Trong số trên 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, có gần 53% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội.
Học sinh lớp 12A13 Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP Hồ Chí Minh trong giờ ôn tập môn sử chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ 2 và THPT quốc gia năm 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
So với trước đây khi phần đông thí sinh quay lưng với các môn sử, địa thì đây là kết quả khá khác biệt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc lựa chọn này có liên quan đến "mục tiêu gần": tốt nghiệp THPT!
Dù lựa chọn bài thi khoa học xã hội với lý do gì thì cũng tốt vì khi phải thi, học sinh sẽ học tập nghiêm túc hơn. Môn giáo dục công dân là một môn học rất cần thiết, nhưng trong một thời gian dài bị xem là môn phụ
Nhiều giáo viên ở trường phổ thông
Bài khoa học xã hội: cao nhất trong ba năm
Năm 2017, có 43% số thí sinh dự thi chọn bài thi khoa học xã hội (sử - địa - giáo dục công dân); năm 2018, tỉ lệ này là 48% và năm nay là gần 53%, chưa kể số thí sinh chọn dự thi cả hai bài thi tổ hợp.
Khi còn phương thức thi theo môn, ngoài các môn thi bắt buộc, các môn lý - hóa luôn có tỉ lệ đăng ký nhiều nhất, trong khi các môn sinh - sử - địa luôn ở cuối bảng. Năm nay, tình thế đã đảo ngược.
Ở Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), nếu năm 2017 thí sinh đăng ký bài khoa học tự nhiên chiếm 62%, đăng ký bài thi khoa học xã hội chiếm 38%, năm 2019 cán cân đã thay đổi. Số đăng ký bài khoa học xã hội năm nay trên 56%, còn số đăng ký bài khoa học tự nhiên chỉ 43%.
Một số trường khác có số học sinh học khối A đông, tỉ lệ đăng ký bài thi giữ ổn định trong ba năm nhưng tỉ lệ đăng ký bài thi khoa học xã hội năm nay cũng không quá thấp.
Một số giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội), Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết số thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên vẫn cao hơn khoa học xã hội, nhưng so với các năm trước thì tỉ lệ chọn bài thi khoa học xã hội đã "cải thiện" rõ rệt.
Theo bạn Huỳnh Mỷ Được (học sinh lớp 12 Trường THPT Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, Kiên Giang), phần lớn học sinh lớp 12 ở trường này đều đăng ký bài thi khoa học xã hội.
"Em nghe thầy cô cho biết chỉ có khoảng 25% thí sinh trường em đăng ký bài thi khoa học tự nhiên, em nằm trong số ít thí sinh này" - Mỷ Được cho biết.
Số liệu thí sinh đăng ký dự thi theo bài thi năm 2018 và 2019 - Đồ họa: T.ĐẠT
Chọn giải pháp an toàn... để tốt nghiệp
Với thực tế trên, có phải đã nhiều học sinh yêu thích các môn khoa học xã hội hơn, đặc biệt là môn sử?
Thực tế, việc tỉ lệ thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội áp đảo so với đăng ký bài thi khoa học tự nhiên không phải là xu thế mới có mà đã trở thành quy luật ngay từ khi bài thi khoa học xã hội được đưa vào thành một trong những bài thi của kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2017.
Với công thức thí sinh có thể chọn một trong hai bài thi khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên để xét tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh đã lựa chọn bài thi khoa học xã hội.
Theo phân tích của một số giáo viên dạy các môn khoa học xã hội, nhìn vào phổ điểm thi các năm trước, nhiều học sinh lựa chọn môn khoa học xã hội vì tư tưởng thực tế.
Theo phổ điểm thi năm 2018, môn sử vẫn là môn có điểm thi khá bi đát với trên 83% bài thi dưới điểm trung bình, điểm trung bình môn sử chỉ có 3,79 điểm. Tuy nhiên, điểm môn giáo dục công dân lại rất khả quan, với 95% bài thi trên điểm trung bình. Điểm môn giáo dục công dân có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,5 điểm.
Tương tự, có 69% số bài thi môn địa đạt từ 5 điểm trở lên, với điểm trung bình là 5,25 điểm. Nếu cộng điểm thành phần ba môn sử - địa - giáo dục công dân, điểm bài thi của thí sinh vẫn bảo đảm đủ điều kiện xét tốt nghiệp do điểm môn giáo dục công dân, môn địa gánh đỡ được cho môn sử.
