4 giờ sáng, trong khi hầu hết các gia đình vẫn đang say giấc, thì nhiều hộ dân ở các thôn An Lao, An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ) đã í ới gọi nhau dậy chuẩn bị đi đặt bẫy bắt cáy...
Người dân An Thanh dùng chai nhựa làm bẫy bắt cáy rất hiệu quả
Chiêu mới dụ cáy 4 giờ sáng một ngày đầu tháng 6, các ngôi nhà tạm để trông coi bờ vùng của người dân thôn An Định ở ngoài bãi sông Thái Bình đã rực sáng ánh đèn điện. Đứng trên đê, tôi cảm nhận rõ trong làn gió mát dịu có mùi thơm của cám gạo rang. Sau cuộc điện thoại, tôi được chị Phạm Thị Mến - một người mà tôi đã liên hệ từ trước ra đón.
- Chú em xuống đúng lúc đấy, anh chị đang chuẩn bị đi đặt bẫy đây - chị Mến cất lời.
- Ngày nào anh chị cũng dậy sớm để làm công việc này à? - tôi hỏi.
- Không. Mùa khai thác cáy thường chỉ diễn ra từ tháng 3 đến khoảng tháng 8 âm lịch hằng năm thôi. Sau đó, bọn chị chuyển sang khai thác con rươi. Trời tạnh ráo thì làm, mưa thì nghỉ. Đặt bẫy bắt cáy cũng rất đơn giản.
Đúng như lời chị Mến, việc làm bẫy để bắt cáy rất dễ dàng. Chị cũng như bà con ở đây chỉ việc xin các loại chai nhựa cũ mang về cắt bỏ phần miệng. 4 - 5 giờ sáng họ dậy rang cám gạo. Đợi cám nguội rồi cho vào đó 1 - 2 đầu đũa mắm tôm, một chút nước và nguấy đều để làm bả. Dùng chiếc đũa có gắn bông ở đầu quết bả vào bên trong chai nhựa (cách miệng chai khoảng hơn 1 đốt tay). Đến đây chỉ việc mang các chai nhựa ra đặt ở bờ ruộng. Cáy rất thích ăn thứ bả này, chỉ cần ngửi thấy mùi thơm là chúng sẽ bò ra khỏi lỗ. Trong lúc bò lên miệng chai để ăn mồi, con cáy sẽ bị trượt chân nằm gọn trong chai và không thể nào ra được. Bà con chỉ việc ra đổ cáy vào xô, chậu.
"Vào mùa thu hoạch, bình quân mỗi tháng các hộ dân như chúng tôi cũng thu được 5 - 10 triệu đồng từ con cáy." |
|
5 giờ sáng, vợ chồng chị Mến mỗi người vác 2 bao tải đựng chai nhựa đã quết bả bắt đầu đi đặt bẫy ngoài bờ ruộng chi chít lỗ cáy. Chị Mến tiết lộ bí quyết đặt bẫy: Nếu để chai theo chiều dựng đứng cáy sẽ sợ không dám vào ăn mồi, còn đặt chai nằm thì cáy vào ăn xong sẽ bò được ra. Do đó phải đặt chai nhựa xoải theo chiều bờ, cách nhau 50 - 60 cm và cần tránh hướng ánh nắng để cáy không bị chết. Những ngày nắng, cáy thường đi kiếm ăn sớm nên khoảng 5 giờ sáng đã có thể đặt bẫy, còn hôm nào mát trời sẽ đặt muộn hơn khoảng 1 giờ. Riêng tháng 7 âm lịch có gió heo may sẽ đặt bẫy vào buổi chiều thay vì buổi sáng. Có hộ ngày nào cũng đặt bẫy nhưng nhà chị Mến cứ 2 - 3 ngày mới đặt một lần để thu được nhiều cáy to.
Sau chưa đầy nửa giờ, vợ chồng chị Mến đã đặt xong hàng trăm chiếc chai nhựa xung quanh khu ruộng rộng 2,7 mẫu. Tôi cùng vợ chồng chị về nghỉ ngơi, ăn sáng và ngồi uống nước đợi đến thời điểm đi đổ cáy. Đúng 2 giờ sau, chúng tôi quay trở lại khu ruộng. Lúc này, những chú cáy với đủ kích cỡ đang bò lạo xạo trong các chai nhựa. Cũng chỉ mất đúng nửa giờ, vợ chồng chị đã thu hết mẻ cáy. Chị Mến cho cáy vào túi lưới mắt to mang ra dội nước rửa sạch. Vừa lúc đó đã có một lái buôn đến mua. Hôm nay, nhà chị thu được hơn 6 kg, bán giá 90.000 đồng/kg. Chị Mến tươi cười nói: “Đấy chú xem, việc khai thác cáy bây giờ nhàn lắm. Trước đây chưa nghĩ ra cách này, chị và bà con ở đây chỉ biết bắt cáy bằng cách mang thuổng đi đào lỗ hoặc dùng mồi như ốc, tép, giun… để câu. Những cách này không những mất thời gian, hiệu quả thấp mà bờ vùng còn bị tan hoang”.
