Y tế - Sức khỏe

Mục tiêu phòng chống lao bị đe dọa

BÌNH MINH 1/10/2023 06:00

Cùng với cả nước, Hải Dương đặt mục tiêu sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị đe dọa bởi không ít thách thức, khó khăn.

W_img_6070-2.jpg
Mỗi năm Hải Dương vẫn phát hiện được hàng nghìn người mắc lao, trong đó có nhiều người trẻ tuổi

Hàng nghìn ca mắc mới mỗi năm

Kết quả phòng chống lao tại Hải Dương có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua. Tuy nhiên, số ca mắc mới được phát hiện vẫn ở mức cao. Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh phát hiện 5.984 người mắc lao (bình quân mỗi năm 1.197 ca). 8 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có thêm 702 trường hợp mắc bệnh này. Số ca bệnh được phát hiện qua từng năm tuy có giảm nhưng không đáng kể.

Đa số bệnh nhân được phát hiện lao một cách thụ động (khi có biểu hiện đến cơ sở y tế khám mới được phát hiện bệnh). Trên thực tế, số lượng người mắc lao có thể còn cao hơn nếu chương trình khám sàng lọc lao chủ động trong cộng đồng được triển khai tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Năm 2023, Bệnh viện Phổi Hải Dương chỉ đủ điều kiện khám sàng lọc lao cho người dân tại 4 huyện, thị xã, thành phố nhưng đã phát hiện được nhiều trường hợp mắc mới.

Ông Nguyễn Tiến N. (66 tuổi, ở TP Chí Linh) vừa được phát hiện mắc lao sau khi tham gia chương trình khám sàng lọc tại cộng đồng. Ông N. cho biết: “Cho đến trước khi tham gia khám sàng lọc, cơ thể tôi vẫn khoẻ mạnh và không có bất kỳ triệu chứng gì”.

Bác sĩ Lương Thị Ngọc Ánh, Khoa Lao phổi Bệnh viện Phổi Hải Dương lo ngại số bệnh nhân đang mắc lao trong cộng đồng có thể còn lớn hơn nhiều so với số liệu thống kê được. Nhiều bệnh nhân bị mắc lao nhưng không biết, chỉ đến khi ho, sốt kéo dài, khó thở, thậm chí gặp biến chứng như tràn khí màng phổi, ho ra máu… mới tìm đến bệnh viện. Lúc này việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém và nguy cơ để lại di chứng không hề nhỏ. “Đây là một thách thức lớn trong việc hướng tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, bác sĩ Ánh nói.

69% số bệnh nhân được phát hiện mắc lao tại Hải Dương trong những năm gần đây tập trung ở nhóm từ 15-64 tuổi, khoảng 30% số người từ 65 tuổi trở lên và 1% là trẻ em (dưới 15 tuổi). Người dân mắc loại bệnh này đang có xu hướng ngày càng trẻ hoá cũng là một rào cản lớn trong thực hiện chiến lược và mục tiêu phòng chống lao.

Trong số hàng chục bệnh nhân mắc lao đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Hải Dương có nhiều trường hợp mới 20-30 tuổi. Anh Vũ Xuân V. (21 tuổi, ở Thanh Miện) bị phát hiện mắc lao lần đầu cách đây khoảng 10 ngày. “Tôi thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào và thức đêm. Giai đoạn vừa rồi thấy ho dai dẳng, sốt kéo dài nên đi khám mới phát hiện ra bệnh”, anh V. thông tin.

Anh Trần Văn H. (29 tuổi, ở Kim Thành) thậm chí còn phát hiện mắc cả lao hạch lẫn lao phổi. Anh H. chia sẻ: “Nhà tôi không có ai bị bệnh này. Cơ thể tôi hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện gì ngoại trừ một khối hạch xuất hiện ở vùng cằm. Bác sĩ nói thời gian điều trị của tôi sẽ phải kéo dài gấp đôi người bình thường”.

W_img_1825-2-2.jpg
Những thói quen xấu như hút thuốc lá, thuốc lào thường xuyên là một trong những nguyên nhân dễ gây mắc lao

Theo các bác sĩ, môi trường ô nhiễm kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống không điều độ và duy trì những thói quen xấu hằng ngày như hút thuốc lá, thức khuya, lười vận động… khiến sức đề kháng của nhiều người bị suy giảm, dễ mắc các loại bệnh, trong đó có lao. Kiến thức phòng bệnh lao của phần lớn người dân còn hạn chế.

Nguồn lực hạn hẹp

Ngoài hoạt động phát hiện bệnh nhân lao thụ động tại các cơ sở y tế, những năm gần đây, Bệnh viện Phổi Hải Dương đã phối hợp tổ chức khám chủ động phát hiện bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng. Đây là giải pháp quan trọng nhằm đánh giá chính xác thực trạng, từ đó xây dựng giải pháp phòng chống phù hợp, hiệu quả. Tuy nhiên, kinh phí để tổ chức hoạt động này dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ Chương trình phòng chống lao quốc gia nên hạn hẹp, mỗi năm chỉ có thể tổ chức được khoảng 1/3 số địa phương trong tỉnh.

Hiện nay, toàn bộ lương, phụ cấp nghề của cán bộ, nhân viên Bệnh viện Phổi Hải Dương tham gia chống lao đang được lấy từ nguồn thu của bệnh viện mà chưa được cấp trên hỗ trợ. Thiếu nguồn lực, bệnh viện phải tự cân đối để chi trả cho không ít hoạt động mà Chương trình phòng chống lao quốc gia yêu cầu như truyền thông, đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế cơ sở.

Bệnh viện Phổi Hải Dương vừa phải trích nguồn thu để tổ chức các lớp tập huấn triển khai Thông tư 36 quy định về khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc lao bằng bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn tỉnh. Trong khi đó, lượng bệnh nhân mấy năm nay giảm, bệnh viện vẫn thực hiện tự chủ chi thường xuyên gặp rất nhiều khó khăn. “Việc phải tự cân đối chi cho nhiều hoạt động, trong đó có cả công tác phòng chống lao khiến thu nhập của nhân viên còn thấp, chưa bảo đảm. Cán bộ phòng chống lao thường xuyên thay đổi cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện kế hoạch, mục tiêu đã đề ra”, Phó Giám đốc bệnh viện Phạm Thị Hoài Thu nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Hải Dương hiện vẫn chưa phê duyệt kế hoạch chương trình phòng chống bệnh lao giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bắc Giang - một tỉnh giáp ranh với Hải Dương đã thực hiện việc này. Toàn bộ lương, phụ cấp cho cán bộ tham gia phòng chống lao được ngân sách tỉnh hỗ trợ.

Để đạt mục tiêu đề ra, Hải Dương nên quan tâm xem xét mức chi ngân sách phù hợp cho công tác phòng chống lao, đặc biệt là lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên tham gia phòng chống lao và tổ chức khám sàng lọc trên diện rộng. Tiếp tục đổi mới, đa dạng các hình thức truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành động của người dân trong phòng chống lao.

BÌNH MINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mục tiêu phòng chống lao bị đe dọa