Chuẩn bị kết thúc học kỳ 1, kết thúc năm học, việc xin điểm thường diễn ra trong môi trường giáo dục.
Ở bậc tiểu học, khi biết con em mình không đạt tiên tiến, giỏi; phụ huynh lại "gõ cửa" giáo viên chủ nhiệm "trăm sự nhờ cô" để con em mình có "danh hiệu". Ở bậc THCS và THPT, ngoài giáo viên chủ nhiệm còn phải nhờ đến giáo viên bộ môn.
Một số phụ huynh muốn con mình "có giấy khen" nên đến gặp giáo viên chủ nhiệm (hoặc điện thoại) để xin điểm (trung bình xin lên khá, khá xin lên giỏi). Nếu như môn cần được nâng điểm do giáo viên chủ nhiệm trực tiếp dạy thì mọi chuyện dễ dàng hơn.
Còn trường hợp môn mà giáo viên bộ môn dạy thì có hai hình thức xin điểm: một là, giáo viên chủ nhiệm cho phụ huynh số điện thoại để phụ huynh trực tiếp "trình bày lý do"; hai là, phụ huynh nhờ giáo viên chủ nhiệm xin giùm.
Dẫu biết đó là giá trị ảo nhưng không ít bậc phụ huynh thích ảo như thế. Giá trị ảo ấy từ bậc phụ huynh đã gieo cho con em mình nhiều thứ ảo khác trong học tập và trong cuộc sống. Có khi chính các em sẽ ỷ lại việc học bởi đã có cha mẹ "bao bọc" để rồi khi trở thành sinh viên đại học, việc gọi điện cho giảng viên xin điểm lại trở thành "chuyện bình thường".
Thật đáng buồn khi giá trị ảo ấy càng "nở rộ" chính từ những người lớn chứ không phải là con trẻ. Việc xin điểm góp phần tạo ra thành tích ảo, chất lượng ảo, giá trị ảo hiện nay ở ngành giáo dục. Từ đó, giá trị ảo này lan tỏa trong đời sống hằng ngày.
Theo Tuổi trẻ