Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam...
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930
Nhìn nhận từ lăng kính lịch sử, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam để lại cho chúng ta nhiều bài học quý trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng nhất là bài học về sự sáng tạo, chủ động, kịp thời gắn liền với vai trò đặc biệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Sáng tạo Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã chỉ ra quy luật ra đời của Đảng Cộng sản là sự kết hợp giữa lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học và phong trào công nhân. Song, đối chiếu với đặc điểm xã hội, cơ cấu giai cấp ở Việt Nam những năm 20 của thế kỷ trước thì để thực hiện được quy luật này là một vấn đề không đơn giản. Bởi thời điểm đó, Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp công nhân còn rất non trẻ, chỉ chiếm chưa đầy 1% số dân… Trong điều kiện đó, với nhãn quan chính trị sắc bén, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có sự sáng tạo độc đáo khi đưa ra chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Với sự kết hợp này, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam mà còn là Đảng của dân tộc Việt Nam. Lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng không chỉ là giai cấp công nhân mà còn là tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các tôn giáo, các thành phần dân tộc… Vì vậy, đây không chỉ là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam mà còn là đóng góp quan trọng của Người đối với phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phụ thuộc.
Nhìn nhận từ góc độ cách mạng giải phóng dân tộc, ngay việc đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thể hiện rõ nét sáng tạo trong tư duy cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong khi Quốc tế Cộng sản chủ trương thành lập một Đảng Cộng sản chung cho 3 nước Đông Dương thì Người phân tích: “Cái từ Đông Dương rất rộng…, vấn đề dân tộc là vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt buộc các dân tộc khác gia nhập Đảng… Còn cái từ An Nam thì hẹp, mà nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó, từ Việt Nam hợp với cả ba miền và cũng không trái với nguyên lý của chủ nghĩa Lê-nin về vấn đề dân tộc”.
Tính đúng đắn, khoa học trong những sáng tạo của Người đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở một nước phong kiến nửa thuộc địa và chủ trương giải quyết vấn đề Đảng trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới thế kỷ XX kiểm chứng, khẳng định. Và đây chính là một cống hiến quan trọng của Người trong kế thừa và vận dụng sáng tạo kho tàng lý luận Mác - Lê-nin.
Chủ độngThấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa truyền thống yêu nước nghìn đời của dân tộc và bám sát đặc điểm mọi mặt của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm chủ động chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược, công tác chuẩn bị đã được Người thực hiện một cách toàn diện, đầy đủ cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức để góp phần kết hợp cùng các nhân tố khách quan tạo thành điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đảng.
Ngay từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước, khi được tiếp cận với Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V. Lê-nin, Người đã thông qua nhiều hoạt động như viết báo, viết sách, mở lớp huấn luyện để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào trong nước, đồng thời đấu tranh vạch trần tội ác của chủ nghĩa đế quốc tại các nước thuộc địa, phụ thuộc, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách Đường Cách Mệnh được Người viết trong giai đoạn này đã chứa đựng những nội dung cơ bản nhất về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về con đường giải phóng dân tộc gắn với nhiệm vụ cách mạng ở Việt Nam. Tháng 6-1925, Người thành lập “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên), tổ chức hạt nhân là “Cộng sản đoàn” làm nòng cốt để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam. Từ đó, Người cũng mở nhiều lớp huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc). Học viên là những thanh niên Việt Nam yêu nước và cấp tiến, vốn xuất thân là học sinh, trí thức.
Chính việc chủ động chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, tổ chức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã góp phần quyết định tạo ra những điều kiện cần và đủ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
Nhạy bén, kịp thờiĐầu năm 1929, phong trào cộng sản ở Việt Nam tuy có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng đã xuất hiện nhiều biểu hiện phân hóa, chia rẽ trong nội bộ những người cộng sản. Cuối tháng 11-1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từ Thái Lan trở về Trung Quốc để thực hiện nhiệm vụ lịch sử là thống nhất các tổ chức cộng sản nhằm chấm dứt sự biệt phái của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Người đã triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn để bàn việc hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.
Chính từ sự nhạy bén chính trị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng họp từ ngày 6-1-1930 tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc). Với vai trò là Phái viên của Quốc tế Cộng sản và bằng thái độ chân thành, thuyết phục, Người đã chỉ rõ những sai lầm, hệ quả từ sự chia rẽ của những người cộng sản. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đồng thuận quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một đảng chung với tên gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam, đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của lịch sử dân tộc. Ngày 3-2-1930 chính thức đi vào lịch sử dân tộc là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, tình trạng khủng hoảng đường lối lãnh đạo của cách mạng Việt Nam cũng chấm dứt.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã nêu ra giả thuyết, “nếu không có sự sáng tạo, chủ động, nhạy bén của Nguyễn Ái Quốc, nếu không có Hội nghị thành lập Đảng hoặc giả như Hội nghị đó diễn ra muộn hơn thì lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam sẽ như thế nào?”. Thiết nghĩ câu trả lời đã có ngay trong chính thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam gần 85 năm qua, từ khi có Đảng. Ra đời từ sự sáng tạo, chủ động, kịp thời của những người cộng sản Việt Nam đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn là ngọn cờ cách mạng đúng đắn, tập hợp và lãnh đạo các lực lượng cách mạng đứng lên tranh đấu vì mục tiêu “Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng với những chiến công vang dội từ thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945 đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc, cả nước vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trước sự vận động không ngừng của điều kiện thế giới và khu vực, việc nghiên cứu, vận dụng bài học về sự sáng tạo, chủ động, kịp thời nhìn từ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở nắm vững nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần linh hoạt, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh, đó là điều kiện tiên quyết để nước ta tranh thủ những thời cơ, vượt qua thử thách để hội nhập và phát triển.
TẠ QUANG ĐẠO - MAI VĂN THỂ, Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng)