Mua hộ hàng (order) được khá nhiều người lựa chọn bởi hình thức kinh doanh này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, trong khi không cần bỏ vốn, không cần "ôm" hàng.
Cả người bán, người mua được lợi
Phương thức order là người bán làm trung gian đăng tải các hình ảnh của sản phẩm trên mạng xã hội để khách đặt và hẹn thời gian trả hàng cho khách mà không phải lo về vốn, tiền thuê mặt bằng. Việc order hàng phù hợp với rất nhiều người, từ sinh viên, nhân viên văn phòng đến người nội trợ. Chỉ cần có máy tính, điện thoại thông minh, có các tài khoản mạng xã hội, có thời gian online liên tục là có thể kinh doanh theo hình thức này.
Việc order hàng cũng rất phong phú, có những người chỉ nhận order lại của các kho, đầu sỉ trong nước. Có những người sử dụng tài khoản thanh toán quốc tế hoặc có tài khoản của nước ngoài, biết ngoại ngữ thì nhận order các mặt hàng trực tiếp từ các nhãn hàng nổi tiếng của Thái Lan, Nhật Bản, Anh, Đức, Mỹ… với đa dạng các mặt hàng, từ hàng gia dụng đến đồ điện tử, điện lạnh, thuốc, thực phẩm chức năng, bỉm, sữa trẻ em… Nhưng các mặt hàng được lựa chọn order nhiều nhất là quần áo, giày dép, túi xách và mỹ phẩm.
Chị Trần Thùy Trang đang làm nhân viên chăm sóc khách hàng cho một công ty may ở TP Hải Dương nhưng vẫn kinh doanh thêm theo hình thức order. "Tôi rất thích kinh doanh nhưng không có vốn lại lo hàng tồn nên tôi chọn kinh doanh order. Tôi không kinh doanh một mặt hàng nào cụ thể mà bán rất nhiều loại, từ quần áo, phụ kiện thời trang nam, nữ, trẻ em đến sữa, sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Mỗi tháng, tôi cũng thu nhập thêm được vài triệu đồng".
Chị Nguyễn Nhung ở xã Hiệp Sơn (Kinh Môn) ở nhà làm nội trợ nhưng cũng kinh doanh order để tăng thêm thu nhập. "Tôi chủ yếu nhận order quần áo trẻ em. Người bán như chúng tôi không phải mất vốn, không có các chi phí kinh doanh phát sinh, còn người mua thì được mua hàng rẻ hơn".
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Mua hộ hàng tuy mang lại thu nhập cao cho người bán nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. "Lựa chọn hình thức kinh doanh này, nhiều khi chúng tôi rơi vào thế bị động do không chủ động được nguồn hàng. Có khi khách đặt nhưng nhà cung cấp hết hàng. Với khách mua hàng lần đầu, tôi yêu cầu họ đặt cọc nhưng rồi lại không có hàng trả sẽ mất uy tín", chị Đặng Thị Lý, một người bán hàng order ở xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) nói.
Một rủi ro nữa những người bán hàng order hay gặp phải đó là hàng nhập về không đúng màu sắc, kích cỡ, chất lượng không bảo đảm. Chị Lý cho biết có một lần, chị oreder cho khách gần 20 bộ đồ thể thao mặc ở nhà với giá trị trên 3 triệu đồng. Nhưng hàng về xấu, chất vải mỏng, xù, đường may không cẩn thận. Để giữ uy tín với khách, chị không dám trả số hàng đó. "Đến nay, số hàng đó vẫn đang nằm yên trong góc nhà tôi, không thanh lý đi được", chị Lý cho biết.
Khách đặt hàng nhưng không lấy, nợ tiền hàng lâu cũng là những rủi ro mà những người bán hàng order thường gặp. "Có những khách đặt liền lúc tiền hàng lên đến vài triệu đồng nhưng khi hàng về gọi đến cháy máy mà họ không nghe máy, thậm chí chặn luôn số điện thoại, Facebook, Zalo. Khi đó chẳng biết kêu ai vì họ mua một vài lần nên tin tưởng, không yêu cầu đặt cọc", chị Phạm Thị Miến, chuyên nhận order hàng xách tay từ Đức tâm sự. Nhiều người bán hàng order cho biết rất hay gặp tình trạng khách mua hàng xong nợ kéo dài.
HOÀNG NGÂN