Một số vụ án thời kỳ phong kiến

08/04/2010 16:13

Nguyễn Chế Nghĩa là một danh tướng nhà Trần bị chết vì nói thẳng; Trần Quốc Chẩn chết vì không chịu tòng quyền; Nguyễn Trãi chết vì quá giỏi giang và đức độ...Những vụ án đau lòng đã thể hiện mặt trái của pháp luật Việt Nam thời phong kiến.

Chết vì nói thẳng

Nguyễn Chế Nghĩa sinh năm Thiệu Long thứ 7 (1265), là danh tướng đời nhà Trần, quê ở làng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nguyên là xã Cối Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu). Ông là người có thiên tư anh tuấn, học vấn uyên thâm, tinh thông võ nghệ, có biệt tài đánh côn, dân gian gọi là đánh thó. Năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), khi tròn 20 tuổi, ông xin đầu quân đánh giặc. Qua thử sức khoẻ, võ nghệ, binh pháp, ông đều xuất sắc. Trần Hưng Đạo hài lòng và khen: "Ngươi chẳng kém gì Phạm Ngũ Lão, ta lại thêm một tướng tài", và phong làm tướng tiên phong. Với trọng trách này, Nguyễn Chế Nghĩa từng trải nhiều gian nguy, hoàn thành nhiệm vụ, lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai và lần thứ ba.

Nguyễn Chế Nghĩa được triều đình quý trọng, được vua Trần gả công chúa Nguyệt Hoa.

Ông làm quan trải qua 4 triều vua: Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông. Khi tuổi đã cao triều chính lại nhiễu nhương, suy thoái, ông xin về quê tĩnh dưỡng, lập phủ đệ ở đất Cối Xuyên (nay thuộc huyện Gia Lộc).

Nguyễn Chế Nghĩa là một trong ba người không tán thành lập Trần Dụ Tông làm vua vì thấy ông ta không đủ tư chất vương giả . Khi chính thức lên ngôi, Dụ Tông cho người ngầm giết Nguyễn Chế Nghĩa ở quán Ninh Kiều (Gia Lâm), khi đó ông đang trên đường từ kinh đô về quê.


Chết vì không chịu tòng quyền

Trần Quốc Chẩn là em vua Trần Anh Tông, sinh khoảng cuối thế kỷ XIII, là người có tài, đức, được triều đình nể phục, từng giữ nhiều trọng trách trong đời vua Anh Tông và Minh Tông. Ông có thái ấp ở Kiệt Đặc (Chí Linh). Quốc Chẩn là người đức độ nên được triều đình tín nhiệm. Năm Khai Thái thứ nhất, ông được phong Nhập nội Quốc phụ Thượng tể, chức quan đầu triều, trông coi các bộ.

Năm Khai Thái thứ 6 (1328), Minh Tông ở ngôi 15 năm, tuổi đã cao mà vẫn chưa lập được thái tử. Quốc Chẩn là cha của Hoàng hậu, định chờ Hoàng hậu sinh con trai rồi sẽ lập thái tử. Cương Đông Văn Hiến hầu là con Tá thánh Thái sư Trần Nhật Duật muốn đánh đổ Hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng (Hiến Tông), nên đã đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, để Trần Phẫu vu cáo Quốc Chẩn có âm mưu phản loạn. Vua tin là thực, bắt Quốc Chẩn giam vào chùa Tư Phúc, rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung là người cùng cánh với Văn Hiến, lại là người đồng hương của mẹ Vượng, liền trả lời: "Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó". Vua liền cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Ông mất ngày 12-6 năm Đại Khánh thứ 5 (1328). Vụ này bắt đến hơn trăm người có liên can. Mỗi khi xử án, bị can phần nhiều kêu oan.

Vài năm sau, gặp khi vợ cả, vợ lẽ của Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút lót vàng tâu vua. Ngục quan Lê Huy là người cương trực, xét xử ngay hôm đó. Tên Phẫu bị tội lăng trì, chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Võ, con trai Quốc Chẩn đã ăn sống hết thịt của Phẫu. Văn Hiến là con nhà hoàng tộc nên được miễn tội, nhưng bị giáng xuống làm dân thường và xoá tên trong sổ hoàng tộc.

Vụ án Lệ Chi Viên

Nguyễn Trãi (1380-1442) là một công thần của triều Lê, người có công lớn trong khởi nghĩa Lam Sơn.

Sáu năm sau chiến tranh, trong triều đình Lê Thái Tổ đã có những lục đục. Trần Nguyên Hãn, người em họ lập bao công tích trong chiến tranh cũng phải tự vẫn, Phạm Văn Xảo bị giết, bản thân Nguyễn Trãi cũng từng bị hạ ngục. Quyền cao chức trọng nhưng vẫn bị các võ quan họ Lê chi phối.

Tháng 11 năm Đinh Tỵ (1437), nhân vụ mâu thuẫn với Lương Đăng, Nguyễn Liễu phải đày đi viễn xứ, còn Nguyễn Trãi phải lui về Côn Sơn. Năm 1439, ở tuổi xấp xỉ 60, ông được phục chức và tái nhiệm, kiêm coi việc quân dân hai đạo Đông Bắc, Đề cử chùa Côn Sơn - một quốc tự đương thời.

Ngày 27-7 năm Nhâm Tuất (1442), Lê Thái Tông đi tuần ở miền đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi mời vua ngự chùa Côn Sơn, cũng là quê hương của ông. Khi trở về Thăng Long, Nguyễn Trãi cho Nguyễn Thị Lộ là thiếp đi hộ tống. Trên đường về, ngày 4-8, vua nghỉ tại Lệ Chi Viên thuộc xã Đại Lại, bên bờ sông Thiên Đức (sông Đống) thuộc huyện Gia Bình. Đêm ấy, vua bị bệnh ác rồi băng hà. Bọn gian thần vốn không ưa Nguyễn Trãi, nhân cơ hội này đều cho là Nguyễn Thị Lộ giết vua, cũng có nghĩa là Nguyễn Trãi bày mưu giết vua.

Ngày 16-8, triều đình hạ lệnh hành quyết tam tộc (họ bố, mẹ và vợ) gia đình Nguyễn Trãi. Được nhân dân đùm bọc, che chở, nên gia đình ông vẫn còn một số người trốn thoát cho đến ngày giải oan.

Triều đình nhà Lê đã sớm nhận thấy sai lầm nhưng không chịu sửa sai đến nơi đến chốn. Lê Nhân Tông (1443- 1459), ông vua kế nhiệm Thái Tông, đã phải thừa nhận: "Nguyễn Trài là người trung thành giúp Đức Thái Tổ dẹp yên giặc loạn, giúp Đức Thái Tông sửa sang thái bình. Văn chương và đúc nghiệp của bản triều không ai sánh kịp". Năm Quang Thuận thứ 5 (1464), Lê Thánh Tông mới thực sự minh oan cho Nguyễn Trãi

(Theo Địa chí Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một số vụ án thời kỳ phong kiến