Môi trường làm việc ẩm thấp, hôi hám, đối diện với nguy cơ mắc nhiều loại bệnh... nhưng vì miếng cơm manh áo, những người làm nghề phân loại phế liệu vẫn phải hằng ngày bám trụ với... rác.
Những người làm nghề phân loại phế liệu thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ẩm thấp, hôi hám
Vất vả
Đầu tháng 3, trời mưa dầm dề liền mấy ngày, xe cộ đi lại trên đường ĐH01 (quốc lộ 37 cũ) đoạn qua địa phận xã Đồng Tâm (Ninh Giang) dính đầy bùn đất, nhớp nháp.
Cùng tôi tìm hiểu công việc tại mấy cửa hàng này có ông Trịnh Viết Vững, quyền Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm. Chỉ tay về phía cửa hàng kinh doanh phế liệu của gia đình ông Nguyễn Văn Thi, ông Vững nói với tôi: "Trong ấy giờ chẳng khác nào bãi rác, hôi hám lắm. Mưa gió thế này em nên đứng ngoài quan sát chứ không quen vào trong sẽ không chịu được lâu".
Tôi đeo chiếc khẩu trang đã chuẩn bị từ trước rồi tiến vào kho tập kết phế liệu của gia đình ông Thi. Đúng như ông Vững nói, trong này chẳng khác gì bãi rác. Cả kho chứa hàng rộng khoảng 60 m2, ngổn ngang đủ loại phế liệu, từ sắt vụn, bìa carton, đồ nhựa, vỏ bao xi măng, bao dứa, lon bia, xe máy, xe đạp hỏng đến các đồ gia dụng không còn sử dụng được như tủ lạnh, điều hòa...
Có chỗ phế liệu chất cao thành đống, chạm tới tận nóc nhà. Nước mưa lọt qua mái tôn bị thủng chảy tong tong xuống mấy đống phế liệu sinh ra thứ nước đen ngòm lênh láng khắp nền nhà, lối đi. Không gian ẩm thấp, một mùi hôi hám nồng nặc khó tả xộc thẳng vào mũi tôi.
Chiếc khẩu trang tôi đeo gần như vô dụng. Vậy mà hầu hết lao động nam làm việc trong kho phế liệu này đều không ai đeo khẩu trang. Họ bảo công việc nặng nhọc, thở còn khó, đeo khẩu trang vào càng thêm khó chịu. Mấy lao động nữ cẩn thận hơn nên có đeo khẩu trang, quấn khăn trùm đầu, mặc thêm áo mưa mỏng cho nước bẩn đỡ bắn vào người. Nhưng nhìn họ ai cũng nhem nhuốc từ đầu tới chân.
Bác Tính, một trong số những lao động làm việc tại đây năm nay đã ngoài 60 tuổi gồng mình kéo lê bao nhựa to gấp 2 lần người mình từ trong kho ra xe ô tô. Cứ mỗi nhịp kéo là một lần gương mặt đen sạm của bác lại nhăn nhó, mười đầu ngón chân cố gắng bấm chặt vào đôi dép tổ ong cho đỡ bị ngã vì nền nhà trơn trượt. "Nhìn chúng tôi nhem nhuốc thế này chắc anh phải rùng mình ấy nhỉ? Hôi hám cả chục năm nay quen rồi, giờ ngày nào không được hít hà mùi phế liệu lại thấy nhớ anh ạ", bác Tính nói vui.
Tại kho phế liệu nhà ông Thi hôm đó có gần 10 lao động làm việc. Tuy nhiên chỉ có 1 lao động nữ do ông Thi thuê, số còn lại là người của anh Nguyễn Vương Quý quê ở xã Tân Hương mướn từ các xã Tân Hương, Nghĩa An (cùng huyện). Gia đình anh Quý chuyên thu mua lại phế liệu của những hộ khác như ông Thi rồi mang đi bán cho các doanh nghiệp tái chế ở tỉnh Hưng Yên.
Hằng ngày, anh Quý đưa xe ô tô và những lao động mà mình thuê đi khắp các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Ninh Giang để bốc hàng. Công việc của họ hằng ngày thường bắt đầu vào lúc 6 giờ và kết thúc lúc 17 giờ 30 với nhiệm vụ chủ yếu là đến các cơ sở thu mua phế liệu phân loại, đóng gói rồi vận chuyển lên xe.
Việc của họ không đơn thuần là ngồi một chỗ nhặt nhạnh, phân loại mà còn phải chất buộc thành từng bó hay cho vào từng bao rồi khuân vác ra xe.
Có những mớ sắt vụn, phế liệu từ đồ dùng sinh hoạt rất nặng, phải huy động nhiều người mới khiêng nổi. Mỗi ngày vài chục chuyến như thế khiến tay chân họ mỏi mệt rã rời. Mất thời gian nhất là phải ngồi cạy đồng, xi măng, đất lẫn trong phế liệu.
Bị sắt vụn đâm vào tay chảy máu là chuyện thường tình của những người làm nghề này. Họ kể với tôi rằng sợ nhất là thi thoảng vớ phải mớ bao dứa bên trong vẫn dính đầy phân, phế thải giết mổ trâu, bò, lợn, cá... đang thối rữa.
Vào mùa hè, có những hôm nhiệt độ lên đến gần 40 độ C, ngồi trong mấy kho phế liệu với đủ thứ mùi hôi hám nồng nặc, khét lẹt chẳng khác nào ngồi cạnh lò than. "Lắm lúc tôi còn thấy khó thở nhưng vẫn phải cố. Lúc nào cảm thấy không chịu được nữa thì ra ngoài hít thở tí không khí trong lành, làm ngụm nước rồi lại vào làm tiếp", một lao động nữ có thâm niên 11 năm làm nghề này bộc bạch.
