Ngày 17/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc cây trồng bị thiệt hại và ảnh hưởng do ngập lụt sau mưa bão để bà con nông dân Hải Dương tham khảo.
Đối với cây lúa: Đến ngày 17/9/2024, có khoảng 85% diện tích lúa ở
thời kỳ trỗ bông đến chín đỏ đuôi; 15% diện tích lúa ở thời kỳ làm đòng đến chuẩn bị trổ bông. Đây là thời kỳ cây lúa rất mẫn cảm với tác động của ngoại cảnh. Do vậy, cần tập trung mọi nguồn lực để bơm thoát, tiêu úng, không để ngập kéo dài, gây thiệt hại, nhất là diện tích vẫn còn ngập sâu và khoanh vùng để có biện pháp khắc phục với từng diện tích. Cụ thể:
- Với diện tích lúa đã trỗ bông và bị đổ rạp: Cần dựng, buộc thành từng cụm (từ 3-4 khóm/cụm) để tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc, chín.
- Với diện tích lúa đang ở giai đoạn chín sữa - chín sáp: Tháo cạn nước mặt ruộng để lúa chín nhanh, bảo đảm đất ruộng khô thuận lợi cho quá trình làm đất gieo trồng cây vụ đông sớm sau khi thu hoạch lúa.
- Với diện tích lúa đang làm đòng đến chuẩn bị trổ bông: Tháo giữ nước nông mặt ruộng để lúa trỗ bông và vào chắc được thuận lợi, khi thời tiết tạnh ráo nên phun bổ sung phân bón lá chứa kali, vi lượng để cây lúa nhanh chóng phục hồi, đứng nhanh và thúc đẩy lúa trổ thoát, vào chắc.
- Với diện tích lúa chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch: Tập trung thu hoạch khi lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giải phóng đất phục vụ gieo trồng cây vụ đông.
- Với các trà lúa muộn mới làm đòng, hiện nay vẫn còn ngập (chủ yếu là lúa nếp cái hoa vàng, nếp xoắn, nếp quýt, lúa gieo cấy lại sau mưa úng đầu tháng 8): Kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa, nếu thân cây còn cứng cáp, có thể phục hồi, khuyến cáo nông dân vớt rong rêu, té rửa lá lúa trong quá trình rút
nước.
- Chủ động phun thuốc phòng trừ bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn cho những diện tích lúa còn xanh tốt đang làm đòng đến trỗ bông, diện tích lúa đã trỗ nhưng chưa chắc hạt, nhất là những diện tích gieo cấy các giống lúa dễ nhiễm bệnh như BC15, Bắc thơm số 7, TBR 225, VNR20… Tiếp tục theo dõi các đối tượng sâu bệnh khác như rầy nâu, bệnh đen lép hạt, bệnh
đạo ôn cổ bông để kịp thời phòng trừ khi phát sinh.
Đối với cây rau, màu: Khoanh vùng, ưu tiên bơm tiêu nước nhanh
những diện tích rau màu bị ngập úng.
- Với diện tích có khả năng phục hồi: Khuyến cáo nông dân khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng, không để nước đọng trên mặt luống; sau khi nước rút cần dọn sạch cỏ dại, vệ sinh đồng ruộng, cụ thể:
+ Đối với cây rau các loại: Thu gom, cắt tỉa cành, lá dập, gẫy; tỉa cây, trồng dặm để bảo đảm mật độ; vén mở màng phủ cho những luống rau, luống ươm cây giống đã được che phủ trước đó để lưu thông không khí, lấy ánh sáng giúp cây nhanh hồi phục. Khi đất mặt luống se, ráo tiến hành xới xáo nhẹ để phá váng. Khi cây hồi phục tiến hành bón thúc phân lân hoặc phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm
kích thích để cây tiếp tục sinh trưởng phát triển, ra rễ mới… Khi cây phục hồi trở lại tăng cường bón bổ sung phân hữu cơ tổng hợp, vi sinh bón gốc kết hợp phun qua lá.
+ Đối với các loại cây leo giàn như bầu, bí, mướp, dưa chuột, cà chua, đậu đỗ: vun đất vào gốc, cắt tỉa ngọn gãy và lá đã bị hỏng, dựng lại giàn bị nghiêng đổ khi cây đã phục hồi.
+ Đối với ngô bị đổ nhẹ tự hồi (ngóc lên) không cần dựng; ngô bị đổ nặng, đổ rạp còn thấp cây thì phải dựng lại ngay khi đất còn ẩm, khi nâng phải nhẹ nhàng hạn chế đứt rễ, gẫy thân, chèn thêm đất vào gốc.
+ Do gió to, kèm theo mưa lớn làm dập lá, lật dây, lay gốc nên cây rất dễ bị mắc các bệnh như thối gốc, lở cổ rễ, thán thư, héo xanh, thối nhũn...Vì vậy, cần sớm phun thuốc phòng bệnh cho cây rau.
- Đối với với diện tích cây rau màu bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng phục hồi: Tiến hành phá bỏ, vệ sinh đồng ruộng cày vùi, xử lý mầm bệnh, làm đất gieo trồng cây vụ đông sớm.
Đối với cây ăn quả và hoa cây cảnh:
- Xẻ rãnh, tiếp tục khơi thông rãnh để tiêu thoát nước nhanh nhất có thể.
- Cắt bỏ những cây, cành gẫy, cành, quả bị tổn thương nặng do gió bão; dựng lại những cây bị nghiêng, bị đổ có khả năng phục hồi, vun đất vào gốc; tích cực vệ sinh vườn, thu gom cành, lá, quả gẫy rụng đem tiêu hủy.
- Khi đất đã se mặt tiến hành xới phá váng để đất thông thoáng; bón bổ sung phân lân, phân hữu cơ vi sinh hoặc các chế phẩm kích thích ra rễ kết hợp phun phân vi lượng qua lá để giúp cây tiếp tục sinh trưởng phát triển, ra rễ mới.
- Tập trung trồng lại, trồng dặm cho những diện tích cây ăn quả bị chết, đổ gẫy không có khả năng khôi phục như đu đủ, quất, ổi... Riêng đối với cây chuối bị gãy, loại bỏ và đào gốc cây trong khóm để tạo độ thông thoáng cho cây chuối con phát triển, những cây chuối có buồng chưa đổ gãy khi cây bị nghiêng, dùng cây dóc… đỡ chống buồng chuối.
Đối với nhà màng, nhà lưới: Khẩn trương gia cố, khắc phục lại những diện tích bị hỏng nhẹ; thu dọn tàn dư cây trồng trước, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị giá thể để tiếp tục gieo trồng vụ, lứa dưa, rau mới.