Mỹ và các nước đồng minh Arab tiếp tục mở rộng truy quét nhóm tay súng cực đoan này trên lãnh thổ Syria.
Sau khi đạt được một số thành công trong việc làm suy yếu phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), Mỹ và các nước đồng minh Arab tiếp tục mở rộng truy quét nhóm tay súng cực đoan này trên lãnh thổ Syria bằng các cuộc không kích và phóng tên lửa hành trình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chiến dịch chống IS mở rộng sang lãnh thổ Syria
Truy quét tận gốc phiến quân IS
"Syria sẽ tiếp tục kiên định đấu tranh với cuộc chiến theo đuổi nhiều năm qua chống khủng bố. Chúng tôi ủng hộ bất kỳ nỗ lực quốc tế nào chống khủng bố".
|
Ngày 23-9, quân đội Mỹ cho biết các cuộc không kích của nước này và các quốc gia Arab (A-rập) nhằm vào các mục tiêu phiến quân tại Syria (Xi-ri) đêm 22-9 "chỉ là sự khởi đầu" trong nỗ lực của liên minh quốc tế nhằm làm suy yếu IS và các phần tử cực đoan khác. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thiếu tướng Hải quân John Kirby (Giôn Kơ-bi) khẳng định với báo giới rằng, các cuộc không kích này rất thành công và sẽ tiếp tục được thực hiện. Theo một phát ngôn viên quân sự khác, trung tướng William Mayville. (Uy-li-am Mây-vin), các nước Arab gồm Saudi Arabia (A-rập Xê-út), Jordan (Gioóc-đa-ni), Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Bahrain (Ba-ranh) đã tham gia vào đợt không kích do Mỹ đứng đầu, từ thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không đến tấn công các mục tiêu dưới mặt đất.
Cùng ngày, Mỹ đã trình một bức thư lên Liên hợp quốc, trong đó giải thích rằng Washington (Oa-sinh-tơn) đã lãnh đạo các cuộc không kích nhằm vào nhóm IS tại Syria vì Damascus (Đa-mát) "cho thấy rằng họ không thể và sẽ không đương đầu với những nơi ẩn náu an toàn này của IS". Trong bức thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon (Ban Ki-mun), Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power (Xa-ma-ta Pao-ơ) nói, cuộc không kích là cần thiết để loại bỏ mối đe dọa của IS với Iraq, Mỹ và các đồng minh. Theo bà Power, hành động này là chính đáng theo như Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc về quyền phòng vệ đơn phương hay tập thể của các nước trước cuộc tấn công vũ trang.
Syria là chiến trường đầu tiên của F-22 Raptor
Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh A-rập nhằm vào nhóm IS tại Syria đã tấn công các phần tử cực đoan vốn là mối đe dọa nghiêm trọng với hòa bình và an ninh quốc tế. Ông Ban cũng cho rằng cuộc không kích không được tiến hành theo đề nghị trực tiếp của Chính phủ Syria song đã diễn ra ở các khu vực mà Damascus đã không còn kiểm soát. Ngoài ra, Damascus cũng đã được thông báo trước về việc này.
Nga chỉ trích hành động của Mỹ
Ngay sau khi Mỹ và đồng minh không kích và bắn tên lửa vào lãnh thổ Syria - nơi các phiến quân IS đang chiếm giữ, Nga đã lên tiếng chỉ trích hành động này. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: “Bất kỳ hành vi can thiệp quân sự nào cũng cần được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Việc không kích ở Syria đòi hỏi phải được sự đồng ý của Chính phủ Syria và sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Những hành động nhằm thực hiện mục tiêu địa chính trị bất chấp chủ quyền của các quốc gia trong khu vực sẽ chỉ khiến căng thẳng leo thang và làm cả Trung Đông rơi vào bất ổn". Theo một số chuyên gia quân sự Nga, đây là thời cơ không thể tốt hơn để Mỹ vũ trang cho lực lượng đối lập nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ba-sa An Át-xát). Chiến dịch này của Mỹ một mặt tiêu diệt được phiến quân IS được cộng đồng quốc tế ủng hộ mặt khác hỗ trợ lực lượng đối lập ôn hòa để lật đổ chế độ hiện nay ở Syria.
Trái với động thái của Nga, Tổng thống Syria Bashar al-Assad lại tuyên bố chính quyền của ông "ủng hộ bất kỳ nỗ lực quốc tế nào chống khủng bố", đồng thời cũng sẽ chủ động thúc đẩy cuộc chiến này. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria dẫn phát biểu của ông Assad trong cuộc gặp tại Damascus với cố vấn an ninh quốc gia Iraq (I-rắc) Faleh al-Fayad (Pha-lê An Phây-át) nêu rõ: "Syria sẽ tiếp tục kiên định đấu tranh với cuộc chiến theo đuổi nhiều năm qua chống khủng bố. Chúng tôi ủng hộ bất kỳ nỗ lực quốc tế nào chống khủng bố". Theo nhà lãnh đạo Syria, thành công của các nỗ lực chống khủng bố không chỉ phụ thuộc vào các hành động quân sự, mà còn phụ thuộc vào cam kết đối với các nghị quyết quốc tế liên quan, ám chỉ nghị quyết gần đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc đối phó với IS và Mặt trận al-Nusra (An Nu-xra) ở Iraq và Syria vốn có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda (An Kê-đa). Tuyên bố trên được Tổng thống Assad đưa ra vài giờ sau khi Mỹ và các nước Arab đồng minh tiến hành các đợt không kích nhằm vào mục tiêu của IS bên trong lãnh thổ Syria bằng các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và tên lửa hành trình Tomahawk. Đặc biệt, trong đợt không kích này, Mỹ lần đầu tung tiêm kích thế hệ thứ năm F-22 Raptor vào chiến đấu trên thực địa.
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đã tiêu diệt 120 phần tử Hồi giáo cực đoan, trong đó có 70 thành viên IS và 50 tay súng al-Qaeda trong các cuộc không kích từ đêm 22-9. Tổ chức này cũng cho biết, ít nhất 300 người đã bị thương, trong đó có 100 người bị thương nặng. Phe đối lập Syria đã lên tiếng ủng hộ việc không kích IS của Mỹ và cho rằng chiến dịch này sẽ đóng góp vào nỗ lực lật đổ chế độ al-Assad.
Khoảng 3.000 người châu Âu tham gia thánh chiến
Trưởng bộ phận chống khủng bố của Liên minh châu Âu (EU) Gilles de Kerchove (Gin-lét đờ Kơ-cô-vê) cho biết, số người châu Âu gia nhập lực lượng chiến binh Hồi giáo tại Syria và Iraq đã tăng từ 2.000 lên khoảng 3.000 chỉ trong vài tháng qua. Theo ông Kerchove, các chiến binh Hồi giáo chủ yếu đến từ Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và một số ít đến từ Tây Ban Nha, Italy (I-ta-li-a), Ailen (Ai-len), Áo.
|
PHƯƠNG LINH (tổng hợp)