Mất mát, tổn thương
Đa số người làm trong lĩnh vực này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn
Cách nhà ông Thi khoảng 300 m là cửa hàng thu mua phế liệu của hộ ông Bùi Văn Dâng (50 tuổi). Lúc tôi sang, ông Dâng vừa ra ngoài có chút việc về, còn vợ ông một mình đang loay hoay kéo xe ba gác chở gần nửa tấn giấy vụn vừa mới đi thu mua của những hộ sản xuất tiền vàng tại địa phương vào trong kho. Khuôn mặt chị bơ phờ, mồ hôi thấm đẫm vai áo.
Rót chén trà mời khách trong gian nhà ngổn ngang phế liệu, ông Dâng mở lời:
- Chẳng giấu gì anh, nửa tấn giấy vụn kia là do một mình vợ tôi đi thu mua từ sáng sớm đấy.
- Sao anh không đi phụ giúp để chị ấy đỡ vất vả? - tôi hỏi.
- Nhà chỉ có 2 vợ chồng làm. Thời buổi cạnh tranh, tôi phải đi tìm mối, còn vợ tranh thủ đi lấy sớm không nhà khác họ lại đến mua mất thì sao kiếm được cơm cháo nữa.
Ông Dâng đã lấy 2 đời vợ. Ông và vợ thứ 2 đang nuôi 4 đứa con. Theo ông Dâng, nghề buôn bán phế liệu ngoài đặc thù vất vả, cạnh tranh, đôi khi cũng phải chịu lỗ vì giá cả thị trường lúc mua thì đắt, khi bán lại rẻ. Làm nghề này đôi khi cũng bị người đời khinh rẻ. Không ít người thường xuyên buông những câu nói mỉa mai, khinh bỉ.
"Lắm lúc như thế bực lắm nhưng lại nghĩ mình làm ăn chân chính, không cướp bóc, lừa lọc ai nên chẳng việc gì phải hổ thẹn. Thôi thì cứ nhịn và làm việc bằng sức lao động của mình", ông Dâng nói.
Ông Dâng bảo dù hành nghề buôn bán phế liệu nhưng luôn giữ chữ tín, chữ tâm. Thế nhưng cũng vì thật thà trong làm ăn mà có lần ông phải đánh đổi bằng mất mát, đau thương. Năm 2007, một người đàn ông ở xã Hồng Dụ mang chiếc máy bơm đến cửa hàng nhà ông Dâng bán.
Ông kiểm tra thấy máy mới, chạy vẫn tốt nhưng không hiểu vì sao người này lại bán. Nghi ngờ đây là máy bơm do ăn trộm mà có nên ông Dâng không mua. Người đàn ông này tỏ thái độ bực tức và bỏ về. 3 ngày sau, ông ta quay lại với một con dao gọt hoa quả và đâm chết vợ của ông Dâng. Đôi mắt ông Dâng đượm buồn khi nhắc người vợ quá cố.
Nguy cơ mắc nhiều loại bệnh
Công việc vất vả nhưng tiền công mà những người phân loại phế liệu được trả chỉ dao động ở mức 150.000 - 180.000 đồng/ngày. Những người như ông Thi, ông Dâng thì mức thu nhập cao hơn đôi chút. Đa số những người theo nghề này đều có kinh tế khó khăn. Bà Đỗ Thị Liên (57 tuổi, ở thôn Giâm Me, xã Đồng Tâm) làm thuê cho một cửa hàng buôn bán phế liệu tại địa phương bộc bạch: "Chồng tôi mất sớm, cháu năm nay vẫn đang đi học. Tôi làm ruộng không đủ nuôi cháu nên xin vào công ty nhưng họ không nhận vì tuổi đã cao, cuối cùng đành ra đây xin việc này. Vất vả lắm nhưng dù sao còn có tiền lo cho cuộc sống".
Chị Trịnh Thị Dịu (40 tuổi, ở thôn Đan Cầu, xã Tân Hương) có 11 năm làm nghề phân loại rác thông tin: "Mấy năm nay tôi thấy sức khỏe không được tốt, thường xuyên mỏi mệt. Tôi còn bị thoái hóa đốt sống lưng nên nhiều lúc khuân vác thấy đau và khó chịu lắm. Nhưng vì nhà nghèo, công việc mình đã quen rồi nên vẫn cứ phải cố gắng vì miếng cơm manh áo thôi".
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm toàn cầu có 5 triệu người chết và gần 40 triệu trẻ em mắc các bệnh có liên quan tới rác thải. Chị Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng Bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ cho rằng lâu nay chỉ có rác thải y tế là được kiểm soát tương đối tốt.
Riêng rác thải, phế liệu sinh hoạt thì việc này gần như chưa được quan tâm đúng mức. Người tiếp xúc thường xuyên với phế liệu có nguy cơ cao nhiễm các loại vi khuẩn gây ra một số bệnh liên quan tới đường hô hấp, mắt, da, tim mạch. Các chất thải không lây nhiễm như chì, luyn, dầu... rất độc hại, có thể gây đột biến gen. Chai, vỏ lọ thuốc trừ sâu có độc tính sinh học cao, tiếp xúc nhiều có thể gây ung thư...
"Tôi khuyên những người thường xuyên tiếp xúc với phế liệu, rác thải hãy trang bị đồ bảo hộ lao động thật tốt. Kết thúc mỗi buổi làm việc cần tắm rửa, vệ sinh cá nhân sạch sẽ để cơ thể không mang mầm bệnh. Trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc này càng quan trọng", chị Huyền chia sẻ.
BÌNH MINH