Đổi đời nhờ con rươi, con cáy
Thành quả sau một buổi bẫy cáy
Ngày trước, khi cua đồng, tôm, tép còn nhiều trong tự nhiên, người dân có nhiều lựa chọn. Do đó, người dân An Thanh chủ yếu bắt cáy phục vụ bữa ăn gia đình, làm mắm và đem bán ở các chợ lân cận với giá rẻ chỉ bằng 2/3 con cua. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi môi trường nước ngày càng ô nhiễm, cua đồng, tôm, tép trở nên khan hiếm, người tiêu dùng lại thích ăn cáy hơn. Bởi con cáy “lành”, lại chế biến được nhiều món ngon như nấu canh rau đay, mùng tơi, bánh đa, rang muối, làm mắm…
Chị Phạm Thị Lan ở thôn An Định cho biết người dân địa phương gần đây đã quan tâm làm lại bờ vùng, cải tạo ruộng, vào vụ lúa không phun thuốc trừ sâu để con cáy ngày càng sinh sôi, phát triển mạnh. Gia đình chị có 3 mẫu đất bãi, ngày nào cũng khai thác cáy, hôm nhiều được 6 - 7 kg, ít cũng được 3 - 4 kg. Có những gia đình diện tích lớn còn thu được 11 - 12 kg/ngày. Cáy An Thanh sinh sản nhanh, có màu đen vàng, ít gọng đỏ, nhiều thịt, ăn ngọt hơn cáy Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nên được thương lái rất ưa chuộng. Vào mùa cáy, thương lái ở khắp nơi, trong đó cả một số người quê tận Thanh Hóa cũng ra ngoài này để thu mua. Thậm chí có thương lái bên Vĩnh Bảo còn sang An Thanh mua cáy rồi đem về trộn với cáy địa phương để bán cho được giá. Người dân ở đây bán cáy tại ruộng với giá 80.000 - 90.000 đồng/kg, lúc cao lên tới 100.000 đồng/kg. “Vào mùa thu hoạch, bình quân mỗi tháng các hộ dân như chúng tôi cũng thu được 5 - 10 triệu đồng từ con cáy”, chị Lan nói.
Xã An Thanh có khoảng 118 ha đất bãi, trong đó phần lớn diện tích cho khai thác cáy và rươi. 2 con đặc sản tự nhiên này ngày càng được thị trường ưa chuộng và cho giá trị cao. Hằng năm, nguồn lợi mà xã An Thanh thu được từ cáy và rươi lên tới hàng chục tỷ đồng. Nhiều gia đình từ hai bàn tay trắng đã trở thành tỷ phú, xây dựng được nhà cao tầng, mua sắm xe máy và các đồ dùng sinh hoạt đắt tiền nhờ đầu tư vào vùng đất bãi.
10 năm trước, kinh tế gia đình ông Phạm Xuân Thuyết ở thôn An Định rất khó khăn, phải lo chạy từng bữa ăn. Năm 2009, ông vay vốn người thân và ngân hàng để mua lại 4,6 mẫu đất bãi ngoài đê sông Thái Bình với giá 10 - 20 triệu đồng/sào. Ông thuê máy xúc hạ thổ, quy hoạch, cải tạo lại bờ vùng, tạo môi trường thuận lợi để cáy, rươi phát triển. Sau 4 năm, kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả. Không chỉ trả gần hết nợ, ông Thuyết còn mua được mảnh đất trị giá 1,4 tỷ đồng cho con trai ở TP Hải Phòng. Ông chia sẻ: “Ngày chúng tôi vay mượn đầu tư làm bờ vùng cũng xác định là “đánh bạc với trời”. May sao ông trời không phụ người quyết tâm, con cáy, con rươi đã giúp chúng tôi thực sự đổi đời”.
TIẾN MẠNH
Con cáy thuộc họ cua đất (tên khoa học là Sesarmidae). Chúng thường đào hang sống phổ biến tại các bờ ruộng cao hoặc bờ mương gần sông. Thức ăn của cáy gồm giun đất, tép, cá nhỏ và các sinh vật phù du. Mùa sinh sản của con cáy kéo dài từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch hằng năm.
Cáy có 2 loại phổ biến là cáy nước lợ và cáy nước ngọt. Cáy nước lợ (vùng gần cửa biển) có màu nhạt, càng màu đỏ, ít thịt. Cáy nước ngọt có màu nâu đen, chắc con, nhiều thịt, ăn ngọt hơn cáy nước lợ.
Người dân thường dùng cáy để nấu canh hoặc làm mắm.
|