Bạn đọc hẳn còn nhớ những hình tượng kỳ vĩ trong các bài “Tiếng hát con tàu”, “Người đi tìm hình của nước”... Ở phương diện vĩ mô của đời sống, bài thơ “Nội dung và hình thức” lại chứa đựng một tinh thần, một quan niệm sống ở một thời đại có nhiều biến cố mà rất vẻ vang.
Cái thời đại ấy, thời đại mà Chế Lan Viên nói đến quả có nhiều anh tài xuất chúng trong mọi lĩnh vực của đời sống mà khoa học - công nghệ là mũi nhọn tiến vào tương lai, là chủ công của thời đại. Đây là những hạt muối mặn mòi của biển cả, góp phần làm nên vị mặn cho đời. Nhưng không phải ngẫu nhiên hay một sớm một chiều con người đã đạt đến độ tài năng, có thực tài và cũng có đạo đức. Trái lại nó thường được hình thành hay kết tinh trong quá trình lao động, trong đời sống xã hội có ý nghĩa to lớn như “Những lá thơm hái lúc về già”. Ở đây với hình ảnh ẩn dụ, nhà thơ đã nói hộ ta sự trân trọng, nâng niu và cả thái độ trọng dụng đối với những bậc hiền tài. Những con người mà đạo đức, tài năng đã hóa thành những phẩm chất cao quý của tâm hồn, nhân cách và của năng lực hành động. Đây là vấn đề có ý nghĩa trong nhận thức lý luận và cả trong thực tiễn đời sống, phản ánh sự nhận thức và thái độ văn hóa của con người đối với con người. Bởi vì có một thực tế đáng buồn là từng có những lúc, những nơi người ta đánh giá không trung thực, khách quan, tài năng, đức độ của một con người để “đặt” họ vào đúng vị trí công tác và địa vị xã hội. Trái lại, những kẻ ít văn hóa, nhiều tiền bạc... thì thường được coi trọng, được sử dụng vì "hợp gu". Một vấn đề phức tạp mà cũng thật nhạy cảm và tinh tế của xã hội. Câu thơ giản dị như một lời nói mà hàm chứa một thái độ, cảm nghĩ sâu sắc...
Nội dung và hình thức là hai mặt của một vấn đề. Mặt nào cũng quan trọng, cũng cần thiết. Nhưng trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức khi xem xét đánh giá cần có một cái nhìn tỉnh táo, một thái độ đánh giá khách quan trung thực. Đó là một thái độ thể hiện thiện chí của con người, đồng thời cũng thể hiện một lối sống giản dị, minh bạch. Thái độ ấy cố nhiên là đáng quý, đáng trân trọng; vả lại cũng có cơ sở khách quan như một tất yếu, một sự thật: “Khi cây đã hóa trầm trong ruột - lá đủ rồi phải đợi gì hoa”. Đời sống con người ngày càng đòi hỏi có nhu cầu cao hơn, nhiều hơn. Đó là những đòi hỏi chính đáng và còn thể hiện sự tiến bộ của văn minh nhân loại. Nhưng xét về một khía cạnh khác, có khi nhu cầu đòi hỏi của con người không hẳn là chính đáng mà trái lại là sự phù phiếm hay thể hiện lối sống xa hoa, lãng phí, thừa tiền bạc vật chất mà thiếu tinh thần văn hóa… Có thể nói trong thực tế cuộc sống có những cá nhân hay thậm chí có một bộ phận tập thể còn có lối sống, quan điểm như thế, như cán bộ đương chức của cơ quan này, ngành kia lại cứ mua xe con này, xe khác tốn kém hàng tỷ đồng của Nhà nước và của nhân dân. Đây là một vấn đề xã hội mà lâu nay các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập đến khá nhiều... Cái lối sống ấy rõ ràng là xa lạ hay không phù hợp với xã hội và hoàn cảnh nước ta, một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh trường kỳ gian khổ và đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội... Vẫn hiểu rằng cuộc sống không chỉ cần có “bánh mì” mà cần cả “hoa hồng” nữa. Và nhất là ở một chế độ xã hội ưu việt thì hoa cần có nhiều hơn bởi đó là một nhu cầu trong đời sống tinh thần… “Hoa” quả là cần cho cuộc sống với cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Nhưng điều muốn nói là nếu hoàn cảnh không cho phép hoặc nếu đã có điều kiện nhất định thì nhất thiết phải có “hoa” không? Tác giả đã nói hộ ta điều ấy như một thông điệp về cái lối sống giản dị, sáng trong. Hơn nữa, một khi “cây đã hóa trầm trong ruột” thì “lá” cũng là “hoa” rồi đấy chứ! Bản tính của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam là ưa lối sống giản dị, điềm tĩnh như hoa sen vẫn thơm ngát nơi ao nhà. Cho nên mọi cái hào nhoáng, phô trương hình thức đều trở nên xa lạ trong đời sống dân tộc. Có lẽ cái bản tính ấy đã kết tinh ở cuộc sống thật giản dị và cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Cuộc sống giản dị cao đẹp của Người là một triết lý nhân sinh của thời đại, là những quan niệm và thái độ đúng mực về “nội dung và hình thức”.
Bài thơ ngắn mà hàm chứa những nội dung sâu sắc. Có thể nói bài thơ như một lời cảnh tỉnh với những ai còn đam mê với cuộc sống vật chất tầm thường và những đòi hỏi ảo tưởng. Đồng thời còn bày tỏ một thái độ, một triết lý sống thời đại. Dù có những thăng trầm, đổi thay của đời sống vật chất và tinh thần, nhưng sự giản dị và thanh cao vẫn là một giá trị đích thực của cuộc sống…
Nội dung và hình thức
Những lá thơm hái lúc về già Hái những lá có hương tư tưởng Khi cây đã hóa trầm trong ruột Lá đủ rồi, phải đợi gì hoa. Chế Lan Viên
|
TRỌNG NGUYÊN