Trong quá trình chăn nuôi lợn bà con thường gặp những bệnh như dịch tả lợn, bệnh đóng dấu, phó thương hàn...
Các triệu chứng của bệnh thường giống nhau, bà con rất khó phân biệt bệnh này với bệnh khác để điều trị. Do vậy, để giúp bà con phân biệt được 4 bệnh đỏ thường xảy ra trên đàn lợn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Lứa tuổi mắc bệnh: Trong 4 bệnh đỏ, bệnh dịch tả thường gặp ở mọi lứa tuổi của lợn, bệnh phó thương hàn thường mắc ở lợn dưới 3 tháng tuổi, bệnh tụ huyết trùng, đóng dấu thường mắc ở lợn từ 3 tháng tuổi trở lên. Do đó lợn từ 3 tháng tuổi trở lên, khi mắc bệnh không nên chẩn đoán bệnh là phó thương hàn và ngược lại lợn con (đặc biệt lợn con theo mẹ) không chẩn đoán là bị tụ huyết trùng hoặc đóng dấu lợn.
- Khả năng đề kháng và nốt xuất huyết trên da: Lợn mắc bệnh dịch tả hoặc phó thương hàn ban đầu thường không có dấu hiệu giảm sút về sức khỏe nhiều, chỉ gầy yếu dần, nhiều con vẫn đi lại chạy nhảy bình thường, tiến triển bệnh chậm. Nhưng lợn mắc tụ huyết trùng hoặc đóng dấu lợn thì khác hẳn, bệnh thường tiến triển rất nhanh, nhiều con chưa kịp điều trị hoặc mới điều trị một hai mũi tiêm đã chết. Mặt khác, về màu sắc da của 4 bệnh này rất khác nhau: bệnh dịch tả trên da tụ huyết, xuất huyết thể đinh ghim. Bệnh tụ huyết trùng có nhiều đám xuất huyết, tím bầm ở vùng da mỏng như bụng, ngực. Bệnh phó thương hàn tụ huyết thành từng đám, đỏ ửng hoặc tím xanh (vùng da mỏng) tím tai, tím mõm. Bệnh đóng dấu nổi nhiều nốt đỏ có gờ rõ rệt, hình vuông tròn, đa giác.
- Mức độ lây lan và tính chất mùa vụ: Bệnh tụ huyết trùng lợn thường hay xảy ra vào mùa mưa hoặc cuối mùa mưa, nhất là vào những ngày mưa phùn kéo dài còn đối với những bệnh đỏ khác có thể xảy ra quanh năm, bất cứ thời điểm nào. Đối với bệnh dịch tả lợn, có khả năng lây lan rất nhanh, khi trong đàn có một con nhiễm bệnh thì chỉ trong một thời gian rất ngắn là lây nhiễm cả đàn, thậm chí cả khu vực xung quanh. Khi thấy mức độ lây nhiễm như vậy, chúng ta thường nghĩ nhiều đến việc lợn có thể bị dịch tả.
- Nhận biết qua trạng thái và màu sắc phân: Trong thực tế hầu hết lợn mắc 4 bệnh đỏ phân lúc đầu đều táo nhưng đối với lợn bị dịch tả phân thường tròn và rất cứng, bề mặt có màng nhầy đen bóng, khi chuyển sang trạng thái lỏng phân cũng có màu đen, mùi khắm đặc biệt. Còn bệnh phó thương hàn khi phân chuyển sang trạng thái lỏng thì phân lại có màu vàng nhớt. Đối với bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu lợn nếu không mắc bệnh ghép khác thì lợn thường ít khi chuyển sang trạng thái ỉa chảy kéo dài.
Trong quá trình chăn nuôi lợn, nếu gặp 4 bệnh đỏ, bà con cần căn cứ vào cách phân biệt bệnh trên để có biện pháp điều trị phù hợp.
(Theo Sở Khoa học và Công nghệ)