Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp đang đến gần.
Đối với các đại biểu lần đầu được giới thiệu ra ứng cử chắc chắn sẽ rất bỡ ngỡ với những công việc chuẩn bị vận động bầu cử. Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND có những đặc điểm rất khác biệt so với các cuộc bầu cử khác bởi có số dư rất cao, ít nhất từ 40% trở lên. Cử tri thường cư trú trên địa bàn rộng, xa lạ với ứng cử viên nên có rất ít thông tin về các ứng cử viên. Do vậy, công tác vận động bầu cử có vai trò rất quan trọng đối với mỗi ứng cử viên. Sau đây là những việc cần làm và một số kinh nghiệm đối với người lần đầu được giới thiệu ra ứng cử đại biểu HĐND.
Đầu tiên, người ứng cử nên tìm hiểu những thông tin về HĐND và đại biểu HĐND như tổ chức, bộ máy, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ… của HĐND; thẩm quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND… bằng cách tìm đọc Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp...
Người ứng cử phải làm tốt việc lập và nộp hồ sơ cá nhân. Hồ sơ cá nhân được viết theo mẫu ban hành thống nhất. Đừng ngại viết chi tiết vào sơ yếu lý lịch những thành tích và kết quả công tác của mình cũng như trình độ được đào tạo. Hãy suy nghĩ về những khả năng, kinh nghiệm công tác của bản thân và việc sử dụng nó trong quá trình hoạt động đại biểu nếu được bầu.
Sau khi được hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đưa vào danh sách bầu cử chính thức thì công tác vận động bầu cử có thể được bắt đầu. Thời gian dành cho công việc này không còn nhiều (khoảng 1 tháng). Các ứng cử viên cần sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện các công việc: Soạn thảo chương trình hành động của cá nhân nếu được bầu làm đại biểu HĐND. Chương trình hành động này sẽ được cá nhân ứng cử viên trực tiếp trình bày tại các cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Ứng cử viên nên tìm hiểu thông tin từ Ủy ban Bầu cử cấp mình ứng cử để được biết mình sẽ được phân bổ về ứng cử tại đơn vị bầu cử nào. Tìm hiểu về những ứng cử viên khác cùng đơn vị bầu cử. Lên lịch đăng ký gặp gỡ lãnh đạo địa phương nơi mình ứng cử. Cụ thể, có thể gặp đại diện Thường trực HĐND, lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, các đoàn thể nhân dân… để tìm hiểu các thông tin về địa phương nơi mình ứng cử như các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa; truyền thống cách mạng; tình hình kinh tế - xã hội; tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức để phục vụ việc soạn thảo chương trình hành động và sử dụng khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.
Ứng cử viên nên kiểm tra danh sách bầu cử và sơ yếu lý lịch ứng cử viên có đúng với hồ sơ cá nhân của mình đã nộp không. Nếu có sai sót thì đề nghị Ủy ban Bầu cử chỉnh sửa. Tham gia thật tốt các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Trong đó cần đặc biệt quan tâm việc đi đúng giờ, tốt nhất có mặt trước từ 5-10 phút, tranh thủ gặp người tổ chức tiếp xúc cử tri (TXCT) hoặc đại diện MTTQ, Thường trực HĐND, UBND để tìm hiểu thông tin về nơi tổ chức TXCT (địa danh), số lượng, thành phần dự TXCT đại diện cho những xã, thôn nào. Đừng ngại trò chuyện với các cử tri trước giờ TXCT, trong giờ giải lao... Có trang phục lịch sự, gọn gàng, phong cách giao tiếp đúng mực, phù hợp với nơi TXCT. Luôn tỏ ra quan tâm, chú ý lắng nghe ý kiến phát biểu của người khác. Chuẩn bị sẵn giấy bút để ghi chép.
Khi được mời lên trình bày chương trình hành động, người ứng cử cần ý thức rõ đây là cơ hội rất quan trọng để xây dựng hình ảnh bản thân trước cử tri. Bạn nên nói rõ cho cử tri biết mình là ai; trình độ đào tạo; khả năng và kinh nghiệm công tác; được tổ chức nào giới thiệu ra ứng cử; những công tác đã kinh qua, thành tích đã đạt được; khả năng của bản thân đóng góp với hoạt động của HĐND; hứa với cử tri những việc có thể làm nếu được bầu. Đặc biệt, bạn nên nói về những thế mạnh của mình có thể thực hiện được trên cương vị là đại biểu HĐND để đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương nơi mình ứng cử.
Khi phát biểu trước cử tri, người ứng cử cố gắng bớt phụ thuộc vào tài liệu đã chuẩn bị càng nhiều càng tốt. Thời gian phát biểu nên ngắn gọn, thường khoảng 10-15 phút. Tự nghiền ngẫm, rút kinh nghiệm ngay sau mỗi lần TXCT. Thông qua những người cùng dự buổi TXCT như đại diện cấp ủy, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ, UBND để tiếp nhận những thông tin nhận xét đánh giá của cử tri đối với bản thân mình.
Ngoài việc tham gia thật tốt các cuộc TXCT vận động bầu cử, ứng cử viên đừng từ chối nếu được cơ quan thông tin đại chúng mời phỏng vấn và cần chuẩn bị nội dung chu đáo cho những cuộc phỏng vấn này.
Tóm lại, cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là một sự kiện chính trị quan trọng và sinh hoạt dân chủ sâu rộng. Với chủ trương nâng cao chất lượng đại biểu dân cử, những người được giới thiệu ra ứng cử đã được hiệp thương lựa chọn kỹ càng, đều xứng đáng được bầu làm đại biểu, cơ hội trúng cử của các ứng cử viên là ngang nhau. Ứng cử viên vận động bầu cử có hiệu quả, xây dựng được hình ảnh tốt đẹp của mình trước công chúng thì sẽ được cử tri tín nhiệm bầu là người đại diện cho họ, góp phần để cuộc bầu cử thành công.
HOÀNG VĂN BẢO (Nguyên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh)