hơn ở đó, thay vì chuyển quân sang Đông Á để đối đối đầu với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Nhưng giờ đây, sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19, giới tinh hoa chính trị Washington đã tìm thấy sự đồng thuận giữa hai đảng về sự cần thiết phải đối đầu với Trung Quốc. Gần đây, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm 2021, nêu rõ những gì Thượng viện muốn thấy Chính phủ chi cho quốc phòng.
3 tàu sân bay Mỹ trong cuộc tập trận vào năm 2017. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Một bổ sung quan trọng đã được đưa vào dự luật là cấp kinh phí cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương.
Dự luật cho phép bổ sung 1,4 tỷ USD cho năm tài chính 2021-2022 và thêm 5,5 tỷ USD cho năm tiếp theo. Con số này là một khoản nhỏ so với ngân sách quốc phòng của Mỹ. Ngân sách quốc phòng năm 2020 ở mức 738 tỷ USD, do đó Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương chỉ chiếm 0,2% tổng ngân sách. Nhưng việc tạo ra kế hoạch này là sự quyết tâm mới và thống nhất chính trị trong chính sách Trung Quốc.
Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương bắt nguồn từ Sáng kiến răn đe châu Âu được tạo ra dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Được phê duyệt vào năm 2014, Sáng kiến răn đe châu Âu nhằm ngăn chặn Nga và trấn an các đồng minh bằng cách mang lại sự hiện diện lớn hơn của Mỹ ở Đông Âu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương làm điều tương tự. Về bản chất, Washington sẽ tìm cách chuyển từ số lượng nhỏ các căn cứ lớn ở châu Á gần bờ biển Trung Quốc sang số lượng lớn các căn cứ nhỏ và phân tán, cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa tốt hơn.
Mục tiêu là làm cho Trung Quốc khó thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ Mỹ, làm phức tạp mọi kế hoạch của Bắc Kinh cho một cuộc xung đột. Dù thường xuyên chỉ trích chính quyền cựu Tổng thống Obama, mục tiêu của Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương làm gần giống chiến lược xoay trục sang châu Á được công bố vào năm 2011.
Chính quyền cựu Tổng thống Obama muốn chuyển lực lượng từ các căn cứ thường trực ở Nhật Bản sang triển khai luân phiên nhỏ hơn trong khu vực. Theo nghĩa này, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương là một sự tái cân bằng lại trong châu Á hơn là sự cân bằng lại với châu Á.
Chiến lược xoay trục của cựu Tổng thống Obama có mục tiêu cụ thể là tái cân bằng lực lượng để bảo đảm 60% hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, từ 50% trước đó. Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương đã không vạch ra mục tiêu cụ thể, dù trên tinh thần là tiếp tục ưu tiên khu vực Thái Bình Dương.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ phô diễn sức mạnh trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Vấn đề đối với Mỹ là như các chính quyền trước đây đã phát hiện ra rằng, việc di chuyển khỏi các chiến trường không phải lúc nào cũng dễ dàng. Dù gần một thập kỷ thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á, khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, ông vẫn thấy quá nhiều quân đội Mỹ ở Trung Đông và châu Phi.
Bên cạnh đó, các cuộc xung đột trong khu vực vẫn đang diễn ra và khủng hoảng mới như vụ Iran tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, sự trỗi dậy của tàn quân IS đã chuyển hướng sự chú ý cũng như nguồn lực của Washington.
Tương tự như chính quyền cựu Tổng thống Obama phải đối mặt với sự trỗi dậy của nước Nga khi ông thực hiện chiến lược xoay trục sang châu Á, vì vậy, chính quyền Tổng thống Trump vẫn bị chi phối bởi các cuộc xung đột ở Trung Đông, ngay cả khi họ tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện nỗ lực mới như ông tuyên bố kết thúc cuộc chiến bất tận ở Afghansitan và Iran, cùng với kế hoạch rút quân ở Đức và châu Phi. Nhưng những cuộc khủng hoảng là khó tránh khỏi và không thể biết liệu những điều này có thể cản trở sự thay đổi tại Đông Á hay không.
Vì vậy, trong khi Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương là bước đi cụ thể đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump nhằm răn đe mạnh hơn với Trung Quốc, vẫn chưa chắc chắn về hiệu quả lâu dài của nó khi có quá nhiều nhu cầu chiến thuật tức thời.
Một câu hỏi khác là liệu sáng kiến này có trấn an được các đồng minh của Mỹ trong khu vực hay không. Đối với Washington, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương thể hiện cam kết và quyết tâm nhằm ngăn chặn sự xuống dốc của các liên minh, dù đã gần một thập kỷ trôi qua trong chiến lược tái cân bằng châu Á.
Và hiệu quả của nó sẽ là câu hỏi chính của thập kỷ tiếp theo, ông Le Miere kết bài.
Theo Zing