Bao năm nay, rừng Thanh Mai đã trở thành chốn mưu sinh của nhiều nông dân xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh). Rừng che chở, bao bọc và cho họ nguồn sống...
Nhờ chuyển đổi cây trồng, nhiều gia đình ở xã Hoàng Hoa Thám đã có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống
Chăn trâu trên núi
Sáng sớm một ngày giữa tháng 4, gió mùa đông bắc kèm theo mưa bất chợt ùa về khiến con đường từ quốc lộ 18 vào xã Hoàng Hoa Thám ướt sũng, trơn trượt. Mất gần 20 phút đi xe máy từ thị xã Chí Linh, chúng tôi mới có mặt tại gia đình anh Nguyễn Đình Sửu ở thôn Đồng Châu, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến khám phá rừng Thanh Mai. Tới nơi mới tầm 5 giờ sáng, tôi cứ ngỡ mình làm phiền chủ nhà hơi sớm nhưng không ngờ anh chị đã dậy từ lúc nào.
- Thói quen rồi chú ạ. Gần 20 năm nay, hôm nào chúng tôi cũng dậy sớm làm việc nhà, cho gà ăn rồi mới dắt trâu vào rừng chăn thả. Nhiều việc lắm, đi muộn thì làm không xuể được - anh Sửu nói.
Nhìn xung quanh, chúng tôi chỉ thấy núi, vườn cây, khe suối… Phía xa xa giữa lưng chừng núi mới thấp thoáng bóng nhà, trại nuôi gà của các hộ dân. Nếu không có con đường bê tông dẫn đến đây, chúng tôi nghĩ như mình đang bước chân vào một bản làng ở vùng núi phía Bắc.
- Bây giờ, cuộc sống ở đây đã khấm khá hơn. Có điện, nước giếng khoan, nhà cấp 4 để ở rồi chú ạ- anh Sửu hồ hởi kể.
Chờ chúng tôi uống xong ngụm nước, anh Sửu giục lên đường kẻo muộn. Cùng đi có anh Nguyễn Đình Tý, một nông dân đã gắn bó với cánh rừng này gần 10 năm. Do trời mưa, đường trơn nên chúng tôi không đi xe máy được mà phải đi bộ.
Theo lời của người dân ở đây, khu chăn thả trâu thường là những khu trũng, có bãi lưng chừng núi. Có người còn thả hẳn trâu lên đỉnh núi. Đoạn đường chỉ dài hơn 5 km nhưng từ nhà anh Sửu đến điểm chăn thả trâu phải mất gần 1 giờ đi bộ mới đến nơi. Khó khăn nhất là những đoạn dốc núi cao, đường đất trơn trượt. Mỗi bước chân lại cảm giác nặng thêm, chúng tôi phải gập người theo đường dốc mới bám theo được. Anh Tý cho biết hơn 10 năm trở về trước, người dân ở thôn Đồng Châu và một vài thôn khác trong xã đã chăn trâu trong núi bởi nguồn thức ăn tự nhiên trong làng ngày một cạn kiệt, trong khi ở rừng có nhiều loại cây. Hộ ít chăn vài ba con. Hộ nhiều có từ 20-30 con trâu bò. Đưa trâu bò vào rừng chăn tuy tốn công một chút nhưng họ tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn.
Hơn 10 năm qua, người dân xã Hoàng Hoa Thám đã đưa trâu bò vào chăn thả giữa rừng Thanh Mai để tiết kiệm chi phí thức ăn
Địa điểm chăn thả trâu là một bãi đất rộng gần đỉnh núi Cổ Rồng. Nơi đây có nhiều cây cỏ, dây leo uốn quanh khe núi và những thân cây lớn. Các chú trâu thong dong gặm cỏ. Mép ngoài bãi có một căn nhà đất được dựng từ khá lâu làm chỗ dừng chân, nghỉ ăn trưa hoặc trú mưa, tránh nắng. Phía sát núi, người dân dựng một chuồng tạm để trâu vào nghỉ tối. Ở đây người dân thường thả trâu qua đêm, vài ba ngày đến một tuần mới dắt trâu về. Hằng ngày, họ lên sớm kiểm tra đàn trâu rồi lại trở về nhà để lo vườn tược, nuôi gà, đi làm thuê…
- Để trâu qua đêm không sợ mất sao?- tôi thắc mắc.
- Trước đây vài năm cũng có trường hợp trâu bị người dân ở địa phương khác sang dắt trộm. Sau mấy vụ đó, chúng tôi thường xuyên thăm trâu hơn, có khi còn nghỉ lại qua đêm để canh nên không còn bị mất nữa.
