Mùa đông luyến nhớ

02/01/2022 14:23

"Bây giờ đang cuối mùa đông" của Nguyễn Quang Thiều, cảm giác trong tôi dễ ngân lên cùng ông những tơ đàn đồng điệu.

Bây giờ đang cuối mùa đông

Bây giờ đang cuối mùa đông
Làng bao cô gái lấy chồng đi xa
Chút chiều hoe nắng ngõ nhà
Tôi đi, tôi đứng để mà vu vơ

Bây giờ lấm tấm lộc mơ
Lưa thưa lộc khế, lơ thơ lộc đào
Tình tôi có chút lộc nào
Nảy xanh qua tiếng thét gào bão mưa

Bây giờ cải đã thành dưa
Làng bao cô gái cũng vừa lớn lên
Ra đường gặp tiếng xưng em
Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau

Thế rồi ngày tháng qua mau
Lại nghe pháo nổ ở sau ngõ mình
Chồng em có ở xóm đình
Để tôi tránh lối rập rình đón dâu

Bây giờ chưa biếc ngàn dâu
Cho con tằm nhả tơ màu nắng sông
Thế rồi lại đến cuối đông
Làng bao cô gái lấy chồng, còn tôi...

NGUYỄN QUANG THIỀU

Người ta thường nói thơ lục bát dễ làm, nhưng để có được bài hay thật khó. Một bài thơ lục bát trụ được với thời gian, theo tôi phải vừa có một tứ thơ vững chãi, đồng thời bản thân nó phải kết đọng được hồn vía đặc thù của thể thơ lục bát dân tộc, xét về mặt hình thức. Đọc nhiều lần "Bây giờ đang cuối mùa đông" của Nguyễn Quang Thiều, cảm giác trong tôi dễ ngân lên cùng ông những tơ đàn đồng điệu, đó là nỗi niềm tiếc nuối, bâng khuâng vào mùa đông - mùa cưới khi tiễn đưa bao người con gái đi lấy chồng để tìm về bến bờ hạnh phúc lứa đôi.

Bài thơ có được một tứ thơ đặc sắc dễ đánh động vào tâm hồn con người qua nhiều thế hệ, nhất là những chàng trai vừa mới bước vào đời, đang căng tràn khao khát yêu đương. Mùa đông về cũng là mùa bắt đầu của đôi lứa hẹn hò nhau, dự báo cho một mùa cưới bắt đầu. Có lẽ bắt gặp được chính cảm xúc rất thực của lòng mình, Nguyễn Quang Thiều đã dễ dàng gieo những câu thơ thật tự nhiên mà thấm thía, chân tình và cũng đầy dự cảm về nỗi bất trắc, hẩm hiu: "Bây giờ đang cuối mùa đông/Làng bao cô gái lấy chồng đi xa".

Cái cảnh các cô gái theo chồng để lại cửa nhà buồn hiu nơi xóm vắng sao cám cảnh và não lòng đến thế. Xưa Nguyễn Bính cũng có những câu thơ thật tài hoa về "cái ngày cô đi lấy chồng" khiến cho nắng chiều đầy cả ba gian nhà trống. Với Nguyễn Quang Thiều, cảnh tượng buồn thương ấy tuy chỉ điểm xuyết mà vẫn nghe nhói buốt một nỗi niềm trắc ẩn: "Chút chiều hoe nắng ngõ nhà/Tôi đi, tôi đứng để mà vu vơ".

Hai câu thơ đơn thuần chỉ miêu tả, song lại chứa đựng nhiều dư vị buồn lãng mạn. Nắng chiều hoe vàng ngõ nhỏ đúng cái ngày cô gái đi lấy chồng, riêng nhân vật trữ tình xưng tôi vẫn đi đứng đó thôi nhưng lại hết sức vẩn vơ như người mất trí.

Nếu khổ thơ đầu là một hiện thực được miêu tả không hề dụng công nên các câu thơ cũng đến tự nhiên thì đến khổ thơ thứ hai lại là một dụng ý nghệ thuật. Các từ láy "lấm tấm", "lưa thưa", "lơ thơ" kết hợp trong các câu thơ cứ xoắn xuýt lẫn nhau thật tài tình và rất gợi cảm. Niềm hy vọng dù còn rất mong manh về chút lộc duyên của chàng trai liệu rằng có nảy xanh sau ngàn mưa bão khi mùa đông kết thúc và xuân biếc sẽ về? Theo tôi đây là khổ thơ hay nhất, giàu hình tượng nhất và cũng nói đúng tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ này: "Bây giờ lấm tấm lộc mơ/Lưa thưa lộc khế, lơ thơ lộc đào/Tình tôi có chút lộc nào/Nảy xanh qua tiếng thét gào bão mưa".

Hy vọng bao nhiêu để rồi càng nhận thêm nỗi thất vọng. Hết lớp này đến lớp khác, các cô gái lớn lên rồi lặng lẽ theo chồng không một lời giã biệt. Ra đường gặp nhau, thoắt chào đó rồi chia phôi đó, để đêm đêm nhân vật xưng tôi với ngọn đèn lẻ loi, côi cút. "Thế rồi ngày tháng qua mau" như một quy luật khắc nghiệt của thời gian, tiếng pháo lại nổ vang ở sau ngõ nhà của chàng trai khiến cho lòng chàng càng thêm xót xa: "Thế rồi ngày tháng qua mau/Lại nghe pháo nổ ở sau ngõ mình/Chồng em có ở xóm đình/Để tôi tránh lối rập rình đón dâu".

Nghệ thuật bài thơ độc đáo nhờ ở phép lặp cấu trúc. Bài thơ có năm khổ thì có đến bốn khổ mở đầu với từ chỉ thời gian hiện tại "Bây giờ..." vừa gợi mở hiện thực phũ phàng, vừa gieo lại niềm hy vọng mong manh, nhưng rồi niềm hy vọng ấy sớm lụi tắt để lại bao nhiêu niềm luyến tiếc không nguôi qua cặp từ tương phản "Thế rồi..." đầy xót xa. Cái dấu chấm lửng treo ở cuối bài thơ như một sự thật nghiệt ngã khi tất cả những mơ ước vừa nhen nhóm lên đã vội tắt theo mùa: "Thế rồi lại đến cuối đông/Làng bao cô gái lấy chồng, còn tôi...".

Bài thơ mang nhiều âm hưởng ca dao dân tộc, nhưng cách biểu cảm và chuyển tải nội dung của tứ thơ lại rất cá tính Nguyễn Quang Thiều. Hình thức thơ ông bây giờ mới hơn, độc đáo hơn nhiều so với ba mươi năm trước khi viết bài thơ này. Bởi lẽ, trong mỗi chúng ta, hình ảnh "làng bao cô gái lấy chồng đi xa" vẫn ám ảnh như một nỗi buồn thi vị, cho nên nhắc đến Nguyễn Quang Thiều không thể quên "Bây giờ đang cuối mùa đông" đượm buồn và lãng mạn.    

 LÊ THÀNH VĂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa đông luyến nhớ