Công tác giải quyết tố cáo (GQTC) đối với đảng viên là một nhiệm vụ tương đối khó khăn, phức tạp.
Sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra cấp trên và cấp ủy cùng cấp có ý nghĩa quan trọng
đối với các Ủy ban Kiểm tra cấp ủy trong việc thực hiện công tác giải quyết tố cáo
Những năm qua, nhờ sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Tỉnh ủy, công tác này đã được Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp từ tỉnh đến cơ sở triển khai, thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng. UBKT các cấp đã chủ động phân loại đơn, thư tố cáo theo đúng đối tượng, phạm vi, thẩm quyền giải quyết; thường xuyên khảo sát nắm tình hình, phân tích thông tin, tư liệu; chú trọng công tác gặp gỡ, tiếp xúc với người tố cáo và đảng viên bị tố cáo; tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn, quy định của Trung ương, của UBKT cấp trên. UBKT các cấp chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng có liên quan (như các ban đảng, thanh tra, viện kiểm sát, công an, tòa án...) để giải quyết những đơn thư tố cáo có nội dung phức tạp, những nội dung tố cáo về các vi phạm, tiêu cực trong quản lý kinh tế, quản lý nhà nước và thi hành pháp luật, đặc biệt là đối với những vụ việc tố cáo nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Giải quyết hiệu quả, kịp thờiTừ năm 2011 đến hết năm 2015, cấp ủy các cấp đã giải quyết đơn tố cáo đối với 8 đảng viên (đạt 100%). Trong đó, ban thường vụ huyện ủy và tương đương GQTC đối với 5 đảng viên và đảng ủy cơ sở GQTC đối với 3 đảng viên. Trong số đảng viên bị tố cáo có 5 đồng chí diện huyện ủy quản lý và 3 đồng chí diện đảng ủy cơ sở quản lý. Nội dung tố cáo: lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng tiền của dân; vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai; quan hệ nam nữ bất chính; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm trong việc GQTC; làm giả hồ sơ và đơn thư để lừa trên, dối dưới; lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa người nhà vào diện hộ nghèo để trục lợi... Qua giải quyết đã kết luận: tố cáo đúng đối với 1 đảng viên, tố cáo đúng và đúng một phần đối với 6 đảng viên, tố cáo không có cơ sở kết luận đối với 1 đảng viên. Trong đó có 3 đảng viên vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật; tổ chức đảng có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật đối với 3 đảng viên.
Từ năm 2011 đến hết năm 2015, UBKT các cấp đã GQTC đối với 309 đảng viên (đạt 100% số đơn phải giải quyết), bao gồm 8 đảng viên diện Tỉnh ủy quản lý, 114 đảng viên diện huyện ủy và tương đương quản lý, 187 đảng viên diện đảng ủy cơ sở quản lý. Trong số đảng viên bị tố cáo có 182 đồng chí cấp ủy viên các cấp, gồm: 3 đồng chí Tỉnh ủy viên, 14 đồng chí Huyện ủy viên, 89 đồng chí Đảng ủy viên và 76 đồng chí Chi ủy viên. UBKT Tỉnh ủy GQTC đối với 8 đảng viên; UBKT huyện ủy và tương đương GQTC đối với 126 đảng viên; UBKT đảng ủy cơ sở GQTC đối với 175 đảng viên. Nội dung tố cáo đảng viên tập trung vào việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ (25 đồng chí); việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống (64 đồng chí); thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo (66 đồng chí); vi phạm về quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản (56 đồng chí); việc giữ gìn đoàn kết nội bộ, vi phạm những điều đảng viên không được làm (56 đồng chí); vi phạm chính sách dân số, KHHGĐ (11 đồng chí); tham nhũng, cố ý làm trái quy định (18 đồng chí); vi phạm về quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư, xây dựng cơ bản (16 đồng chí); các nội dung khác (74 đồng chí). Qua giải quyết kết luận: tố cáo sai đối với 99 đảng viên; chưa có cơ sở kết luận 52 đảng viên; tố cáo đúng và đúng một phần 158 đảng viên; trong đó, đúng có vi phạm 90 đảng viên, phải thi hành kỷ luật 50 đảng viên, tổ chức đảng có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật đối với 49 đảng viên.
Nhờ giải quyết hiệu quả, kịp thời đơn thư tố cáo đảng viên mà các tổ chức đảng thấy rõ ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên; giúp sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Việc GQTC đối với đảng viên của UBKT các cấp thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, như: một số cấp uỷ chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo chưa sâu sát, nên chưa chủ động xây dựng phương hướng, nhiệm vụ GQTC đối với đảng viên. Năng lực giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ chuyên trách, nhất là ở cơ sở còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Một số UBKT huyện ủy chưa coi trọng công tác tiếp công dân. Việc tiếp nhận và xử lý đối với đơn tố cáo giấu tên, mạo tên chưa thống nhất. Thời gian thẩm tra, xác minh chậm, kéo dài...
