Tháng sáu, nắng vàng miên man chạy nhảy tung tăng trên khắp các nẻo đường làng. Tháng sáu, cũng là lúc những cánh sen hồng bung tỏa chào đón mùa hè đầy năng lượng. Đó cũng là lúc những bông lúa trĩu vàng được bàn tay thoăn thoắt của những người nông dân gặt về, trải vàng sân gạch dưới ánh nắng gay gắt. Và tháng sáu đến cũng là lúc sắc đỏ hồng của những chùm vải chín mọng, căng tràn.
Tôi nhớ hồi mới chớm xuân, những màn mưa phùn lất phất giăng kín vườn, hoa vải còn nở trắng trời trắng đất. Hương hoa vải nhẹ nhàng tỏa mùi thơm man mác, từng đàn ong bướm thi nhau chạy tới để hút mật. Vậy mà chỉ sau có vài tháng những chùm hoa vải đã thành những chùm quả trĩu cành, nổi bật trên sắc xanh của tán lá.
Hồi tôi học cấp 2, nhà ông bà nội đã có một vườn vải, không biết trồng tự bao giờ. Cây nào cây ấy to lắm, một mình tôi ôm gốc cây không xuể. Mỗi lần về quê chơi, tôi rất thích tìm đến vườn vải. Nó xua tan đi cái nắng oi ả khó chịu của tiết trời tháng sáu. Trưa đến, ông nội mắc cái võng ở gốc cây, thế là tôi leo lên võng của nội nằm để hưởng làn gió mát của thiên nhiên. Không chỉ có thế, vườn vải của nội có rất nhiều ve, mấy đứa trẻ trong làng hay vào bắt ve. Cả bọn chúng tôi rủ nhau lấy nhựa mít gắn vào đầu cây gậy dài, thế là dễ dàng bắt được ve, nhốt vào ống bơ. Bà nội biết được mắng cho tôi một trận vì cái tội nghịch ngợm.
Đến mùa vải chín, nếu tôi chưa kịp về thì thể nào ông bà nội cũng gọi điện giục. Tôi thích trèo lên cây vải, bẻ từng chùm quả chín đỏ mọng rồi chuyền xuống cho bà. Ông nội thì lấy cù nèo ngoắc từng chùm vải trên ngọn cây. Bà nội chỉ việc đứng dưới gốc, bưng cái thúng để hứng quả. Từng chùm vải rơi tọt vào cái thúng của bà, cứ đầy dần, đầy dần hết thúng này tới thúng khác. Bà luôn miệng nhắc: “Nhè nhẹ thôi, kẻo rụng hết thì không bó được”. Tôi mướt mát mồ hôi, nói vọng xuống: “Bà yên tâm, quả nào rụng thì bà cho con”. Khát nước quá, tôi vừa vặt vừa ăn. Sau cái vỏ xù xì là từng cùi vải trắng thơm ngọt. Hạt vải nhỏ xíu chỉ nhỉnh hơn hạt đỗ đen một chút. Cắn ngập chân răng, hương vị của quả vải tự tan ra trong miệng, lan tỏa khắp cơ thể một cảm giác ngọt mát giữa cái nắng hè oi ả. Vị ngọt của từng quả vải thiều thanh thanh đọng mãi nơi đầu lưỡi. Ông nội thường nhắc nhở tôi rằng để có quả vải căng mọng, ngọt lịm như thế này không phải dễ dàng. Nó tốn nhiều công sức chăm sóc của ông lắm. Nào tưới, nào bón, nào tỉa, nào phun thuốc. Nhiều năm đến mùa vải chín, đúng vào dịp trời mưa liên miên, ông bà nội thường phải thuê người bẻ thật nhanh vì qua đêm mưa quả vải nứt ăn không ngon không bán được nữa. Từ lúc đó tôi mới biết quý từng quả vải tôi ăn.
Tối đến cơm nước xong tôi giúp bà nội ngồi bó vải. Từng chùm quả vải căng mọng, đỏ hồng cứ thế được hai bà cháu buộc lại gọn gàng, đẹp mắt. Bó xong bà để một chùm lên thắp hương tổ tiên. Bà hay bảo tôi: “Cái vườn vải này, ngày xưa cụ nội trồng, giờ có quả ăn phải nhớ đến cụ”. Rồi bà mang cho con cháu và hàng xóm, mỗi nhà một chùm. Còn bao nhiêu hôm sau tôi cùng bà nội đi chợ bán.
Quay đi ngoảnh lại, tôi sắp vào đại học. Ông nội đã mất vì bệnh tai biến mạch máu não. Vườn vải của nội cũng chỉ còn vài cây già nua, cằn cỗi, ít quả. Bà nội bảo: “Nó thoái hóa rồi, không sai quả như trước nữa”. Lúc đó tôi thèm được cảm giác trèo lên cây vặt từng chùm quả cho bà nội hứng bên dưới, thèm được nằm võng dưới bóng mát của những tán vải sum suê và ngủ một giấc ngon lành.
NGUYỄN HỮU CHUYÊN(Lớp 12G, Trường THPT Nam Sách)