Theo bạn Huỳnh Mỷ Được, qua kỳ thi THPT quốc gia mấy năm trước, nếu so sánh độ khó hai bài thì bài thi khoa học xã hội có phần đơn giản, nhẹ nhàng hơn.
"Chọn bài thi khoa học xã hội, nếu chịu khó ôn tập trong mấy ngày cuối trước kỳ thi sẽ không bị điểm liệt vì với những câu hỏi thuộc lĩnh vực xã hội có thể đoán "mò" kết quả. Nhiều bạn cho rằng với các bạn, mục tiêu trước mắt là tốt nghiệp THPT, sau đó mới tính tiếp" - Mỷ Được cho biết thêm.
Theo thống kê từ thực tế, trong số thí sinh chỉ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, mà không đăng ký xét tuyển đại học thì phần đông đều chọn bài thi khoa học xã hội.
Dễ có điểm đạt và hạn chế điểm liệt
Theo bà Ngô Thị Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội nhiều không hẳn do các em thích các môn học này mà chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT, việc xét tuyển đại học sẽ dùng tổ hợp môn thi khác.
Cô Trần Thị Quyến, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), cũng cho biết nhiều học sinh chọn bài thi khoa học xã hội, trong đó có môn giáo dục công dân, vì các câu hỏi trắc nghiệm của bài thi này gắn với các tình huống cuộc sống. Học sinh dễ có điểm đạt và hạn chế rủi ro bị điểm liệt.
Bài thi xã hội gần gũi cuộc sống Trong những năm gần đây, tỉ lệ chọn bài khoa học xã hội nhỉnh hơn bài khoa học tự nhiên. Có lẽ học sinh cũng ưu tiên cho mục tiêu xét tốt nghiệp THPT trước nên các em có xu hướng chọn bài thi khoa học xã hội nhiều hơn. Bài khoa học xã hội liên quan nhiều đến cuộc sống, các em có thể vận dụng cuộc sống và hiểu biết xã hội để giải quyết vấn đề. Vì vậy, các em lựa chọn nghiêng về bài khoa học xã hội. MAI VĂN TRINH, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Có nhiều lý do Tuyển sinh đại học thể hiện tính chu kỳ rất rõ. Đó là có năm rất nhiều thí sinh đổ xô đăng ký xét tuyển vào các ngành khối khoa học tự nhiên, kỹ thuật dẫn đến điểm chuẩn trúng tuyển vào khối ngành này tăng cao. Đến năm sau hoặc một hai năm sau đó, thí sinh lại chuyển hướng sang chọn đăng ký xét tuyển vào các ngành khoa học xã hội và ngược lại theo chu kỳ như vậy. Hơn nữa, theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, bài thi khoa học tự nhiên được đánh giá khó hơn nên điểm không cao. Đây có thể cũng là điều khiến thí sinh năm nay lo ngại nên chọn bài thi khoa học xã hội nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ nhận thấy nếu chọn các ngành khoa học kỹ thuật học sẽ rất cực, nhưng ra trường cơ hội việc làm và mức lương cũng không nhỉnh hơn nhiều so với các ngành khoa học xã hội. Điều này làm thay đổi xu hướng chọn ngành của học sinh. Chính vì vậy, việc lựa chọn môn thi của các em tất yếu thay đổi. PGS.TS ĐINH ĐỨC ANH VŨ, Trưởng Ban Đại học, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Thí sinh ưu tiên tốt nghiệp Một thực tế cần nhìn nhận với phần lớn thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu đầu tiên là bảo đảm đậu tốt nghiệp. Qua kết quả kỳ thi này ở những năm trước, thông thường, các môn trong bài thi khoa học tự nhiên khó có điểm cao hơn các môn trong bài thi khoa học xã hội. Đặc biệt, với môn giáo dục công dân những kỳ thi trước thí sinh đạt điểm khá cao, trong khi môn địa thí sinh được phép mang Atlat địa lý vào phòng thi và không khó để kiếm điểm ở môn này. Như vậy, nhiều thí sinh chọn thi bài thi khoa học xã hội là lựa chọn giải pháp an toàn trong xét tốt nghiệp. TS PHẠM TẤN HẠ,Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh |
Theo Tuổi trẻ