Chợt sững sờ trước một góc trời đỏ rực, ai đó thốt lên : “Hoa gạo kìa!”. Tôi say mê ngắm những bông gạo rực rỡ, kết thành chùm như đốm lửa căng đầy nhiệt huyết, mãnh liệt tình yêu với sông núi, trời đất, cỏ cây. Cánh hoa đầy đặn tươi thắm xen với những lộc non như điều gì hứa hẹn. Giật mình nhớ lại tuổi thơ đầu trần chân đất, tôi đùa vui dưới những bóng cây hiên ngang, có màu hoa như đốt cháy một góc trời.
Hồi bé, tôi vẫn thường phân vân tự hỏi tại sao những bông hoa rực rỡ của loài cây cao vút, hiên ngang đó lại có cái tên bình dị đến thế - hoa gạo. Dù lớn lên, tôi biết nó còn có những cách gọi khác nghe thật mỹ miều như hoa Mộc Miên, Pơ lang - những cái tên mà mới chỉ nghe thôi cũng đủ liên tưởng đến những áng văn thơ, những lời hát say đắm lòng người. Nhưng quả thật, cái tên hoa gạo thật giản dị, hồn hậu như tấm lòng người dân quê chất phác, đã gắn liền với tuổi thơ đầy kỷ niệm của tôi cũng như biết bao đứa trẻ lớn lên từ đồng quê.
Hoa gạo bắt đầu nở vào tháng hai âm lịch, khi cái lạnh cuối mùa vẫn còn rơi rớt lại. Trong lúc cả đất trời là một màn mưa xuân ảm đạm, không gian u ám, muôn ngàn hoa cỏ sũng nước thì những bông gạo bừng nở trên thân cây cao vút như tín hiệu báo trước một mùa hè ấm áp sắp ùa về. Từng chùm hoa gạo lưng chừng trời bừng sáng không gian xung quanh bằng ánh lửa ấm áp lung linh đầy sức sống. Những ngọn đèn trời hoa gạo kéo theo biết bao là chim, sáo đá, chào mào, chim sẻ… chúng ríu rít trên những cây gạo già cao nhất vào sáng sớm và chiều tối. Chúng rộn rã gọi bầy trên những chùm hoa còn vương hơi sương vào buổi sáng sớm, vào lúc bình minh. Với trẻ con chúng tôi ngày ấy, mùa hoa gạo nở là mùa được chúng tôi yêu thích nhất. Con trai thì tha hồ bẫy sáo đá, chào mào, đứa nào cũng chuẩn bị đan lồng nhốt chim. Còn con gái thì say mê với trò chơi đồ hàng ngộ nghĩnh, với đám cưới mà bọn trẻ con tưởng tượng: vòng hoa gạo trên đầu là mũ cô dâu, vòng hoa gạo trên cổ là trang sức, những mâm cỗ tượng trưng ngọt ngào cũng toàn là hoa gạo. Hoa gạo không chỉ chơi được, với chúng tôi, hoa gạo còn là một thứ “cao lương mỹ vị”. Cánh hoa gạo ăn ngọt và giòn. Chúng tôi thường tranh nhau những cánh hoa mới rụng, còn chưa bị dập nát để được thưởng thức cái vị ngọt ngào thanh thanh dễ chịu ấy. Đứng dưới gốc gạo, ngẩng đầu ngóng những bông gạo rụng là một cảm giác rất thú vị. Dù mỏi cổ nhưng được nhìn thấy những bông gạo xoay tít như chiếc đèn lồng đang xoay tròn trong gió là một cảm giác thật tuyệt vời.
Đối với trẻ con quê tôi, cây gạo còn là một thế giới linh thiêng bí ẩn qua bao câu chuyện xa xưa của mẹ, của bà về những con ma thần bí thường quanh quất bên gốc gạo già. Mẹ tôi bảo người xưa cho rằng, vì gốc của những cây gạo cổ thụ xù xì có nhiều u cục, hang hốc nên cây gạo là nơi trú ngụ của những hồn ma. Thân cây gạo lại thẳng và có nhiều mấu trông lớp lớp như những bậc thang, hồn ma có thể trèo lên những tầng cao mà hoà mình vào vũ trụ. Rất nhiều cây gạo được trồng ở chùa và những nơi linh thiêng, để các cô hồn lang thang được nương tựa bóng của thần, Phật mà mong siêu thoát. Vì thế, người ta thường hay thắp hương ở những gốc gạo, thế mới có câu “thần cây đa, ma cây gạo”. Trẻ con làng tôi hồi bé, nếu khóc hay vòi vĩnh, chỉ cần mẹ đem “ma cây gạo” ra doạ là đứa nào đứa nấy nín ngay, lòng thấp thỏm nỗi sợ hãi vô hình. Lớn lên một chút, không phải dùng “ma cây gạo” để doạ tôi nữa, mẹ giảng giải cho tôi hiểu ý nghĩa của cái tên cây gạo. Theo tư duy liên tưởng của dân gian, gạo gợi đến sự no đủ, hoa gạo rụng xuống, kết quả, thành những chùm bông trắng tinh, mềm mại dùng để may chăn gối, tượng trưng cho sự êm ấm. No đủ và êm ấm là điều mong ước giản dị, là niềm an ủi dịu dàng, sưởi ấm những nhọc nhằn đeo bám suốt cuộc đời của người nông dân thôn quê chất phác.
Cây gạo đã gắn liền với tuổi thơ tôi như thế. Những trò chơi trẻ con nghịch ngợm, vui vẻ bên bạn bè, những lúc mơ mộng cùng trí tưởng tượng bay xa, bay cao mãi với chiếc đèn lồng lung linh lưng chừng trời, những đốm lửa sưởi ấm cả không gian là những ký ức lấp lánh theo tôi suốt cuộc đời. Để khi nhớ lại, thấy ta gắn bó với bạn bè, gia đình, với cội nguồn đến lạ kỳ...
Tản bút của VIỆT QUỲNH