Cúc được trồng nhiều cũng có thể cho việc nhân giống chúng dễ dàng, trồng không khó mà lại mau cho thu hoạch. Ai đã trồng thử một lần là rất khó bỏ.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới tết. Lúc này, nếu bạn đến thăm các vùng hoa lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lâm Đồng... mới thấy các vùng trồng hoa cúc chiếm một diện tích rất lớn. Nhiều nơi, cúc lấn át cả hoa hồng.
Bây giờ trông khá đồng đều nhưng tới khi hoa nở ta mới thấy, nó rất đa dạng. Trong phân loại thực vật, người ta đã nêu rõ, bộ cúc và bộ lan là 2 bộ có số loài đông nhất. Còn bằng mắt thường, ta cũng dễ dàng nhận ra vô vàn loài cúc: Từ cúc đại đóa (với các loại hoa đơn, hoa kép và đủ màu vàng, trắng, đỏ, da cam, nghệ, vàng chanh, tím đỏ...), cúc tổ ong, cúc vạn thọ, cúc cánh mai, cúc cánh quỳ, cúc có muỗng, cúc không có muỗng, cúc trắng Nhật Bản, cúc vàng Đài Loan, cúc mâm xôi Malaysia, cúc tím Hà Lan, cúc đỏ tiết dê, cúc chi, cúc gấm, cúc họa mi v.v...
Cúc được trồng nhiều cũng có thể cho việc nhân giống chúng dễ dàng, trồng không khó mà lại mau cho thu hoạch. Ai đã trồng thử một lần là rất khó bỏ. Thường thì diện tích năm sau cao hơn năm trước.
Cúc là cây thân thảo, có rễ chùm mọc bò trên tầng đất mặt là chính. Rễ chúng ăn nông (5-20cm) nhưng số lượng rễ rất lớn. Thân chúng yếu, đốt rỗng nên dễ gẫy hoặc đổ. Cúc rất mẫn cảm với các điều kiện khí hậu, đặc biệt là nhiệt độ. Nhiệt độ khống chế sự sinh trưởng, phát triển và cả sự ra hoa và chất lượng của hoa nữa. Đa số các giống cúc ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ tối thích từ 15-200C. Tuy nhiên, cũng có những giống chịu nhiệt có khả năng thích ứng với nhiệt độ từ 30-350C. Tùy từng loại mà ta chọn mùa để trồng.
Điều kiện chiếu sáng cũng rất quan trọng. Ánh sáng giúp cây quang hợp để tạo nên chất hữu cơ xây dựng nên cơ thể. Nó còn có tác dụng quyết định tới sự phân hóa chồi hoa và sự nở hoa.
Chúng ta đều biết, cúc là loại cây ngày ngắn. Cây ngày ngắn tức là có đêm dài. Chu kỳ ánh sáng ở giai đoạn: Ngày ngắn, đêm dài; ngày ngắn, đêm dài... thì sẽ làm cho các cây ưa “ngày ngắn” sẽ phân hoá được chồi hoa để nở hoa. Nếu nó lại lọt vào giai đoạn “đêm ngắn” thì cây không ra hoa được.
Dựa vào đặc tính này, người ta đã thắp đèn vào giữa đêm để “cắt” đêm dài thành 2 đêm ngắn. Bằng cách này, ta có thể hãm cúc tới sát tết mới cho nở. Mặt khác, cho cây ra hoa muộn, nó sẽ có thời gian tích luỹ chất hữu cơ nhiều hơn, hoa sẽ to và đẹp hơn.
Thân cây cúc mềm, mọng nước nên đòi hỏi độ ẩm khá cao. Nó chịu hạn kém nhưng lại rất sợ úng. Nên làm luống cao để thoát nước dễ.
Cúc cần đất tơi xốp, nhiều mùn và một chế độ chăm bón chu đáo. Phải chuẩn bị đủ phân hữu cơ được ủ với toàn bộ phân lân từ trước. Phân phải thật hoai mục, dễ tiêu. Ngoài ra, phải tăng cường thêm phân vô cơ và phân vi lượng.
Ta nhân giống cúc bằng giâm cành là đơn giản nhất. Chỉ từ 6-7 ngày là cành giâm đã bật rễ. Phải chuẩn bị vườn giống để lấy cành. Cứ 12-15 ngày, ta bấm ngọn 1 lần để cây tạo ra nhiều nhánh mới. Một cây có thể cho ta từ 50-70 mầm hoặc cao hơn nữa. Ta dùng các chất kích thích ra rễ (như IAA, IBA, NAA) để kích thích cành giâm ra rễ.
Ai chưa trồng cúc, mùa này hãy thử làm. Làm rồi mới thấy, trồng cúc dễ ăn lắm!
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng