Một thời chiến đấu để có cuộc sống tươi đẹp hôm nay

25/09/2014 16:49



Nhà giáo Lê Mậu Cường, nguyên giáo viên Trường THPT Nam Sách về nghỉ hưu, hiện sinh sống tại thị trấn Nam Sách, được nhiều người biết. Trước khi bước vào nghề giáo, Lê Mậu Cường là một sĩ quan pháo cao xạ, tham gia chiến đấu chống máy bay giặc Mỹ những năm chúng đánh phá ác liệt Hải Dương. Vừa qua, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản cuốn hồi ký Một thời chiến đấu của tác giả Lê Mậu Cường. Cuốn hồi ký đã cung cấp cho bạn đọc tấm chân dung khá trọn vẹn về một cựu chiến binh sớm giác ngộ cách mạng, lập nhiều chiến công. Quê ở Triệu Phong (Quảng Trị), do hoàn cảnh gia đình, ngay từ tuổi thiếu niên Lê Mậu Cường đã lưu lạc sang Lào, chiến đấu trong đội hình những người lính tình nguyện Việt Nam, rồi về chiến đấu ở trong nước. Đó là những năm tháng cực kỳ gian nan vất vả mà rất đỗi tự hào trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Với bút pháp dung dị, chân thực, cuốn hồi ký thực sự giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về sự hy sinh gian khổ chống kẻ thù xâm lược để có được cuộc sống tươi đẹp hôm nay.

Phần đầu, cuốn sách viết về những năm tháng tác giả ở Lào, được bà con Việt kiều giúp đỡ, giác ngộ yêu nước, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp tại Lào. Anh được các ông bố, bà mẹ Lào thương yêu, đùm bọc, cứu chữa khi ốm đau, bệnh tật. Có lần anh bị địch bắt, nhưng lại được các chiến sĩ ta giải thoát. Anh đã tham gia hàng chục trận đánh theo sự phân công của các cán bộ chỉ huy Lào, Việt. Khi chuyển về Bộ Tư lệnh Liên khu 5, anh lại dũng cảm chiến đấu và được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn Liên khu.

Tập kết ra Bắc, Lê Mậu Cường được đi học sĩ quan cao xạ ở Sơn Tây, rồi trực tiếp tham gia bốn năm (1965-1968) chống chiến tranh phá hoại ở Thanh Hóa và ở Hải Dương. Anh lại phát huy vai trò người sĩ quan tham mưu của Trung đoàn 213 đóng ở Vũ La (Nam Sách), tham dự đủ các trận đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Phú Lương, cầu Lai Vu và các vùng phụ cận. Anh còn đóng góp nhiều công sức với đồng đội và nhân dân rà phá bom từ trường, làm trận địa giả để "nhử" máy bay địch, làm mũ rơm chống bom bi... Rất nhiều lần Lê Mậu Cường đã thoát chết trong gang tấc. Anh cũng ghi nhận nhiều tấm gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu của nhân dân các vùng có trận địa pháo như Nam Sách, thị xã Hải Dương, Thanh Hà, Kim Thành... Anh đau xót nhắc đến các đồng đội đã quên mình vì nghĩa lớn như Vũ Nam Chính, Hoàng "điếc", Tiến Đạt, Trần Tập, Đỗ Xuân Đường...
Khi không còn đủ sức khỏe chiến đấu, Lê Mậu Cường được đi học Khoa Kỹ thuật công nghiệp ở Trường Đại học Sư phạm I và về dạy ở các trường THPT: Thanh Hà, Nam Sách. Ở đâu anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một điều đáng ghi nhận là tấm lòng của cựu chiến binh Lê Mậu Cường đối với các chiến trường xưa, các đồng ngũ và ân nhân đã cưu mang ông trong những năm chiến đấu một mất một còn với quân thù. Trong sự mất mát chung của dân tộc, có sự mất mát riêng của chính gia đình ông: bà mẹ là y tá quân đội hy sinh trên đường phục vụ chiến đấu năm 1947, được truy tặng liệt sĩ; người anh trai tốt nghiệp Học viện Quân y công tác ở Bệnh viện 175 cũng mất vì nhiễm chất độc hồi làm chuyên gia bên Lào. Ông tự bảo mình: "Cường còn sống là hạnh phúc lắm rồi". Các tấm huân chương và phần thưởng vinh dự của Nhà nước Việt Nam, Nhà nước Lào dành cho ông luôn luôn động viên ông sống và làm việc xứng đáng với những năm tháng đã qua, "đứng vững trên đôi chân của mình, bước tiếp".
Với bút pháp dung dị, chân thực, cuốn hồi ký thực sự giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về sự hy sinh gian khổ chống kẻ thù xâm lược để có được cuộc sống tươi đẹp hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một thời chiến đấu để có cuộc sống tươi đẹp hôm nay