7 kinh nghiệm Từ những kết quả và hạn chế nêu trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong công tác GQTC đối với đảng viên của UBKT cấp ủy như sau:
Một là, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác GQTC của các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp. Thực tế cho thấy, ở nơi nào cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp, cán bộ kiểm tra có nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tố cáo và GQTC trong Đảng thì ở đó công tác GQTC đối với đảng viên sẽ đạt hiệu quả cao. Các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp có nhận thức đúng thì sẽ chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư tố cáo đúng nguyên tắc, đúng phương pháp, quy trình, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm được giao. Cấp ủy thực hiện và ban hành đầy đủ các quy định về tố cáo và GQTC thuộc phạm vi lãnh đạo quản lý của mình. Phát huy vai trò, trách nhiệm của UBKT trong việc tham mưu, giúp cấp ủy ban hành các quy định về tố cáo và GQTC, đồng thời giúp cấp ủy chỉ đạo thực hiện tốt công tác GQTC theo thẩm quyền. Mặt khác, bản thân cán bộ kiểm tra và UBKT các cấp cũng phải nâng cao và nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ GQTC đối với đảng viên, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của UBKT theo quy định của Điều lệ Đảng.
Hai là, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tố cáo và GQTC cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu và nắm được. Hiện nay, tình hình vi phạm, các hành vi vi phạm ngày càng đa dạng, phức tạp và tinh vi, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, nhưng các tổ chức đảng còn chưa coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến các thủ đoạn vi phạm, cách nhận biết dấu hiệu vi phạm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, dấu hiệu vi phạm có thể xảy ra nhiều nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân khó phát hiện, chậm phát hiện, hoặc không nắm được, nắm không chắc chắn, ảnh hưởng đến việc tố cáo và GQTC.
Ba là, tổ chức thực hiện việc GQTC phải bảo đảm nghiêm túc, kịp thời, đúng nguyên tắc, phương pháp, quy trình, thủ tục. Đồng thời, chủ động thực hiện tốt việc động viên, thuyết phục, cảm hóa người tố cáo và đối tượng bị tố cáo cộng tác, phối hợp tốt trong quá trình GQTC, không mặc cảm, định kiến, phản ứng, gây khó khăn, trở ngại cho việc GQTC. Phải chú trọng từ khâu xây dựng kế hoạch giải quyết, tổ chức lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong đoàn GQTC; nâng cao kỹ năng, chất lượng công tác thẩm tra, xác minh để làm rõ đúng, sai, kết luận rõ ràng, xử lý nghiêm minh. Phải đặc biệt coi trọng làm tốt công tác tư tưởng với cả người tố cáo, đối tượng bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung, vụ việc tố cáo để công tác giải quyết đạt kết quả; kịp thời minh oan cho những trường hợp bị vu cáo. Trong quá trình GQTC, cán bộ kiểm tra cần nắm vững yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, tình hình thực tế của đảng bộ, tình hình đơn thư tố cáo, để phân loại, tập trung giải quyết thấu lý, đạt tình, có trọng tâm trọng điểm, nhất là vào các dịp Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và nhân sự bổ nhiệm của các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa UBKT cấp ủy các cấp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hiện nay, đối tượng bị tố cáo ngày càng đa dạng, ở nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm, cán bộ chủ chốt, đòi hỏi UBKT các cấp trong quá trình giải quyết phải chú trọng sự phối hợp với cấp uỷ, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng cấp để tổ chức thực hiện, nhằm bảo đảm sự khách quan, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả của việc GQTC.
Năm là, tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của UBKT cấp ủy cấp trên và cấp ủy cùng cấp đối với UBKT cấp ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác GQTC. Sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBKT cấp trên và cấp ủy cùng cấp có ý nghĩa quan trọng đối với các UBKT cấp ủy trong việc thực hiện công tác GQTC, nhất là những nội dung, tình tiết phức tạp. Do đó, cần coi trọng chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra của UBKT cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nói chung, trong thực hiện nhiệm vụ GQTC nói riêng.
Sáu là, các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng luôn coi trọng và trực tiếp chỉ đạo thực hiện tốt công tác GQTC đối với tổ chức đảng và đảng viên theo thẩm quyền, trách nhiệm; phải thực hiện nghiêm túc việc định kỳ tiếp công dân, GQTC, kiến nghị của công dân; chỉ đạo bố trí phòng tiếp công dân đúng quy định và bố trí cán bộ tiếp dân có năng lực, trình độ để tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo đúng thẩm quyền, trách nhiệm của cấp mình, giúp việc GQTC kịp thời, có chất lượng, hiệu quả.
Bảy là, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ kiểm tra. Đây là một trong những yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả GQTC đối với đảng viên. Định kỳ tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra, nhất là khi có những quy định, hướng dẫn mới của cấp ủy, UBKT cấp trên và sau mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ kiểm tra nắm vững, tinh thông nghiệp vụ, tránh những sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
BÙI HỮU UYỂN Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy