Tăng lương phải giúp tăng chất lượng cuộc sống. Đó là mong mỏi của tất cả công nhân lao động cũng như những người quản lý...
Theo Nghị định số 70/2011/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-10, công nhân, người lao động (CN, NLĐ) trong các doanh nghiệp được tăng mức lương tối thiểu. Trước thông tin này, bên cạnh sự vui mừng, NLĐ cũng lo âu, trăn trở.
Khi chúng tôi tới nhà trọ của thôn Độc Lập, xã Ái Quốc (TP Hải Dương), nhiều công nhân đang rôm rả bàn luận về việc tăng lương tối thiểu. Tăng lương sẽ tạo điều kiện cho CN, NLĐ có thêm chi phí sinh hoạt hằng ngày, góp phần giảm bớt áp lực chi tiêu. Chị Trần Thị Lành, công nhân bộ phận kiểm hàng Công ty May Fomustar Việt Nam (khu công nghiệp Nam Sách) cho biết: “Tăng lương đồng nghĩa với việc đời sống của những người thu nhập thấp như chúng tôi sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, chưa kịp mừng, tôi đã thấy lo! Còn nhớ mấy tháng trước đây, sau khi tăng lương, nhiều mặt hàng lại rục rịch tăng giá. Đầu tiên là giá xăng, tiếp đó là giá lương thực, thực phẩm. Lo nhất là lương tăng trước, giá cả hàng hóa “nhảy nhót” tăng sau”. Nhiều CN, NLĐ lo ngại, để bảo đảm lợi nhuận, doanh nghiệp khi tăng lương sẽ cắt giảm nhiều khoản phụ phí sinh hoạt, trợ cấp xăng xe, nhà ở, tiền thưởng...
Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chi trả lương cho CN, NLĐ cao hơn so với mức lương tối thiểu, nhưng việc tăng lương lần này cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Công ty TNHH Phú Tân ở Kinh Môn hiện có hơn 1.000 công nhân lao động với mức thu nhập bình quân 3-3,5 triệu đồng/ người/tháng. Mức lương này đã vượt gấp đôi so với mức lương mà Nghị định số 70 quy định. Ông Lương Mạnh Hà, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của công ty cho biết: “Việc tăng lương tối thiểu cũng đồng nghĩa với chi phí bảo hiểm xã hội tăng. Hiện nay, mỗi tháng, công ty đã phải đóng hơn 400 triệu đồng tiền bảo hiểm cho CN, NLĐ. Với quy định tăng lương mới, mức đóng bảo hiểm cho CN, NLĐ cũng phải tăng gần gấp đôi so với mức chi trả trước đây. Do đó, để ổn định sản xuất và giữ chân CN, NLĐ, công ty phải thực hiện nghiêm túc hơn các chế độ thưởng thêm hằng tháng cho CN, NLĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, thường xuyên thực hiện giám sát hoạt động sản xuất, tổ chức các hoạt động khoán giờ và thực hiện chế độ nghỉ giữa giờ cho NLĐ”.
Quyết định tăng lương tối thiểu vùng cho CN, NLĐ đặt lên vai các doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến nông sản gánh nặng lớn. Do đây là nhóm ngành sử dụng nhiều nhân công, lao động lại có trình độ thấp nên bậc lương chủ yếu dựa trên mức lương tối thiểu. Khi lương tối thiểu tăng, buộc doanh nghiệp phải lấy quỹ thưởng để dành toàn bộ cho quỹ lương. Điều này sẽ làm thiệt thòi cho một bộ phận CN, NLĐ làm việc hiệu quả. Ông Đinh Trịnh Dũng, Giám đốc Công ty CP May II cho biết: "Tăng lương tối thiểu theo quy định, một mặt doanh nghiệp phải chịu áp lực về tăng mức chi trả bảo hiểm cho CN, NLĐ, mặt khác phải tính đến các phương án chi trả lương cho công nhân để vừa bảo đảm lãi suất, vừa giữ chân được NLĐ. Để khắc phục tình trạng này, công ty đã sớm đề ra các giải pháp như: Chủ động điều tiết sản xuất, nâng cao doanh số bán hàng, có kế hoạch cụ thể tiết kiệm chi tiêu thông qua việc tiết kiệm điện năng và các phụ phí sản xuất khác. Từ đó, doanh nghiệp có điều kiện tăng doanh thu, bảo đảm đời sống cho CN, NLĐ”. Theo nhiều doanh nghiệp, do giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao đã làm nhiều doanh nghiệp phải tăng chi phí do mua nguyên liệu, trong khi đơn giá xuất khẩu các sản phẩm phần lớn không thay đổi. Cộng thêm chi phí do tác động của tăng lương tối thiểu cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, hoặc phải điều chỉnh lương cho CN, NLĐ tùy vào từng bộ phận sản xuất...
Mục đích tăng lương tối thiểu nhằm nâng cao đời sống cho CN, NLĐ. Tuy nhiên, việc tăng lương trong giai đoạn khó khăn hiện nay, doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ của Nhà nước như điều chỉnh lãi suất ngân hàng hợp lý, hỗ trợ xúc tiến thương mại để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đề ra các biện pháp quản lý và bình ổn giá cả thị trường để tránh quy luật “tăng lương đi kèm tăng giá” như nhiều đợt tăng lương trước đây.
PV
Theo Nghị định số 70, lương tối thiểu của tỉnh ta sẽ thuộc các vùng II, III và IV. Vùng II, bao gồm các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP Hải Dương; vùng III, các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Nam Sách, Kinh Môn, thị xã Chí Linh, các huyện còn lại thuộc vùng IV. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng như sau: vùng II: 1 triệu 780 nghìn đồng/tháng (trước đây là 1 triệu 350 nghìn đồng với doanh nghiệp nước ngoài và 1,2 triệu đồng với doanh nghiệp trong nước); vùng III: 1 triệu 550 nghìn đồng/tháng (trước đây là 1 triệu 170 nghìn đồng và 1 triệu 50 nghìn đồng); vùng IV: 1 triệu 400 nghìn đồng/tháng (trước đây là 1 triệu 100 nghìn đồng và 830 nghìn đồng). |