Cuối đông rét ngọt luồn vào tận ngõ ngách. Làng quê chìm trong mưa lạnh. Đã qua mùa gặt, cánh đồng khô gốc rạ là lúc rau khúc đua nhau mọc lên.
Cuối đông rét ngọt luồn vào tận ngõ ngách. Làng quê chìm trong mưa lạnh. Đã qua mùa gặt, cánh đồng khô gốc rạ là lúc rau khúc đua nhau mọc lên. Trong thinh lặng đêm đông, tôi giật mình nghe tiếng rao vọng lên căn gác nhỏ. “Ai bánh khúc nóng đê…ê… ê”! Tiếng rao cô đơn xuyên qua gió lạnh, thổi luồng hơi ấm nồng của vị bánh quê mùa kéo tôi choàng tỉnh. Mùi hương ký ức gợi nhớ trong tôi biết bao kỷ niệm về một miền quê yên bình. Mưa trắng bay trên đồng, rau tầm khúc nở ngàn hoa trắng...
Mùa rau khúc về, trong cơn ngái ngủ tôi lơ mơ nghe tiếng mẹ đang rì rầm cùng bà nội: “Mưa thế này, khúc lại nở trắng đồng u nhỉ!”. Tiếng gà trong các xóm râm ran. Và tôi lại thiếp đi. Tỉnh dậy, tôi vẫn thấy đang mưa đầy trời, bà và mẹ đã đi chợ từ khi nào. Buổi nghỉ học, tôi cùng mẹ ra đồng hái rau khúc. Một mùi thơm hắc ngọt, trầm dịu, nồng đượm hòa vào màn sương sớm. Cứ âm thầm như vậy, mùa rau tầm khúc kéo dài từ cuối đông đến hết giêng, hai. Sương giăng loang đầy đồng, tôi rùng mình vì cái cảm giác lạnh buốt nơi gan bàn chân, nhưng cái lạnh không ngăn nổi bàn chân tôi thoăn thoắt chạy trên đồng, gốc rạ cứng nhô lên như thách thức. Mọi sự chần chừ và cái lạnh ban đầu tan biến. Tôi chạy đến những vạt hoa màu trắng, chỗ nào khoảng mặt ruộng sáng trắng lên và đậm màu là chỗ đó có cây mọc càng nhiều. Bà dặn tôi phải chọn rau khúc nếp mới thơm ngon. Đấy là lúc rau khúc ủ nhiều hương vị nhất vì thế mà ngon nhất. Những khóm rau tầm khúc lan xa, lá và thân phủ dày lông tơ mịn màng xốp trắng. Cây hoa bé bỏng mong manh cả đêm qua hứng đầy sương đêm. Ngắt một ngọn nhỏ lên, vò nhẹ trên tay tôi đã tưởng tượng ra hương vị và mùi thơm ngậy của rau khúc dâng lên như mùi thơm của chõ bánh khúc vừa đồ chín. Chẳng mấy chốc tôi đã hái đầy rổ mang về cho mẹ. Rau khúc vừa dai, vừa dẻo, đưa lên miệng nhai chẳng khác gì kẹo cao su bây giờ. Rau khúc hái từ ruộng về phải chế biến ngay. Để lâu rau sẽ kém chất và làm bánh không được như ý. Rau có thể đem nấu canh phổ biến trong các bữa ăn ngày xưa nhưng với bọn trẻ, món hấp dẫn là bánh khúc. Bột gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh, thịt lợn cộng với gia vị hòa quyện với nhau tạo nên một mùi thơm nồng nàn cho ta liên tưởng đến những miền quê.
Cha mất sớm, bà với mẹ cứ âm thầm những phiên chợ như thế, tôi nhớ nhất những buổi sớm mai chợt thức thấy hình ảnh bà và mẹ chuyện trò. Lấm tấm mồ hôi trong sớm lạnh, tóc mẹ quấn cao sau gáy bọc trong lớp khăn thơm mùi bồ kết, trong gian bếp bập bùng lửa đỏ rực rỡ. Gánh hàng đã chuẩn bị xong. Cả cuộc đời bà và mẹ gắn liền với ruộng đồng, với đói no, ấm lạnh, với khổ đau và hạnh phúc thật giản dị. Họ đi qua bão giông vẫn điềm tĩnh và cho tôi khoảng trời yêu thương bình yên nhất. Hạt rau khúc ẩn nấp nơi đâu mà chẳng đợi mùa xuân, mới mưa đông đã âm thầm nở hoa mãnh liệt như vậy. Khi có những trải nghiệm cuộc đời tôi mới thấy không phải chỉ có những loài cây to lớn mới mạnh mẽ mà cỏ cây cũng mạnh mẽ, phi thường không kém. Quanh tôi, trong những giấc mơ hương khúc nếp ngào ngạt cả cánh đồng. Tôi luôn muốn về quê vào mùa rau khúc nở.
Ngày nay, cuộc sống đủ đầy, lũ trẻ không mấy khi có cảm giác thèm, khao khát món quà quê giản dị như chúng tôi khi xưa. Trong cái se lạnh của phố phường, bánh khúc đã trở thành một món quà đậm đà hương vị và nỗi nhớ của miền quê. Như tiếng mẹ vẫn thầm thì bên tôi: bánh khúc là thứ bánh bình dân, ai cũng làm được, ai ăn cũng hợp nhưng để nó trở thành món ngon thực sự, ngoài tay nghề tinh tế, thì nguyên liệu tươi ngon giữ vị đứng đầu. Người làm cũng phải thương yêu gửi gắm tình cảm trong đó nữa con ạ! Màu hoa trắng li ti của rau khúc vẫn đang thao thức trong mưa bay. Bản nhạc bình yên trong mưa nơi đồng quê giản dị và thiêng liêng ngân lên. Tiếng rao bánh vọng dồn, trong tôi trào dâng ước mong được trở về khi mùa rau chưa tàn. Tôi lại ao ước mình nhỏ bé như năm nào, để được ủ ấm những nỗi nhớ miên man, nằm lặng nghe rỉ rả tiếng côn trùng trong sớm đẫm sương trên cánh đồng tỏa hương nồng rau khúc.
Tản văn của VŨ LỆ HƯƠNG