Mùa quả chín

23/10/2014 17:31



Bà Hạnh chống gậy lần ra vườn thấy cây nhãn đã vào mùa thay lá, một mùa quả đã qua. Vậy là bà đã ốm nằm liệt giường một tháng nay, những tưởng sẽ không còn vực dậy để chống gậy thăm nom vườn tược được nữa. Bà đã đi đến cuối dốc của cuộc đời với biết bao nhiêu buồn vui, cay đắng, rồi cũng như những loài cây kia sau mùa quả chín, lá lại rụng về với cội nguồn. Những cơn gió rì rào trong tán lá như đang thủ thỉ nhắc lại cho bà nghe những câu chuyện đã qua, gợi vào lòng bà một nỗi nhớ thương se sắt. Bà thở dài hướng đôi mắt mờ đục nhìn về nơi nào xa xôi lắm…

…Ngày ấy khi bà sinh xong đứa thứ ba thì chồng bà theo đoàn quân Nam tiến, rồi hy sinh mà không một lần được về thăm lại vợ con. Một mình bà gánh gồng nuôi ba đứa con thơ, cho đến lúc chiến tranh kết thúc, tiếng bom đạn không còn thì các con bà cũng đã lớn lên. Nhưng hỡi ôi, những đứa con không cha như nhà không nóc, chúng lớn lên không có được bàn tay người đàn ông nâng đỡ, bảo ban nên có lớn mà không có khôn. Từ khi chúng còn nhỏ, bà quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối ngoài đồng ruộng chỉ mong kiếm được miếng cơm, manh áo nuôi chúng lớn mà không có thời gian bảo ban, chăm bẵm từng bước đi của chúng. Để đến lúc chúng trở thành những đứa trẻ ngỗ ngược, bất cần thì bà dang tay cũng không che chở kịp.

Người ta vẫn bảo: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, bà vịn vào câu nói ấy để sống suốt quãng đời dài đằng đẵng, để tự an ủi mình rằng mỗi một con người sinh ra đều có phúc phận riêng, cha mẹ có cố gắng cũng khó lòng thay đổi được. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng nhiều khi bà vẫn đau đớn, tủi hờn và xen lẫn là cả nỗi ân hận không khi nào nguôi ngoai được. Ba đứa con, hai trai, một gái, chẳng đứa nào lớn lên được sung sướng, đủ đầy, đứa nào cũng gánh trên mình một nỗi khổ riêng. Thằng cả được ăn học tử tế nhất nhưng cũng chỉ vì chơi bời mà thành phá gia chi tử, lấy vợ rồi cũng về làm ruộng, cuộc sống khốn khó trăm bề. Con út thì đi lấy chồng xứ người xa tít tắp, cả năm chả về nhà lấy một lần thắp hương cho bố, sau này sinh con ra, cuộc sống vất vả có khi hai, ba năm bà ngóng mãi cũng chẳng thấy về. Gả con đi lấy chồng như mất con hun hút…Bà thương con thân gái đi làm dâu xứ người trăm đắng, nghìn cay.

Còn thằng thứ hai là cái tội, cái nợ của đời bà, từ bé nó gầy còm, ốm yếu nên bà thương yêu nó nhất. Không ngờ khi lớn lên nó phụ công bà chăm bẵm, suốt ngày theo lũ bạn đi ăn cắp, ăn trộm rồi bài bạc. Nhiều đêm khấn ông bà khóc: “Ông chết đi rồi ông bỏ lại mình tôi”. Đêm đêm bà chỉ nghe thấy tiếng lá quật mạnh ngoài vườn chuối, tiếng ông văng vẳng bên tai lúc xa lúc gần, ông bảo ông thương bà lắm, rồi ông lại bỏ đi. Tiếng lá loạt soạt sau vườn như tiếng bước chân ai. Sau này bà lại sợ những mùa lá rụng, sợ những cơn gió chao nghiêng những buổi chiều tàn…

Thằng hai bỏ đi theo lũ bạn lên miền ngược làm ăn suốt một năm trời, lúc trở về tiền bạc không có lấy một đồng dính túi lại mang theo một đứa con gái bụng mang dạ chửa về nhà, bà đi làm ngoài đồng suốt ngày lúc về còn phải lo cơm nước cho chúng nó. Bà vẫn nhớ như in cái buổi tối hôm đó, khi thằng hai uống rượu say về, nó hành bà, nó bảo:

-Mẹ đi vay tiền làm nhà cho con, con lấy vợ rồi cũng phải có nơi có chốn.
Lòng bà xót như ai xát muối. Bà nuôi nó bằng ấy tuổi đầu, nó chưa một ngày làm cho bà vui, chưa biếu bà được một đồng nào gọi là đồng quà tấm bánh, chưa nói được với bà một lời tử tế. Bây giờ bà lo cho nó còn chưa đủ, nó lại dẫn đứa bụng mang dạ chửa về đây để hành tội bà. Bà thấy đời bà sao mà khổ nhục, chỉ muốn chết quách đi cho thanh thản. Bà khóc, bà bảo với thằng hai rằng:

-Tao chỉ có mỗi cái xác thôi, mày có mổ ra thì mổ. Tao già rồi chúng mày không lo được cho tao thì thôi, còn về đây mà hoạnh họe nữa à? Nhà đây, ở thì ở mà không ở dắt nhau đi đâu thì đi. Tao không có tiền đâu mà cắt đất xây nhà.

Thế mà trong cơn say thằng hai đã đánh đập bà. Cũng may là có người can kịp, nếu không bà cũng chẳng dám chắc còn sống được đến lúc này không. Rồi nó dắt vợ nó ra đi, nó chỉ tay vào mặt bà nói:
-Từ giờ tôi với bà không còn mẹ con gì hết. Chẳng có người mẹ nào lại không lo được cho con.

Bà chết đứng theo từng câu nói của đứa con mà bà đã hết mực yêu thương, chăm bẵm từ lúc bé. Nó bỏ lên miền ngược gần hai mươi năm nay chưa về thăm quê, thăm mẹ lại một lần. Bà đau nỗi đau có con như không, con còn sống sờ sờ mà coi như đã chết. Mỗi lần nghe người ta nói về cuộc sống của thằng hai bà chỉ dám khóc thầm. Bà ra nông nỗi này không biết nên trách ai? Tại bà không biết dạy bảo con hay tại trong nhà không có người đàn ông trụ cột?

Gần hai mươi năm bà sống trong sự giày vò không một ngày thanh thản, bà nhớ con út, bà thương thằng hai, bà giận vợ chồng thằng cả không biết đối nhân xử thế. Người thiên hạ bảo bà là không có phúc. Thôi thì cũng hết một kiếp người…

*


Những ngọn núi đá vôi cao chọc trời như đâm vào lòng người đàn ông trên căn nhà chông chênh bên vách núi thêm nhức nhối. Thằng Hà bụi đời, quậy phá tứ tung của gần hai mươi năm trước bây giờ râu tóc cũng đã bạc dần, chồn chân mỏi bước, mỗi sáng tỉnh dậy ông đều nhìn thấy cái dốc bên kia của cuộc đời gần lắm. Lòng lại gợn lên những đợt sóng buồn…

Gần hai mươi năm trước, ông Hà dẫn vợ bụng mang dạ chửa rời quê lên tận Lào Cai xa xôi này khai hoang, trồng trọt. Những tưởng mọi cuộc chơi ngông, nghịch dại của tuổi trẻ cũng đã đến điểm dừng nhưng không ngờ ông lại sa chân vào nghiện hút. Vùng này thuốc phiện vốn nhiều, ông ngập chìm trong thứ khói trắng ấy cho đến tận  khi người vợ trẻ chết vì cảm lạnh, bỏ lại ông với đứa con trai chưa đầy hai tuổi bị dị tật bẩm sinh. Hằng ngày ông phải đi đập đá thuê lấy tiền lo cuộc sống hai cha con qua ngày đoạn tháng. Sau những cuộc chơi dài, ngoảnh lại thấy mình trắng tay, tiền bạc không, niềm tin cũng mất, người thân thì hun hút nơi nào. Đã bao lần ông muốn mang con về quê cũ nhưng không hiểu sao bàn chân không bước nổi, bởi ở nơi ấy ông biết là mình đã gây ra quá nhiều lầm lỗi.

