Mùa này là mùa đốt đồng ở quê tôi. Sau vụ mùa, ruộng đất bỏ không chờ đến giáp Tết Nguyên đán gieo trồng vụ mới. Những con trâu phàm ăn nhất cũng không gặm rạ khô mà đi tìm bờ cỏ. Lúc này các mẹ, các chị mới bỏ công đi cắt rạ, thu về thành từng đống rồi châm lửa đốt lấy tro. Mùi rơm cháy thơm ngái lan cả cánh đồng, lũ trẻ trâu chúng tôi nằm ngửa cổ trên bờ cỏ, mắt lim dim, hít hà hương đốt đồng còn nồng cả mùi bùn đất. Dưới lưng tôi, cỏ non cũng tỏa ra mùi ngọt lịm. Đàn én đã về đúng hẹn, mẹ tôi bảo: "Mùa xuân đã sắp về".
Mùa đốt đồng quê tôi vui lắm, trẻ con thường lấy khoai sắn đi vùi vào đống rạ nướng thơm lừng. Những cái miệng hí háu ngặm củ sắn cháy đen sì, thi thoảng lại sụt sịt mũi, nhìn nhau cười hềnh hệch, mặt mũi đứa nào cũng đen thui, để đến đêm về trong giấc mơ vẫn còn thơm mùi lùi lụt đồng chiều. Ngày ấy, ước mơ của chúng tôi chỉ đơn giản là sáng được cắp sách đến trường, chiều về lùa trâu ra đồng, cười vang hạnh phúc.
Trò chơi của lũ trẻ chăn trâu ngày ấy là que mốt que mai, ô quan ô phạch đối với con gái, là trốn tìm, trận giả đối với con trai. Dù giữa cánh đồng mênh mông nhưng chúng tôi vẫn có những trận trốn tìm đầy hào hứng. Đứa nấp vào bụng con trâu, đứa nằm ép xuống bờ ruộng, đứa nhanh chân chạy tìm gò đất. Lũ trâu cứ thong thả gặm cỏ cả chiều, thi thoảng lại dừng ăn, nghểnh cổ gọi đàn, còn chủ nhân chúng chơi chán lại lăn ra ngủ. Nhất là khi tiếng sáo diều cứ vi vu, vang vọng mãi.
Nhiều lúc, tôi cứ mải mê nằm cả buổi chiều trên bờ ruộng chỉ để theo dõi những đám mây bay ngang cánh đồng. Rồi thỏa sức tưởng tượng ra đủ các hình thù. Có đám mây hình cô tiên dịu dàng đang đi hái đào trên thiên đàng, nào thì hình Bồ tát trong phim Tây du ký đang cầm cành trúc và lọ nước thần. Cũng có khi tôi nhìn thấy những cỗ xe mây được đàn tuần lộc kéo. Thằng Tùng bảo rằng cỗ xe của ông già Noel, con Hà chu mỏ lên cãi " cỗ xe chở bà tiên, ông bụt trong truyện cổ tích chứ. Đã không biết lại còn...". Một buổi chiều nào đó trong chuỗi ký ức tuổi thơ mình, tôi nhớ đã có lần tôi thấy một đám mây mang hình khuôn mặt mình, như thể là tôi đang soi gương vậy. Thế nên bầu trời luôn là một thế giới đầy huyền bí, nó lôi cuốn tôi, khơi gợi trí tò mò trong tôi và cũng chính nó đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi suốt những tháng năm thơ ấu.
Nhìn đàn én bay, tôi hay nghĩ đến những con chim ngói bị đánh bẫy chỉ vài tháng trước. Tôi thương lũ chim khờ dại chỉ vì nghe tiếng kêu than, nhìn thấy cánh đồng loại vẫy dụ dỗ thì bay xuống để thành món nhậu cho những nhà giàu. Tôi nhớ như in rằng, chỉ qua mấy mùa đông là người ta không còn thấy con chim ngói nào về nữa. Có thể bầy đàn chúng cũng đã chết hết trên một cánh đồng nào đó, với những đôi mắt chỉ chực chờ những con chim tội nghiệp sa vào bẫy. Tôi đã bị ám ảnh cái vẫy cánh cầu cứu trong tuyệt vọng của lũ chim ngói vừa sa bẫy. Anh thợ bẫy chim vứt điếu thuốc lá đang hút dở, miệng cười khà khà bảo "hên rồi, hôm nay lại có chiến lợi phẩm mang về". Rồi họ bẻ cánh lũ chim, nhốt trong một cái lồng chật chội, chỉ đủ để chúng nhìn thấy ánh mặt trời đang dần lui vào chân núi. Những con chim ngói đã được người bẫy chim xách đi rồi mà lòng tôi còn ngơ ngẩn mãi cho đến tận bây giờ dù đã mười mấy năm trời. Cái câu "đất lành chim đậu" của ông cha ta sao mà thấm thía...
Rất may là người ta không nghĩ đến việc bẫy én hay vì loài chim này rất tinh nhanh không biết nữa. Chỉ biết rằng cứ đến mùa én về là cả cánh đồng như vui nhộn hẳn lên, chúng tôi cất cao lời hát, mấy cái áo quăn tít vạt tung bay trong gió đồng. Tôi lại nằm ngửa mặt lên trời, trời trong xanh đến lạ. Những đám mây bã bừa báo hiệu ngày mai sẽ nắng to. Tuy không còn thấy cỗ xe mây nữa nhưng lòng lũ trẻ chúng tôi cứ lâng lâng như thể đang lướt mây một chuyến. Nhà ai lại đốt đồng, mùi rơm rạ lại tan vào từng hơi thở. Nhớ lắm! Thương lắm quê hương tuổi thơ tôi.
Tản văn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG