Khoa học - Giáo dục

"Một trường, hai tiếng trống"

THẾ ANH 14/09/2023 06:00

Sau 4 năm sáp nhập, nhiều trường liên cấp tiểu học và THCS ở TP Chí Linh (Hải Dương) đã gặp những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

W_554b3e25-af22-4c74-8f98-bd760944e60c.jpeg
Học sinh tiểu học Trường Tiểu học và THCS Thái Học ra chơi trong khi học sinh khối THCS đang học

Nhiều khó khăn

Tại Trường Tiểu học và THCS Thái Học, học sinh tiểu học đang trong giờ ra chơi vui nhộn hoặc ùa ra về thì học sinh THCS vẫn đang học. Việc này ảnh hưởng không nhỏ tới sự tập trung dạy và học của giáo viên, học sinh.

Một ngôi trường nhưng luôn có “hai tiếng trống”. Cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thái Học nhận thấy đây là một trong những bất cập của trường liên cấp mà khó có thể thay đổi.

Do thời gian học của 2 cấp học khác nhau nên học sinh THCS vào lớp trước, sau đó mới đến tiếng trống báo học sinh tiểu học vào lớp. Tương tự, giờ ra chơi và giờ tan học cũng vậy. Thời gian đầu sáp nhập, giáo viên và học sinh khá lúng túng, nhiều lúc tiếng trống ra chơi của học sinh THCS nhưng giáo viên, học sinh tiểu học tưởng nhầm là của cấp học mình.

Năm học này, Trường Tiểu học và THCS Thái Học có gần 600 học sinh. Để thuận lợi cho công tác quản lý, di chuyển, bức tường ngăn cách giữa trường tiểu học và THCS đã được tháo dỡ. Trường vẫn có 2 cổng, 2 nhân viên bảo vệ.

Cô Thuỷ cho biết thêm bất cập lớn nhất là tổ chức các hoạt động tập thể. Tại tiết chào cờ, nếu tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh THCS thì học sinh tiểu học chỉ nhìn mà không tương tác được và ngược lại. Đặc biệt, các cuộc họp của trường phải bố trí vào chiều thứ hai hằng tuần và đẩy thời gian vào lớp của học sinh tiểu học sớm hơn 30 phút do thời gian biểu của giáo viên khác nhau. Ngoài ra, trong các cuộc họp, giáo viên phải ngồi nghe những nội dung không liên quan gì đến mình. Một số giáo viên môn chuyên của THCS đang dạy cả học sinh tiểu học nhưng chất lượng khó bảo đảm do giáo viên không được đào tạo sư phạm tiểu học.

W_0192eef2-d141-4130-94dd-f7c9d7640ad9.jpeg
Trường Tiểu học và THCS Hoàng Tân có gần 900 học sinh

Tương tự, năm học này, Trường Tiểu học và THCS Hoàng Tân có gần 900 học sinh. Số lượng học sinh đông nên hầu hết các hoạt động tập thể vẫn tổ chức riêng. Thầy Trần Nam Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết việc quản lý của hiệu trưởng gặp nhiều khó khăn. “Do chỉ có chuyên môn THCS nên khi quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ ở cấp tiểu học chưa sát thực tế, hiệu quả giáo dục chưa cao”, thầy Thắng nói.

Hiệu trưởng phải làm việc gấp đôi, quản lý cả 2 cấp học, trong khi phụ cấp chức vụ lãnh đạo không thay đổi. Một số vị trí như nhân viên kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện… chưa được giao đủ biên chế nên nhiều lúc lãnh đạo phải làm cả việc của nhân viên. Có trường có 2 điểm trường cách xa nhau nên tổ chức các hoạt động tập thể khó khăn. Việc xét thi đua cuối năm cũng vướng mắc vì đặc thù 2 cấp học khác nhau.

Nên sáp nhập trường đồng cấp

W_fa90ac66-b166-4e87-b19d-6d6784750d9e.jpeg
Một tiết học của Trường Tiểu học và THCS Hoàng Tân

TP Chí Linh hiện có 4 trường liên cấp tiểu học và THCS, gồm Hoàng Tân, Thái Học, Nhân Huệ và Hoa Thám.

Để tháo gỡ vướng mắc và khắc phục những khó khăn, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Chí Linh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, sắp xếp hệ thống theo nguyên tắc tận dụng những thứ đã có.

Phòng đã tham mưu sắp xếp đội ngũ, luân chuyển, điều động liên trường. Chỉ đạo các đơn vị phân công giáo viên môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, tiếng Anh dạy cả các lớp tiểu học và THCS. Tích cực tham mưu xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với các trường liên cấp.

W_8980e8f0-54b9-4008-95ea-d1c7775b5dfe.jpeg
Nhiều giáo viên các môn tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc phải dạy cả 2 cấp học nhưng chỉ có chuyên môn một cấp học nên khó bảo đảm chất lượng giáo dục

Theo Hiệu trưởng các Trường Tiểu học và THCS Thái Học, Hoàng Tân, căn cứ vào quy mô từng trường nên tách trở lại thành trường tiểu học và THCS như cũ để bảo đảm chất lượng giáo dục. Nếu sáp nhập chỉ nên sáp nhập trường đồng cấp tiểu học hoặc THCS.

Ông Lương Quang Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Chí Linh đề nghị các cấp, ngành liên quan nên xem xét điều chỉnh theo hướng những đơn vị có quy mô lớp dưới mức tối thiểu theo quy định thì sáp nhập nhằm giảm đầu mối các trường công lập. Những đơn vị có quy mô nhóm/lớp vượt quá quy định thì tách riêng để bảo đảm chất lượng giáo dục.

“Khi chưa thực hiện được việc tách các trường quy mô quá lớn, có nhiều điểm trường, đề nghị giao thêm biên chế nhân viên, quan tâm biên chế giáo viên. Đề nghị tỉnh đầu tư kinh phí, bổ sung cơ sở vật chất đối với những trường thực hiện sáp nhập”, ông Phương nói.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đơn vị chuyên môn báo cáo tình hình thực hiện Đề án "Tổ chức, sắp xếp các trường mầm non, phổ thông công lập tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2021; rà soát thực trạng các trường thuộc diện sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 2023-2025" để có căn cứ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về phương án sắp xếp các trường, trong đó có trường liên cấp.

THẾ ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Một trường, hai tiếng trống"