Một số đại biểu phản ánh một số xã đạt nông thôn mới có biểu hiện thỏa mãn, bằng lòng không nâng cấp nữa trong phiên thảo luận tổ sáng 12.12.
Ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết cần rất nhiều tiền để hỗ trợ các huyện, xã xây dựng nông thôn mới
Cần hỗ trợ những xã khó khăn, xã nằm ở "tốp dưới"
Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) cho biết phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) đang lan tỏa rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Năm 2019, có 31 xã và 5 huyện đăng ký về đích NTM. Cùng với đó là tiếp tục xây dựng NTM nâng cao. "Tuy nhiên, làm sao cho mỗi người dân ở nông thôn nâng cao được thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, được ở trong môi trường văn minh, sạch sẽ”, đại biểu Hùng nói. Đại biểu Hùng cho rằng từ thực tế xây dựng NTM ở Kinh Môn cho thấy nếu không có cơ chế của tỉnh hỗ trợ sẽ không thể xây dựng thành công.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) có nơi đã đạt NTM có biểu hiện thỏa mãn, bằng lòng không nâng cấp nữa, đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) cho biết cần phải tiếp tục xây dựng, củng cố xây dựng NTM nâng cao.
Ông Cao Ngọc Quang, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ cho biết kế hoạch hết năm 2019, có 91,1% số xã đạt NTM để đến năm 2020, tất cả 256 xã của tỉnh hoàn thành xây dựng NTM. Tuy nhiên, chỉ tiêu trường chuẩn khó đạt. Hiện nay, tiêu chí trường chuẩn mới đạt 70%. Do đó, cần phải nâng chỉ tiêu trường chuẩn để hoàn thành kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Về hỗ trợ xây dựng NTM, ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà đề nghị tỉnh ngoài việc hỗ trợ cho những xã đăng ký về đích NTM, cần hỗ trợ những xã khó khăn, xã nằm ở "tốp dưới" để họ phấn đấu đạt NTM vào năm 2020. Bí thư Huyện ủy Thanh Hà đề nghị tỉnh quan tâm xem xét, bố trí kinh phí để phát triển khu du lịch sinh thái Sông Hương. Mặc dù năm 2018, số lượng khách du lịch đến Hải Dương tăng mạnh, khách lưu trú tăng nhưng tiềm năng du lịch của Hải Dương vẫn còn rất lớn. Tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng để thu hút khách du lịch. Kết nối vùng để thu hút nhà đầu tư hạ tầng du lịch cũng như du khách đến tỉnh Hải Dương.
Về tờ trình điều tiết ngân tiền sử dụng đất, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà Nguyễn Đức Tuấn cho biết nếu nhìn qua thì ngân sách huyện có lợi nhưng nếu xét kỹ thì thậm chí không bằng trước. Nguyên là do tỷ lệ điều tiết tăng nhưng ngân sách huyện phải chi cho quy hoạch, hạ tầng..., số còn lại thậm chí không bằng trước. Ông Tuấn đề nghị tách kinh phí quy hoạch, làm hạ tầng rồi mới điều tiết ngân sách...
Trao đổi về một số nội dung về nguồn lực và việc phân bổ ngân sách, ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết mặc dù mức thu ngân sách ước đạt cao nhưng nhu cầu về chi cũng rất cao. Về xây dựng NTM, từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 177 xã, 2 huyện và thị xã Chí Linh về đích NTM tổng cộng 1.300 tỷ đồng. Năm 2019, có 31 xã và 5 huyện đăng ký về đích NTM, dự kiến hỗ trợ cả tỉnh khoảng 260 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến có 9-10 xã không đăng ký nhưng tự về đích, tỉnh phải giành một khoản kinh phí hỗ trợ.
Bức xúc ô nhiễm môi trường nông thôn
Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc đề nghị tỉnh có chính sách thu hút nhà đầu tư làm hạ tầng trước khi cho doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh. Huyện Gia Lộc có 2 cụm công nghiệp nhưng chưa kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng. Một số doanh nghiệp đã thuê đất để đầu tư sản xuất dẫn đến ô nhiễm môi trường. Ngoài 2 cụm công nghiệp, huyện Gia Lộc cũng được quy hoạch 2 khu công nghiệp với tổng cộng gần 450ha nhưng đến thời điểm này chủ đầu tư hạ tầng triển khai rất chậm. Ông Tuấn cho biết toàn huyện Gia Lộc hiện có 4.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Người dân canh tác, sản xuất rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện bị ô nhiễm. Nguyên nhân là do một số nhà máy xả nước thải thẳng ra kênh.
Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) phản ánh tình trạng xả thải, phát thải rất đáng lo ngại. Trong khi các nhà máy xử lý rác thải chưa đủ theo kế hoạch do tỉnh đặt ra thì các đô thị như thị xã Chí Linh, Kinh Môn cũng vẫn chỉ xử lý bằng chôn lấp. Do đó, vấn đề rác thải nông thôn, chất thải công nghiệp là thách thức lớn với tỉnh và các địa phương. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường do khí thải cũng rất nghiêm trọng, vì số điểm quan trắc môi trường tự động chưa nhiều, chưa đồng bộ, chưa thể kiểm soát được. Nước thải ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới, thách thức sản xuất nông nghiệp sạch.
Theo đại biểu Hùng, mặc dù các doanh nghiệp đều cam kết lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nhưng không rõ về thời gian phải lắp đặt. Đại biểu đề nghị bắt buộc quy định về thời gian doanh nghiệp lắp đặt hệ thống quan trắc tự động trước khi đi vào sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Thuấn, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang cho biết đa số các xã đều đã được hỗ trợ kinh phí làm bãi rác thải tập trung nhưng mới chỉ dừng lại ở việc thu gom, chôn lấp. Về lâu dài, cần có nhà máy xử lý rác hiện đại. Tỉnh cần quan tâm hỗ trợ lao động làm công tác thu gom rác thải tại các địa phương.
NHÓM PV