Mùa xuân đi hội Côn Sơn

16/02/2019 11:44

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019 có thêm những nét mới nên công tác chuẩn bị đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động từ sớm.


Cảnh sắc khu di tích Côn Sơn phong quang, sạch đẹp

Chỉ còn ít ngày nữa, Lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019 cùng nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn sẽ diễn ra. Lễ hội năm nay có thêm một số nét mới nên công tác chuẩn bị đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động từ sớm.

Rực rỡ, lung linh

Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc trước ngày khai hội mùa xuân như được khoác lên mình tấm áo mới. 1.800 chiếc cờ thần, hồng kỳ cùng hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, biển chỉ dẫn... đã được dựng dọc 2 bên các tuyến đường dẫn thẳng vào 2 khu di tích. Bên trong khuôn viên 2 di tích, hàng trăm đèn lồng, hàng nghìn mét hoa dây cùng hệ thống đèn sen, đèn nháy, dàn trưng bày, cây cảnh được làm mới, bài trí khoa học, đẹp mắt. Khuôn viên các khu di tích phong quang, sạch đẹp.

Năm nay, cảnh sắc di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc lung linh, rực rỡ hơn hẳn mọi năm khi được tô điểm bởi những vườn hoa rộng hàng chục nghìn m2 đang đua nhau khoe sắc thắm giữa trời xuân ấm áp. Từ chùa Côn Sơn sang đền thờ Nguyễn Trãi, xuống đến tận khe suối, chân cầu... khoảng 25.000 m2 hoa tươi như hoa hồng, đồng tiền, hướng dương, xác pháo, mẫu đơn, hoa cúc trồng theo từng chủ đề, tạo ra diện mạo mới cho khu di tích. 14 gốc vạn tuế trồng phía sau đền Kiếp Bạc theo hàng thẳng tắp tượng trưng cho 14 đời vua Trần. Sau dãy vạn tuế này là 72gốc vạn tuế khác tượng trưng cho tuổi thọ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn bố trí tạo thành hình chữ "Trần". Bên cạnh đó, hệ thống vườn hoa, cây cảnh, tiểu cảnh rộng hàng nghìn m2 được bài trí khoa học, đẹp mắt làm cho cảnh sắc mùa xuân nơi đây thêm hấp dẫn. Nhiều người cho rằng cảnh sắc ở Côn Sơn - Kiếp Bạc giờ rực rỡ không khác gì Thung lũng Tình Yêu ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) hay những vườn hoa ở Bà Nà Hills (Đà Nẵng).

Chị Hương - một du khách đến từ huyện Thanh Miện cho biết rất ngỡ ngàng trước sự thay đổi của cảnh sắc di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. "Năm ngoái tới Côn Sôn dâng hương xong là chúng tôi về ngay. Nhưng năm nay thì khác, tôi và mấy người bạn đã bị những vườn hoa đang đua sắc thắm níu chân. Hoa được trồng theo chủ đề rất đẹp nên chúng tôi đã ở lại tìm hiểu và chụp ảnh", chị Hương nói.

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trung ương, địa phương chủ động tuyên truyền, quảng bá về Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng; sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, mời gọi du khách về tham dự lễ hội; tích cực phối hợp với các đơn vị lữ hành đưa du khách về trẩy hội... Tại lễ hội lần này, công tác tuyên truyền, quảng bá được thực hiện sớm, đa dạng nên bước đầu đã phát huy hiệu quả khi lượng khách về du xuân từ đầu năm đến nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay có 8 nghi lễ và 4 hoạt động văn hóa dân gian, tăng 2 nghi lễ so với lễ hội mùa xuân năm ngoái. Đó là tái hiện Lễ Liên Hoa Hội Thượng tại chùa Côn Sơn sau 1 năm gián đoạn và Lễ đúc chuông chùa Côn Sơn. Ngoài ra, lễ hội vẫn duy trì nhiều hoạt động hấp dẫn như hội thi bánh chưng, bánh dày, thi đấu pháo đất, vật, cờ tướng, hát dân ca, quan họ... Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết đến thời điểm này, kịch bản, diễn trình tổ chức các nghi lễ tại lễ hội mùa xuân năm nay đã chuẩn bị xong. Ban tổ chức đã phối hợp huy động lực lượng khoảng 2.200 người tham gia các nghi lễ. Ngay sau Tết Kỷ Hợi, Ban tổ chức lễ hội đã mời các nhà sư chùa Hoằng Pháp (TP Hồ Chí Minh) để phối hợp tổ chức nội dung, trang trí khánh tiết chuẩn bị cho Lễ Liên Hoa Hội Thượng. So với lễ hội mùa xuân năm 2017, nghi lễ này sẽ được tổ chức bài bản, quy mô và hoành tráng hơn. Ngoài nhân dân, du khách, sẽ có 500 tăng ni, phật tử tham dự. "Liên Hoa Hội Thượng là nghi lễ tưởng niệm các đại nguyện của Đức Phật A Di Đà, cầu nguyện quốc thái dân an. Điểm nhấn của nghi lễ này là đốt hoa đăng để thả xuống hồ Côn Sơn. Nghi lễ diễn ra vào buổi tối nên chắc chắn làm cho không gian lễ hội thêm lung linh và linh thiêng", tiến sĩ Lê Duy Mạnh nói.

Lễ đúc chuông sẽ được tổ chức tại sân đá chùa Côn Sơn, ngay sau khi tổ chức Lễ rước nước (sáng 20.2). Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc sẽ được làm bài bản hơn với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng nhân dân địa phương, du khách... Ban tổ chức đã thiết kế diễn trình mới cho nghi lễ, trong đó việc dâng hương, tế lễ tại các di tích trên núi đều có lời dẫn. Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chuẩn bị hơn 1.000 tờ gấp in ảnh, giới thiệu về núi Ngũ Nhạc, nghi lễ tế trời đất để phát miễn phí cho mọi người. Số lượng ngũ cốc phát cho đại biểu, nhân dân và du khách được chuẩn bị gấp 4 lần năm ngoái.

Lễ khai hội sẽ diễn ra vào tối 20.2 (tức 16 tháng giêng) thay vì thường tổ chức vào buổi sáng như nhiều năm và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương. Đến nay, Tiểu ban nội dung đã thống nhất quá trình tổ chức, trong đó chương trình nghệ thuật "Về nơi nhân kiệt địa linh" được dàn dựng và tổ chức tập luyện xong. Tổ chức lễ khai hội vào buổi tối sẽ thu hút được đông người dân, du khách tham gia hơn, không gian di tích cũng lung linh hơn. Tuy vậy, việc này yêu cầu phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là công tác bảo đảm an ninh trật tự. "Chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện để trang trí cho khu vực tổ chức lễ khai hội thêm lộng lẫy. Đơn vị điện lực hỗ trợ chuẩn bị máy phát điện để nếu gặp sự cố thì chỉ 30 giây đến 1 phút sẽ có điện trở lại. Lực lượng an ninh được huy động tối đa, cắm chốt, phân luồng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người", tiến sĩ Lê Duy Mạnh thông tin.

Chương trình Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2019

- Ngày 18.2.2019 (14 tháng giêng): Từ 8-20 giờ, thi gói, luộc bánh chưng; từ 14-15 giờ, thi giã bánh dày tại sân đá chùa Côn Sơn. Từ 17-21 giờ, lễ Liên Hoa Hội Thượng chùa Côn Sơn tại sân trước gác chuông chùa Côn Sơn.

- Ngày 19.2.2019 (15 tháng giêng): Từ 7-8 giờ, lễ dâng hương tại chùa Côn Sơn, đền Trần Nguyên Đán, đền Nguyễn Trãi, đền Kiếp Bạc (dâng bánh chưng, bánh dày) tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; từ 8-10 giờ, lễ tế khai xuân tại đền thờ Nguyễn Trãi.

- Ngày 20.2.2019 (16 tháng giêng): Từ 7-9 giờ, lễ rước nước tại khu di tích Côn Sơn; từ 9-11 giờ, lễ đúc chuông chùa Côn Sơn tại sân đá chùa Côn Sơn; từ 19-21 giờ, lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2019 tại sân trước gác chuông chùa Côn Sơn.

- Ngày 21.2.2019 (17 tháng giêng): Từ 7-11 giờ, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ tại núi Ngũ Nhạc.

- Ngày 27.2.2019 (23 tháng giêng): Từ 7-11 giờ, lễ giỗ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả tại chùa Côn Sơn; từ 17-21giờ, lễ đàn Mông Sơn thí thực tại sân chùa Côn Sơn.


TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa xuân đi hội Côn Sơn