Mùng 3 chúc Tết thầy là đạo lý, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Học sinh cũ đến thăm cô Nguyễn Thị Nụ, giáo viên Trường THCS Phượng Hoàng (Thanh Hà) dịp đầu năm mới
Đến nay, tục lệ tốt đẹp này vẫn được gìn giữ và phát huy.
Dù đã ra trường 5 năm nhưng năm nào vào mùng 3 Tết, bạn Phạm Hà Ngân ở xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) cũng cùng bạn bè tới chúc Tết, thăm hỏi các thầy cô từng làm chủ nhiệm trong những năm học cấp 2, cấp 3. Ngân chia sẻ: “Ngày mùng 1, mùng 2 là dành cho gia đình, người thân, còn mùng 3, các thành viên trong lớp học cũ sẽ tụ tập đến nhà thầy cô chúc Tết. Đã thành thông lệ, sáng sớm mùng 3, chúng mình hẹn nhau ở cổng trường cũ rồi đến từng nhà các thầy, các cô. Hiện đã có bạn lập gia đình, bận rộn với công việc riêng song chúng mình vẫn cố sắp xếp để dành thời gian tới nhà thầy cô trong những ngày đầu năm. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn với những người đã dìu dắt chúng mình trong quãng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, vừa là cơ hội để bạn bè gặp gỡ, giao lưu”.
Là học sinh cuối cấp THCS nên dịp Tết năm nay càng có ý nghĩa đối với em Nguyễn Ngọc Dũng, ở thị trấn Thanh Hà. Em cho biết: “Năm nào, mùng 3 Tết chúng em cũng rủ nhau tới nhà thầy cô. Năm nay là năm đặc biệt vì chúng em chuẩn bị thi chuyển cấp, sẽ không còn cơ hội được gặp thầy cô, bạn bè thường xuyên. Do đó, chúng em rất trân trọng giây phút này. Đầu năm mới là dịp để nhớ về cội nguồn, nhớ về những người sinh thành, dưỡng dục mình”.
Đã hơn 10 năm đứng lớp nhưng cô Nguyễn Thị Nụ, giáo viên Trường THCS Phượng Hoàng (Thanh Hà) vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động trước tình cảm của những thế hệ học trò dành cho mình trong dịp Tết. “Học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh đã rời xa mái trường luôn nhớ về thầy cô trong những ngày đầu năm giúp tôi càng thấy yêu nghề hơn. Những kỷ niệm xưa cũ được gợi nhắc lại làm tình thầy trò càng thêm gắn bó, sâu đậm”, cô Nụ nói.
PV