Vụ mùa năm nay, Chi cục BVTV tỉnh phối hợp với Công ty BayerViệt Nam thực hiện mô hình sử dụng thuốc BVTV Nativo750WG, Antracol 70WP có tác dụng phòng, trị bệnh đạo ôn, lem lép hạt...
Vụ mùa năm nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Công ty Bayer Việt Nam thực hiện mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) Nativo 750WG, Antracol 70WP có tác dụng phòng, trị bệnh đạo ôn, lem lép hạt, vàng lá chín sớm trên diện tích 3 sào lúa nếp 97 tại xã Quốc Tuấn (Nam Sách). Thuốc Nativo 750WG và Antracol 70WP được sử dụng 4 đợt: Lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái làm đòng, thấp tho trỗ và trỗ thoát hoàn toàn. Theo đánh giá của Chi cục BVTV tỉnh, sử dụng hai loại thuốc này giúp cây lúa giảm bệnh khô vằn; tăng chiều cao, giúp cứng cây; năng suất lúa trong mô hình cao hơn đối chứng. Tuy nhiên, diễn biến của bệnh lem lép hạt trong vụ mùa này chưa rõ ràng, nên cần tiếp tục thực hiện khảo nghiệm phun thuốc trên diện rộng để đánh giá hiệu lực cụ thể.
* Vụ mùa năm nay, huyện Thanh Miện triển khai xây dựng mô hình trình diễn sử dụng phân vi sinh và NPK khoáng trộn theo quy trình bón phân khép kín tại 2 xã Diên Hồng và Đoàn Kết trên diện tích 2,4 ha với các giống chủ yếu là BTS7 và Q5, gieo cấy bằng phương thức mạ sân và mạ dược. Khi sử dụng phân vi sinh Việt - Séc, cây lúa có hình thái gọn, đẻ nhánh tập trung, thời gian đẻ nhánh ngắn, cây cứng, lá dày có màu xanh vàng, có khả năng hạn chế sâu bệnh. Chi phí về phân bón, thuốc BVTV giảm 30 nghìn đồng/sào. Đặc biệt, phân vi sinh Việt - Séc phù hợp với chân đất chua trũng của huyện Thanh Miện và có khả năng cải tạo chua tốt. Trong những vụ tiếp theo, huyện Thanh Miện tiếp tục nhân rộng mô hình để có cơ sở khoa học và thực tiễn áp dụng đại trà trên đồng ruộng.
* Trung tâm BVTV phía Bắc phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tổ chức thực hiện mô hình “Quản lý nhện gié IPM trên lúa” tại xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng). Mô hình được thực hiện trên diện tích 5ha với 90 hộ nông dân tham gia. Các hộ nông dân đã tập trung thực hiện các biệp pháp kỹ thuật bảo đảm yêu cầu từ khâu làm đất, xử lý hạt giống bằng thuốc Cruiser; bón phân, điều tiết nước và phòng trừ nhện theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Kết quả, sau một vụ mùa thực hiện, trên cả 4 giống lúa là Khang dân 18, Q5, Hương thơm số 1 và Bắc thơm số 7 mức độ gây hại của nhện gié thấp hơn từ 2 đến 5 lần so với những ruộng đối chứng. Ruộng trong mô hình chỉ thực hiện phun thuốc trừ nhện gié 1 lần trong khi đó ruộng đối chứng phun 3 lần, thiên địch của nhện gié trong mô hình cao hơn so với ngoài mô hình gần 5 lần.
PV - LÊ SƠ