Đứa con thơ lúc nào cũng nhìn ông ngây ngô như cười như nói. Nhìn bàn tay teo tóp của nó, ông như thấy mình có tội. Cũng chỉ tại đời ông ăn mặn nên đứa con bé nhỏ này phải gánh chịu cay đắng thay ông. Mà con người ta cũng lạ, cái lúc tuổi trẻ còn sung sức, còn làm được nhiều việc cho đời thì lại luôn bồng bột, luôn phung phí. Đến lúc có tuổi rồi thì lại phải sống trong dằn vặt. Ở đời con người ta không cái gì khổ hơn sự dằn vặt và ân hận, mỗi ngày sống trôi qua lại như thấy mình còn đang mắc nợ một ai đó, một nơi nào đó. Thấy sao mình lại sinh ra và tồn tại trên cuộc đời này… Suốt gần hai mươi năm qua, ông Hà vẫn sống trong sự dằn vặt ấy.

Những ngày cuối mùa hè không khí mát mẻ hơn, ông Hà ngồi nhìn đứa con ngô nghê gặm ổi mà trong lòng dậy lên một tình yêu thương vô bờ bến. Thứ tình yêu ruột thịt mà trước kia ông không hề cảm nhận được. Chính vì thế mà ông đã đánh mất đi, đã dẫm đạp lên tình yêu của người mẹ cả đời khốn khổ vì ông. Bây giờ nhiều đêm ông vẫn bị giấc mơ của chính mình cào xé tim gan, giấc mơ cái ngày ông đánh mẹ rồi từ mặt mẹ, dắt vợ ra đi. Cái ngày ông làm một đứa con bất hiếu. Cũng có đêm ông mơ thấy mẹ mình chết, nước mắt ông chảy ròng ròng. Ông gọi “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” rất to nhưng khi tỉnh dậy ông chỉ thấy đôi mắt ngô nghê của đứa con đang nhìn mình. Ông bật khóc.

Lại một mùa lá nhãn rụng. Trong vườn của mẹ thể nào mấy cây ổi hiên nhà cũng ra sai quả, nào là ổi mỡ, nào là ổi đào, ổi Nhật. Mỗi một loại ổi mỗi mùi vị khác nhau. Nhớ ngày xưa lúc ông còn bé, mỗi buổi trưa mẹ đi làm đồng về, mẹ lại trèo lên cây hái ổi xuống cho ông ngồi gặm. Nghe như đâu đó tiếng nói ngây thơ thuở nhỏ:

-Sau này con lớn con sẽ trèo hái ổi cho mẹ ăn, mẹ nhé!
-Ừ! Mẹ chỉ cần mày lớn khôn thôi, chứ chẳng trông mong mày hái ổi trả ơn đâu con ạ.
Rồi những buổi trưa mẹ lôi mấy anh em ra giếng dưới gốc ổi tắm gội và bắt chấy, mấy anh em tranh nhau để mẹ dội nước, tiếng cười vang khắp xóm làng. Những lúc ấy mẹ bảo:

- Sau này chúng mày lớn lên, lấy chồng, lấy vợ rồi sinh con đẻ cái cứ mang về đây mẹ sẽ tắm gội cho.
- Thế sau này mẹ đừng chặt mấy cây ổi này đi mẹ nhé!
Mẹ buồn buồn nhìn lên tán ổi, mấy chú chim chào mào kéo nhau về làm tổ từ mùa trước đã bỏ đi mấy hôm rồi, chiếc tổ cũ qua một trận mưa đã rách tan rơi xuống thềm giếng nhìn trông tội nghiệp. Mẹ bảo:
- Các cây trong vườn đều của bố các con trồng đấy, sau này đứa nào còn ở mảnh đất này thì cũng cố mà giữ lại. Đất lành chim đậu, chẳng mấy chốc chim lại kéo về ríu rít khắp vườn.

Mấy anh em lại vừa tắm vừa nô nhau, thi thoảng có đứa lại thét lên vì bị mẹ cọ lưng mạnh quá. Những buổi trưa êm ả đã trôi qua cuộc đời ông như thế. Để bây giờ ông ngồi ước ao giá như mình đừng bao giờ lớn để đừng bao giờ làm tổn thương đến mẹ. Ông bỗng thèm biết bao cái cảm giác được ngồi ăn một bữa cơm rau muối cùng với mẹ và mấy anh em như lúc nhỏ. Ông cũng thèm được trở về với mái nhà tranh, được sà vào lòng mẹ để nghe mắng mỏ, dỗ dành như lúc nhỏ. Để đứa cháu tật nguyền, ngô nghê kia được vuốt ve bằng thứ tình yêu của ruột rà, bản quán.

Ông Hà đã nghĩ kỹ lắm rồi, đợi sang tuần sẽ đi quét vôi lại ngôi mộ của vợ rồi thắp nén nhang để hai cha con dắt nhau về quê quán. Đời người thế mà ngắn lắm, cứ nấn ná mãi sợ rằng đến lúc muốn về thì sức tàn lực kiệt lại chết ở quê người, làm ma quê người thì tội lắm. Ông định về quê trước hết là tạ lỗi với mẹ, với anh em rồi kiếm một mảnh đất cắm dùi để sống. Sau một vài năm khấm khá sẽ lên đưa vợ về quê an nghỉ, già nửa đời người phiêu bạt thế đã đủ rồi. Ông Hà ngồi chót vót trên đỉnh núi đá vôi nhìn xuống ngút ngàn xa xăm mà lòng buồn vời vợi. Bao nhiêu năm trời không một mẩu tin về mẹ, về các anh em trong gia đình, không biết mẹ có còn không, anh em thì ai vui, ai khổ… Nghĩ đến đây nước mắt ông ứa ra, cay xè hai khóe mắt. Càng gần đến ngày trở về quê, ông càng nóng ruột, cầu cho trời đừng mưa, sông đừng đầy, người đừng nằm xuống…

*


Bà con chòm xóm đến rất đông, đến để dặn dò, để hỏi han hai cha con ông Hà ngày mai xuống núi về xuôi. Thằng Hải dù đã gần hai mươi tuổi nhưng vẫn ngô nghê cười, thấy ai cho cái gì cũng cầm, ai dặn cái gì cũng gật. Mấy ông bà già trong làng đến chơi, lắc bàn tay teo tóp của nó hỏi:
- Thế cu Hải đi có quay lại đây thăm ông bà không?
Nó gật đầu, cứ “ờ…ờ...” cười như trẻ nhỏ.
Mấy cô chú lại trêu:

- Thế bao giờ Hải lấy vợ thì mời cô nhé.
Nó lại gật đầu, cười cười, hết chỉ lên trời lại chỉ xuống đất. Có mấy người quay đi lau nước mắt.
Sáng sớm ông Hà cõng con xuống núi để ra quốc lộ đón xe, mấy người ở xa gặp ông ai cũng hỏi:
- Thế cha con ông Hà đi đâu mà sớm thế?
Ông bảo:

- Tôi đi tìm quê tôi đây. Mọi người ở lại mạnh khỏe nhé, cha con tôi đi đây.
Họ lại bảo:

- Thế tưởng quê anh chẳng còn ai thân thích, bố mẹ anh em chết hết rồi cơ mà?
Ông cúi đầu, lặng lẽ cõng con đi về phía trước. Ông không muốn những người kia nhìn thấy ông đang khóc, họ vô tình đã chạm vào nỗi đau sâu thẳm trong cõi lòng người đàn ông khốn khổ, khốn nạn này. Xe chạy rất nhanh, con đường bỏ lại phía sau bao ánh mắt nhìn ái ngại, thằng bé cứ nhìn ra cửa xe chỉ chỏ, đấy là chuyến đi đầu tiên trong cuộc đời tật nguyền của nó. Chuyến đi để đưa cha nó trở về.

*


Bà Hạnh lại tha thẩn ngoài vườn. Tuổi già không sợ gì bằng cô độc, bà mang nặng đẻ đau ba đứa con, vất vả nuôi chúng khôn lớn. Vậy mà… Đến lúc già chẳng có đứa nào ngó dòm đến cái thân già này cả. Thằng cả thì ngay gần nhà nhưng rượu chè, say xỉn suốt ngày, làm quanh năm vẫn không đủ ăn, con cái lớn tướng rồi mà nhà cửa rách nát vẫn chưa làm được. Bà cũng đâu cần vật chất, bây giờ tiền trợ cấp mỗi tháng bà cũng đủ dưỡng già, bà chỉ thèm tiếng con cháu vui đùa bên cạnh cho vui cửa, vui nhà, có khi bà lại sống được lâu. Tội một cái, đứa con dâu cả trái tính trái nết chẳng coi mẹ chồng ra gì cả, suốt ngày chỉ bới móc chuyện con gà con qué ra mà chửi. Nhiều lúc bà ngồi một mình một nồi cơm, nghe con cháu chửi mình mà nghẹn đắng không nuốt nổi. Nhiều lúc tủi thân bà khóc, người ta bảo:
- Làm sao mà bà phải khóc?
Bà lại cười, bảo:

- Khổ! Mình già rồi, mình là cái gai trong mắt con cháu, phải chăng trời cho chết quách đi chứ sống làm gì cho khổ.
Người ta lại bảo:

- Bà còn phải sống mà đợi thằng hai về chứ.
Bà “ờ” cho qua chuyện mà nước mắt lại trào ra. Thằng cả, thằng hai, con út, chúng nó đều không đứa nào thương bà cả. Con út mấy năm rồi chẳng về, thi thoảng lại nhắn người này, người kia hỏi thăm bà như hỏi thăm một người họ hàng xa tít tắp. Bây giờ con cái cũng lớn rồi, thế mà cả con lẫn cháu chẳng ngược một chuyến tàu lên thăm quê, thăm mẹ. Thằng hai đi biền biệt bấy nhiêu năm biết còn hay mất… Cái thằng bất cần, ngỗ ngược ngày xưa từng được bà bế ẵm, thương yêu nhiều nhất, trông chờ nhiều nhất. Bà nhìn lên ngọn ổi, quả đã bắt đầu chín đỏ rồi rụng xuống. Nhà không có con cháu ăn, vườn quả như cũng buồn rười rượi. Bà lấy vạt áo chấm mắt, bà chửi:

- Cha bố nhà nó, thế mà ngày xưa chưa gì nó đã bảo sau này nó trèo hái ổi cho tôi ăn đây. Giờ sắp xuống hố rồi vẫn chẳng thấy mặt con, mặt cháu. Chúng nó đợi bà chết rồi chúng nó mới dẫn nhau về đây. Bà chết đi mà còn chân còn tay, đứa nào về bà đuổi hết, bà không thèm nhìn mặt bất cứ đứa nào, cả trai cả gái. Chúng nó đợi bà chết nó về ăn mừng chắc, lúc bà sống sờ sờ thì chẳng đứa nào thèm ngó dòm gì đến.
Bà ngồi nghĩ ngợi lung tung thế mà đã hết một buổi chiều, tiếng chuông chùa vẳng xa xa gợi một nỗi buồn man mác. Bên kia hàng rào, đứa con dâu lại đang xơi xơi chửi bâng quơ:

- Con gà vừa chiều còn thấy ăn đây mà giờ này đã chẳng thấy đâu rồi. Cứ thoáng cái là mất trộm. Nhục ơi là nhục.
Bà Hạnh thở dài, mở cửa mò mẫm bước vào nhà, định tìm cái đèn dầu châm lên để thắp hương cho ông nhưng bà thấy trong người hơi mệt, mà trận ốm lần trước hình như vẫn còn váng vất. Từ chiều bà đã thấy trong người khó ở, bà không bật điện, đã lâu bà hay ngồi một mình trong bóng tối. Bà lần mò lại bên chiếc giường mọt đã đục ruỗng một chân mà hồi chiều bà mới kê tạm mấy hòn gạch vào để chống đỡ. Bà nằm xuống, duỗi tóc ra rồi nhắm mắt, bà định nằm một lúc rồi dậy thắp hương cho ông cho đỡ lạnh ban thờ.

 Nhưng bà lại nhắm mắt vào chính cái lúc trận gió ngoài vườn thổi một luồng mạnh làm cây ổi chín cựa mình rụng hàng loạt xuống vườn. Tiếng rụng lộp bộp như những hạt mưa cuối hạ rớt xuống tàu lá chuối một nỗi buồn mang mang, ầng ậc nước. Bà Hạnh sẽ chẳng bao giờ còn nghe thấy tiếng người con dâu cả vẫn chửi the thé ngoài hàng rào trồng loài dứa dại. Loài dứa sắc nhọn, cứa vào thịt da người đau lắm. Bà cũng không thể biết rằng thằng hai của bà đang trở về để tạ lỗi với bà, chỉ còn một đêm nữa thôi khi sáng mai thức dậy, bà sẽ được gặp con, gặp cháu. Nhưng đã cuối mùa quả chín mất rồi, sau trận gió bất chợt đêm qua, sáng nay quả đã rụng vàng dưới đất… Tiếng ai đó ngân vang vu vơ trong gió:

“Mẹ già như chuối chín cây…ớ…ơ
Gió lay mẹ rụng…”


VŨ THỊ HUYỀN TRANG



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa quả chín