Chuyện khách hàng mua điện thoại iPhone 12 Pro Max hơn 30 triệu đồng nhưng lại được giao cục gạch, hộp tô màu đã làm dấy lên nhiều lo ngại khi mua sắm qua mạng.
Anh Duy (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) kiểm tra hàng trước khi nhận từ nhân viên giao hàng
Cuối năm càng nhiều chương trình khuyến mãi, càng nhiều trò lừa đảo cả mới lẫn cũ xuất hiện.
Hàng kém chất lượng, không đúng như quảng cáo, thậm chí bị đánh tráo hàng là những lo ngại lớn nhất của người tiêu dùng. Làm cách nào để tránh?
Đắng lòng khi mua một đằng, nhận một nẻo
Ngày 14.12, Công ty Best Express, đơn vị vận chuyển, giao hàng trong vụ khách hàng ở Đồng Tháp mua iPhone 12 nhưng lại nhận được cục gạch cho biết đã mời cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ vụ việc.
“Khi có kết quả cuối cùng, dù nguyên nhân phát sinh từ phía nào, chúng tôi đều sẽ có biện pháp xử lý triệt để và có câu trả lời thỏa đáng cho khách hàng” - Best Express phản hồi.
Trước đó, ông Wu Di, Tổng giám đốc Best Express đã gửi thư xin lỗi đến khách hàng và “xin nhận toàn bộ trách nhiệm về sự việc này”. Trong thư, ông Wu Di cho biết Best Express sẽ gửi lại khách hàng toàn bộ số tiền trị giá với đơn hàng mà công ty ông nhận vận chuyển.
Trước đó, có hai khách hàng (một ở Đồng Tháp, một ở Hà Tĩnh) đã đặt mua iPhone 12 qua website của hệ thống bán lẻ Di động Việt. Trong đó, khách hàng ở Đồng Tháp đã thanh toán trước 32 triệu đồng tiền mua điện thoại nhưng lại nhận được... cục gạch, còn khách hàng ở Hà Tĩnh lại nhận được... hộp tô màu.
Ông Nguyễn Ngọc Đạt, CEO Di động Việt, cho biết quy trình giao hàng cho đối tác vận chuyển của công ty đều có quay video, có ký nhận và có hệ thống camera của cửa hàng giám sát.
“Rất may mắn sau khi xảy ra trường hợp khách hàng ở Đồng Tháp, chúng tôi đã kịp thời phát đi cảnh báo vụ việc nên khách hàng ở Hà Tĩnh đã khui hàng ra tận tay trước mặt người giao hàng, phát hiện hộp tô màu và đã không nhận hàng”, ông Đạt kể.
Trong một vụ việc khác, chị Hảo (Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) gửi 5 lạng yến tinh chế trị giá 17 triệu đồng vào TP Hồ Chí Minh thông qua Công ty G.. Sau gần 5 ngày, đối tác của chị Hảo nhận... một đôi giày cũ. Chị Hảo bức xúc khi toàn bộ hàng đã bị đánh tráo, dù khi gửi hàng chị đã khai báo giá trị thực với công ty vận chuyển.
Khi liên hệ với công ty về tình trạng hàng hóa không đúng, chị Hảo cho biết họ yêu cầu các bước khá rối như chụp hình sản phẩm ban đầu, cung cấp biên lai lúc gửi hàng rồi mới cho nhân viên xuống nhận hàng đã giao sai.
“Họ hẹn vài ngày kiểm tra lại quy trình để tiến hành đền bù cho tôi. Tuy nhiên, những thiệt hại về uy tín, chậm trễ trong kinh doanh, ai chịu trách nhiệm?”, chị Hảo nói.
Trong khi đó, nhiều khách hàng cho biết khá rủi ro khi nhân viên giao hàng không cho khách mở hàng, kiểm tra hàng khi nhận hàng. Chị Minh Nguyệt (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết mới đây đặt hàng nước hoa cho xe hơi trên Shopee với giá 500.000 đồng/bình.
Sau 2 ngày, nhân viên giao hàng tới giao bưu kiện và hối khách ký nhận nhanh vì có việc gấp. Lúc này chị Nguyệt yêu cầu kiểm hàng thì shipper nói không được mở hàng trước. Nhìn bưu kiện thông tin rõ ràng người giao, người nhận và mặt hàng, số tiền thanh toán nên chị Nguyệt đã thanh toán tiền.
Khi vào trong nhà, mở hộp bưu kiện ra thì mới tá hỏa là bình nhựa đựng nước chứ không phải nước hoa xe hơi.
Cẩn trọng với các chiêu trò
Cuối năm là thời điểm diễn ra rất nhiều chương trình, chính sách khuyến mãi từ các hệ thống cửa hàng lớn nhỏ để kích thích sức mua của người dân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thương mại điện tử cho rằng sẽ có một tỉ lệ không nhỏ nhiều cửa hàng lợi dụng dịp khuyến mãi cuối năm để xả hàng các sản phẩm kém chất lượng với mức giá giảm.
“Nhiều nơi đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, nâng cao giá lên rồi giảm xuống, hoặc sẽ bán điện thoại khuyến mãi tặng thêm cốc sạc, ốp lưng bảo vệ, miếng dán cường lực và nâng giá sản phẩm lên hơn giá trị quà tặng, tức là họ đang bán kèm chứ không hề tặng kèm như quảng cáo” - chị Ánh Hồng, đại diện hệ thống bán lẻ 24hstore, chia sẻ về chiêu bán điện thoại có thể xảy ra trên thị trường.
Ngoài ra, chị Hồng cũng cảnh báo khách hàng nên tìm hiểu kỹ giá sản phẩm trên thị trường, không nên nóng vội mua ngay. Ngoài việc cẩn thận kiểm tra thật kỹ sản phẩm và chính sách, khách hàng khi mua sắm bất kỳ sản phẩm nào cũng nên chú ý tìm những chi tiết bên bán có thể “gài” mình.
Chẳng hạn, khách hàng nhiều lúc chỉ nhìn thời hạn bảo hành được từ 12 tháng là xong. Nhưng nhìn kỹ có khả năng đơn vị đó sẽ không nhận bảo hành hầu hết các lỗi, thậm chí lỗi do nhà sản xuất: không bảo hành màn hình, bo mạch máy, camera...
Ông Nguyễn Ngọc Đạt cũng khuyến cáo khách hàng khi nhận hàng từ các shipper nên quay lại video khi mở hàng hoặc khi được đồng kiểm với nhân viên giao hàng để đảm bảo “phần đúng” về phía mình.
Bà Phan Thị Việt Thu, chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, cho biết người tiêu dùng hãy mạnh mẽ chỉ đích danh các doanh nghiệp thường xuyên vi phạm đến các cơ quan bảo vệ mình để được hỗ trợ. Trên hết, người tiêu dùng được quyền tẩy chay sản phẩm để doanh nghiệp dỏm không còn “đất sống”.
Theo Tuổi trẻ