Việc đưa vụ án ra xét xử chứng minh không có vùng cấm. Người nào phạm tội ở bất kỳ vị trí nào thì cũng bị đưa ra xét xử trước pháp luật.
Phiên tòa của cải cách tư pháp
Theo dõi phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm những ngày qua, Luật sư Lê Đức Tiết - nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật - Dân chủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, đây là phiên tòa của cải cách tư pháp, với việc đổi mới tranh tụng tại phiên tòa, cách sắp xếp tại phiên tòa thể hiện tôn trọng con người khi chưa có tội chính thức.
Bị cáo Đinh La Thăng nghe tòa tuyên án |
Theo Luật sư Lê Đức Tiết, với mức án 13 năm thì Hội đồng xét xử đã có cân nhắc, xem xét, lắng nghe ý kiến trình bày của các luật sư bào chữa với ông Đinh La Thăng. Mặc dù mức án này chỉ thấp hơn một năm so với đề nghị của Viện kiểm sát nhưng nó có ý nghĩa là Hội đồng xét xử đã đánh giá toàn diện vụ án. Những vấn đề còn lại hậu quả của vụ án và những ý kiến trái chiều nhau qua lập luận của các luật sư tại tòa thì bản án chưa phản ánh được.
Dư luận cũng cho rằng, qua việc xét xử nghiêm minh các vụ án lớn thời gian qua cho thấy quyết tâm của Đảng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Tiến hành xét xử nghiêm minh đã lấy lại được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực.
Đại tá Nguyễn Ngọc Hưng, nguyên cán bộ Tổng Cục an ninh, Bộ Công an cho rằng: “Ai cũng có những ưu, khuyết điểm. Trước đây Đảng ta chưa làm mạnh lắm nhưng lần này công khai rõ, bất kể từ cán bộ cao cấp nếu sai thì vẫn thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng để giải quyết. Xử lý kỷ luật theo quy định như vậy thì Đảng mới mạnh được. Việc công khai thông tin tạo nên sức mạnh của Đảng”.
Theo ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bản án nghiêm minh thể hiện quyết tâm của Đảng, giữa nói và làm, giữa Nghị quyết và hành động. Qua đây, cần quan tâm đến công tác cán bộ, nâng cao vai trò cấp ủy, tránh tình trạng các cấp có biết nhưng không dám đấu tranh, thể hiện đấu tranh yếu, dẫn đến có sai không nói, để sai này lấn đến sai khác, chồng lên nhau dẫn đến khuyết điểm lớn.
Mọi công dân công bằng trước pháp luật
Theo dõi phiên tòa sơ thẩm, cử tri ở TPHCM nhận xét, ông Đinh La Thăng đã có không ít tâm huyết trong thời gian đảm trách là người đứng đầu thành phố, tuy nhiên, những sai phạm trong quá khứ thì phải chịu xử lý của pháp luật.
Bản án nghiêm khắc mà bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm phải nhận đã thể hiện quyết tâm làm trong sạch Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân. Đặc biệt, việc đưa ra xét xử công khai vụ án được cử tri đánh giá cao.
Cử tri Trần Quang Tám, ngụ Phường 24, quận Bình Thạnh cho biết, nếu cứ âm thầm giải quyết nội bộ thì không thỏa đáng. Qua việc xử lý vừa rồi dù nhẹ hay nặng nhưng Nhà nước đã đưa ra ánh sáng nhiều cán bộ vi phạm là việc tốt để lấy lại niềm tin của nhân dân.
Cùng quan điểm, ông Phạm Bá Lữ, ở đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TPHCM cho rằng: “Qua việc đưa ra xét xử như vậy có tác dụng tích cực, chứng minh không có vùng cấm. Người nào phạm tội ở bất kỳ vị trí nào thì cũng bị đưa ra xét xử trước pháp luật. Qua các vụ án xét xử về kinh tế, mục tiêu quan trọng là phải lấy lại tiền, tài sản".
Theo ông Hoàng Xuân Hùng, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai, qua sự việc này có thể thấy rằng dù cán bộ làm chức vụ cao tới đâu nhưng đều phải chịu sự nghiêm minh, công bằng trước pháp luật. Đây cũng là bài học cho cả người dân cũng như những người đang làm lãnh đạo tại các cơ quan, ban ngành.
Theo VOV