Không chỉ ở Đồng Châu, người dân các thôn khác như Thanh Mai, Đá Bạc 1, Đá Bạc 2, Hố Sếu, Hố Giải… cũng thả trâu tại bìa rừng hay gần những đỉnh núi cao. Mỗi con trâu, bò mua về có giá từ 15 triệu đồng trở lên. Sau 2-3 năm chăn thả, các cặp trâu bò bố mẹ lại sản sinh ra đàn bê, nghé mới mang lại thu nhập khá cho người dân ở đây.
Chuyển hướng
Theo chia sẻ của những người nông dân ở xã Hoàng Hoa Thám, cuộc sống của họ trước đây chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp theo kiểu tự cung, tự cấp. Thi thoảng đi rừng kiếm củi bán thì có thêm đồng ra, đồng vào. Thiên nhiên ưu đãi cũng ban phát lộc trời để họ cải thiện cuộc sống. Vào khoảng tháng3 âm lịch là mùa trứng kiến, món ăn được nhiều người ưa chuộng. Khi ấy, họ rủ nhau vào rừng khai thác tổ kiến, vừa làm thực phẩm cho gia đình vừa bán cho các nhà hàng, quán ăn. Đến khoảng tháng 4, tháng5, mùa ong đi lấy mật, họ lại lên rừng khai thác mật. Những chuyến đi rừng như vậy kéo dài khoảng vài ba ngày. Thi thoảng ở những khe suối, họ còn bắt được cả ba ba, ếch, cóc suối… Khoảng 10 năm trở lại đây, những sản vật tự nhiên dần cạn kiệt. Người dân lại quay về với sản xuất nông nghiệp.
Gia đình anh Sửu hiện có 5 chuồng nuôi gà thịt với quy mô 2.000 con/chuồng
Vợ chồng anh Sửu gắn bó với vùng đất rừng này từ năm 1981. Năm 2003, anh vay vốn để trồng 4 sào vải và xây 5 chuồng nuôi gà thịt với quy mô 2.000 con/chuồng. Ngoài ra, anh còn nhận thêm 0,4 ha rừng để trồng 1.500 cây bạch đàn. Nhờ lao động chăm chỉ nên kinh tế gia đình anh ngày càng được cải thiện, trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 150 triệu đồng. Gia đình anh đã trả hết nợ và đang tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi gà và trồng rừng. Kinh tế ổn định nên các con của anh cũng được học hành đến nơi đến chốn. Con trai lớn đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Giao thông vận tải, con gái nhỏ đang học THCS.
Năm 2008, học hỏi mô hình của các hộ dân khác, gia đình anh Tý nhận 0,8 ha rừng, vay vốn đầu tư 2 trang trại nuôi gà, trồng cây ăn quả và nuôi trâu. Thời điểm đầu ít vốn, anh chỉ mua 1 con trâu. Dần dà đàn trâu bò của anh tăng lên đến hơn 10 con. Kinh tế gia đình dần được cải thiện, vợ chồng anh có điều kiện để chăm sóc con cái. Con trai lớn của anh đã đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản được 1 năm, con nhỏ đang học lớp 7.
Hoàng Hoa Thám là xã vùng sâu của thị xã Chí Linh với 7 thôn là Đồng Châu, Thanh Mai, Tân Lập, Đá Bạc 1, Đá Bạc 2, Hố Sếu, Hố Giải. Địa bàn rộng lớn, toàn đồi núi lại giáp ranh với các tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, người dân nơi đây luôn chăm chỉ, cần cù, không cam chịu đói nghèo. Họ mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ông Lương Văn Toán, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Hoa Thám cho biết toàn xã có gần 800 hộ dân với 3.200 nhân khẩu. Diện tích rừng là 2.815 ha. Chục năm trở lại đây, người dân địa phương đã xây dựng nhiều trang trại chăn nuôi, tích cực trồng cây ăn quả, trồng và bảo vệ rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35 triệu đồng/năm, tăng gấp 5lần năm 2008. Nhiều hộ trồng cây ăn quả, chăn nuôi hiệu quả, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.
Ngoài phát triển kinh tế, người dân xã Hoàng Hoa Thám đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Trước đây, tình trạng khai thác dược liệu, săn bắt thú rừng diễn ra phổ biến. Nhưng từ khi thực hiện chương trình giao đất, giao rừng cho người dân bảo vệ, tình trạng trên đã giảm đáng kể. Người dân coi rừng như tài sản quý của họ nên thường xuyên chăm sóc, bảo vệ, kịp thời báo cáo với chính quyền và lực lượng chức năng khi có đối tượng lạ trong khu vực rừng được giao.
Thăm từng ngôi nhà, từng trại nuôi gà, đến những bãi chăn thả trâu bò ở xã Hoàng Hoa Thám, chúng tôi càng hiểu hơn về cuộc sống giản dị, mộc mạc của người dân nơi đây. Nhờ họ, những cánh rừng ngày càng thêm xanh và cũng nhờ rừng, cuộc sống của họ ổn định hơn.
ĐỨC TÂM