Bây giờ cũng phải tiến bộ để cho các con nó được hạnh phúc, sung sướng chứ bà. Bà cứ yêu thương con thật lòng, nó khắc hiếu thảo lại thôi.
- Đấy, bà xem. Con dâu tôi mà bằng được một nửa con dâu nhà bà thì tôi đã mừng. Đằng này…
Bà Hồi lườm cô con dâu tên Mai vừa đặt đĩa hoa quả lên bàn mời khách chẳng may làm rơi miếng táo ra ngoài.
Bà Nga nhìn đôi mắt ầng ậc nước mắt của Mai với vẻ thương hại rồi quay sang bảo bạn:
- Chết, sao bà nói thế? Có gì to tát đâu nào!
Rồi bà vội đón miếng táo từ tay Mai, nói giọng vui vẻ:
- Cứ để đấy bác xin. Mẹ cháu nói vậy chứ không trách giận gì đâu. Không phải buồn nhé!
Mai lí nhí xin lỗi và đi vào phòng bếp chuẩn bị nấu ăn.
Đôi bạn già vốn xưa học cùng cấp ba, đã từng rất thân thiết với nhau nhưng cuộc sống mưu sinh cuốn mỗi người đi một ngả. Tuy lâu không gặp nhưng từ ngày mạng xã hội phát triển thì họ vẫn dõi theo nhau qua Facebook. Bà Hồi thấy bạn hay đăng ảnh đi chơi, nấu ăn cùng con dâu với những lời khen tặng thân thiết. Có khi bà Nga còn đăng status kiểu: “Cảm ơn trời phật đã cho con thêm một cô “con gái” hiếu thảo” cùng với những tấm ảnh con dâu đang tươi cười ướm tấm vải may áo dài rất đẹp lên người bà. Bà Hồi xuýt xoa nói bà Nga đúng là có số hưởng. Chồng con yêu thương, chiều chuộng thế, lại còn được cô con dâu hiếu thảo hết lòng. Chẳng như bà, số long đong chả ra gì. Có mỗi thằng con trai, lấy phải con vợ đã quê mùa lại vụng thôi rồi. Làm đâu hỏng đấy mà cái mặt nó cứ lì ra, chẳng khi nào trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với ai trong nhà. Nói động đến thì chỉ biết khóc, mà nhìn nó khóc lại càng khiến bà khó chịu. Nhiều lần, bà đã bảo với Mai:
- Chị nhìn dâu con nhà người ta đấy, nó quấn quýt, yêu thương chiều chuộng mẹ chồng như mẹ đẻ. Còn chị thì đã chẳng làm được việc gì lại còn ra cái vẻ khinh khỉnh, hơi tí lấy nước mắt ra dọa, giả vờ yếu đuối.
Sau khi hàn huyên đủ chuyện, hai bà bạn lại quay về chuyện nàng dâu, mẹ chồng. Bà Hồi hỏi bà Nga:
- Tôi hỏi thật, bà có bí quyết gì mà con dâu nó thương yêu, hiếu thảo với bà vậy?
Bà Nga cười với vẻ hạnh phúc rồi chia sẻ rằng bí quyết duy nhất bà có là tình yêu thương.
Nghe bà Nga nói vậy, bà Hồi cũng phân trần:
- Trong một gia đình chả yêu thương nhau thì sao? Mặc dù tôi hay quát mắng, gằn hắt con dâu, tỏ ra không ưa nó nhưng trong lòng tôi cũng thương nó mà. Dù gì nó cũng là vợ của con trai tôi, mẹ của cháu tôi. Giờ có ai bảo tôi đuổi nó đi để rước cô dâu khác về tôi cũng không bao giờ làm cái việc bất nhân, thất đức ấy. Vậy mà hai mẹ con vẫn xa cách.
Nghe bà Hồi chia sẻ, bà Nga liền nhẹ nhàng nói:
- Bà nghĩ thế tôi cũng thấy mừng. Chứ nhiều bà mẹ chồng không ưa con dâu lại rắp tâm phá hoại hạnh phúc của con mình rồi thì khổ con, khổ cháu. Theo tôi nghĩ là do bà chưa biết câu nói: “Người ta khổ vì thương không phải cách”. Tôi nghĩ bà nên thật lòng coi con dâu như con gái mình. Chỗ bạn bè với nhau, tôi nói bà đừng giận nhé! Như lúc nãy, tôi thấy bà cư xử như thế không ổn đâu.
Rồi bà Nga kể cho bà Hồi nghe ngày con dâu bà mới bước chân về nhà bà. Nó cũng có nhiều cái khiến bà không vừa lòng, nhưng nghĩ do con chưa quen với nếp sống nhà chồng dần dần rồi sẽ thay đổi. Bà thương nó vì phải xa bố mẹ đẻ sang ở với nhà chồng, mà bố mẹ, anh chị em nhà chồng lại toàn những người chưa hề thân thiết, lại chưa hiểu tính nết của nhau nên có những sai lệch nhất định trong mọi việc cũng là đương nhiên. Vì vậy bà đã dành thời gian tâm sự, trò chuyện, chia sẻ với con dâu mọi chuyện, cùng con dâu đi chợ mua bán, cùng vào bếp nấu ăn. Cái gì con dâu làm được là khen, cái gì con chưa đúng thì góp ý, thậm chí còn mắng mỏ nữa nhưng mắng với sự yêu thương và muốn con tốt hơn chứ không phải gằn hắt, soi mói nên con dâu cũng chẳng bao giờ giận bà. Giờ đây, bà đã có một cô con dâu gần gũi, thân thiết chẳng khác nào con gái.
Nghe bà Nga chia sẻ, bà Hồi thấy đúng là mình chưa biết thương yêu con dâu thật. Bà chưa khi nào gần gũi, chuyện trò với nó. Cũng chẳng bao giờ khen nó được một câu khi nó nấu một bữa ăn ngon. Tự dưng bà thấy ân hận quá. Con dâu bà đi làm công ty cả ngày, về nhà ngoài việc đánh vật với thằng cháu bà vừa nghịch ngợm lại phải làm đủ thứ việc không tên. Lâu nay bà bị phong thấp hành hạ nên có động chân, động tay được vào việc gì giúp nó đâu. Vậy mà bà suốt ngày soi mói, bắt bẻ nó. Bà Hồi ứa nước mắt khi bà Nga nói:
- Đều là phụ nữ, đều là phận đàn bà, chúng ta đã từng đi làm dâu. Ngày xưa các cụ cổ hủ, phong kiến nên chúng ta phải chịu khổ đủ rồi. Bây giờ cũng phải tiến bộ để cho các con nó được hạnh phúc, sung sướng chứ bà. Bà cứ yêu thương con thật lòng, nó khắc hiếu thảo lại thôi.
TRẦN THÙY LINH