Một tuyển thơ đặc sắc về Bác Hồ

23/10/2014 17:09




Đấy là tập 7 trong bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”. Tập sách dành toàn bộ 640 trang khổ 16 x 24 cm giới thiệu với người đọc 252 bài thơ của 202 tác giả thuộc nhiều thế hệ, nhiều dân tộc, ở khắp mọi miền đất nước viết về Bác Hồ. Từ những bài thơ được viết ngay sau ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đến thơ mới viết trong thời gian vừa qua.

“Bác Hồ Cha của chúng con/Hồn của muôn hồn” (Tố Hữu) cũng là mạch nguồn sáng tạo vô tận của các văn nghệ sĩ nói chung, người làm thơ nói riêng. Hay nói như nhà thơ Cu-ba Phê-lich Pi-ta Rô-đri-ghết: “Hồ Chí Minh-tên Người là cả một miền thơ”. Làm thơ về Bác Hồ kính yêu luôn là ước mơ thôi thúc bao người mong được tỏ chút lòng thành kính dâng lên Bác. Vì thế, việc Nhà xuất bản Hội Nhà văn dành trọn tập 7 trong bộ sách quý “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ- Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh” (ấn hành tháng 12-2012), để giới thiệu với người đọc một tuyển thơ đặc sắc viết về Bác Hồ, được chọn lọc từ hàng nghìn bài thơ viết về Bác từ ngày lập nước đến nay, đã đáp ứng lòng mong mỏi của số đông người đọc yêu thơ.

Có lẽ vì thế, nhà xuất bản đã cố gắng sưu tầm, tuyển chọn để đưa vào tập những bài thơ sớm nhất viết về Bác Hồ, cùng với những bài thơ qua thử thách khắc nghiệt của thời gian vẫn được người đọc yêu thích, ghi nhớ, không kể tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội, miễn họ là tác giả của bài thơ hay viết về Bác Hồ. Mở đầu tuyển thơ, hẳn người đọc vô cùng xúc động khi đọc bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh” của cụ Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Quyền Chủ tịch nước năm 1946, với những câu hào sảng, khí phách: “Tung hoành bể Sở với sông Ngô/Đảm lược ai hơn Chủ tịch Hồ/Mưa nắng dãi dầu bao tuế nguyệt/Nước non gây dựng một cơ đồ”. Tiếp đến là thơ của ba cụ: Bùi Bằng Đoàn, Bùi Kỷ, Võ Liêm Sơn, mỗi cụ một bài nhưng đều in cả phần dịch nghĩa, dịch thơ. Qua thơ, người đọc có thể thấy cả bốn cụ đều bày tỏ tình cảm kính yêu, cảm phục và tin tưởng vào tài cao đức trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Anh hùng dân tộc luyện thân/Tuổi cao mà vẫn tinh thần hơn ai/Bốn phương đạo đức sáng ngời/Non sông vun đắp đời đời thanh xuân” (thơ cụ Bùi Kỷ, trang 15). Sau thơ của bốn cụ cao niên (đều sinh trước năm 1900) là thơ của các nhà thơ viết trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong và sau khi Bác Hồ đi xa (tháng 9-1969), đã có hàng trăm bài thơ đằm sâu thương nhớ, khắc họa nổi bật tâm hồn, nhân cách và đạo đức cao đẹp của Bác Hồ; đồng thời thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của người làm thơ nói riêng, nhân dân ta nói chung đối với Bác, quyết chí đi theo con đường mà Người đã chọn…

Trong 202 tác giả có thơ ở tuyển tập này, người có thơ in nhiều nhất là nhà thơ Tế Hanh (6 bài), tiếp đến hai nhà thơ Tố Hữu, Nông Quốc Chấn (mỗi người 5 bài), năm nhà thơ Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Anh Thơ, Phạm Ngọc Cảnh (mỗi người 3 bài)... Tập 7 trong bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh” có thể coi là cuộc hội ngộ của người làm thơ ở các thế hệ, sinh năm 1900 về trước là 4 “đại lão làng”: Huỳnh Thúc Kháng (1876), Bùi Kỷ, Võ Liêm Sơn (1888), Bùi Bằng Đoàn (1889); từ năm 1900 là các nhà thơ: Tú Mỡ (1900), Vân Đài (1903), Sóng Hồng (1907), Hằng Phương (1908), Thanh Tịnh, Lưu Trọng Lư (1911), Xuân thủy (1912)… Các tác giả sinh sau năm 1954, là bốn nhà thơ: Lê Na (1956), Trần Đăng Khoa (1958), Nguyễn Hưng Hải, Trần Ngọc Trác (1959).

Có thể nói, đọc tập 7 trong bộ sách quý “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”,  người đọc lần đầu được đọc một tập thơ khá đồ sộ, với 252 bài thơ tinh tuyển của hầu hết các nhà thơ nổi tiếng ở nước ta viết về Bác Hồ từ ngày đầu dựng nước cho đến nay. Nhiều bài trong tập đã được đưa vào sách giáo khoa, tuyển tập, hoặc phổ nhạc, trở thành thơ ca kinh điển viết về Bác Hồ. Đấy là những bài thơ mà chỉ nhắc đến tên, nhiều bạn đọc đã nhớ, như: “Sáng tháng năm”, “Bác ơi”, “Theo chân Bác” (Tố Hữu), “Người đi tìm hình của nước” (Chế Lan Viên), “Bác để lại” (Tế Hanh), “Bộ đội ông Cụ” (Nông Quốc Chấn), “Đêm nay Bác không ngủ” (Minh Huệ), “Ảnh Bác” (Trần Đăng Khoa), “Gói đất miền Nam” (Xuân Miễn), “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ Bác Hồ ơi…” (Hải Như), “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương” (Việt Phương), “Viếng lăng Bác” (Viễn Phương), “Đọc thơ Bác” (Hoàng Trung Thông), “Đôi dép Bác Hồ” (Nguyễn Hưng Hải), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (Hoàng Trung Thu), “Đường quyền của Bác” (Tạ Hữu Yên)… Những người yêu thơ, nhất là thơ viết về Bác Hồ, hẳn hài lòng khi được đọc lại những bài thơ hay về Bác Hồ từng ghi sâu trong ký ức, như những câu này trong bài “Sáng tháng năm”: “Vui sao một sáng tháng năm/Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/Suối dài xanh mướt nương ngô/Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn” (Tố Hữu); hoặc: “Giặc đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát/Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân/Những kẻ quê mùa đã thành trí thức/Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng” (Chế Lan Viên). Còn đây là khổ mở đầu trong bài thơ “Bác để lại” của nhà thơ Tế Hanh vừa khái quát, vừa giản dị và gần gũi: “Bác để lại cho chúng ta tất cả/Hiện tại, tương lai, quá khứ-cuộc đời/Tổ quốc, non sông, đất trời, hoa lá/Bác đi rồi vẫn thấy Bác khắp nơi”. Vâng, “Bác đi rồi vẫn thấy Bác khắp nơi”, đọc hơn 250 bài thơ trong tinh tuyển này càng thấy hiện hữu điều đó.

CAO NĂM



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một tuyển thơ đặc sắc về Bác Hồ