Ngày Thảo dẫn người yêu về ra mắt gia đình, hàng xóm cứ ngó nghiêng chỉ trỏ rồi xì xào to nhỏ.
Người thì khen Thảo “tốt số’, vớ được anh chàng ngoại quốc vừa làm sếp, vừa giàu có, phen này thì tiền tiêu như nước, bố mẹ cũng được dịp nở mày nở mặt, có khi lại được xuất ngoại cũng nên. Người thì bĩu môi, lắc đầu chê anh chàng “già quá, đi với cái Thảo cứ như hai bố con”, rồi kết luận: “Gái tân, lấy đâu chả được chồng, việc gì phải lấy cái ông xa lắc xa lơ lại có một đời vợ rồi”. Những lời bàn ra tán vào đó lọt vào tai Thảo, nhưng Thảo không bận tâm bởi mỗi người có một quan điểm sống. Thảo yêu và Thảo lấy anh Pắc chứ có phải họ lấy đâu. Với lại bố mẹ Thảo cũng vui vẻ ủng hộ. Dù sao họ cũng nhìn thấy cơ hội đổi đời cho con gái.
Mặc dù làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn nhưng bố mẹ Thảo vẫn quyết tâm cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Học xong đại học, Thảo mang tấm bằng loại khá đi khắp các cơ quan nhà nước xin việc phù hợp với chuyên ngành được học nhưng chỗ nào cũng thừa người. Thảo bèn xin vào công ty liên doanh với nước ngoài. Lúc đầu là nhân viên phòng nhân sự nhưng nhờ ngoại hình bắt mắt, ăn nói lại có duyên, thạo tiếng Hàn nên Thảo thường được cử làm MC trong các chương trình giao lưu tập thể. Không ngờ Thảo lọt vào “mắt xanh” của anh Pắc - giám đốc phụ trách công tác đối ngoại của công ty mẹ ở Hàn Quốc. Trung bình mỗi tháng anh Pắc bay sang Việt Nam hai lần. Thảo nhanh chóng lấy được cảm tình của anh Pắc từ những tách cà phê thơm phức, sự quan tâm chu đáo và những sẻ chia kịp thời khiến anh Pắc rất hài lòng. Biết anh Pắc đã ly dị vợ và đang nuôi hai cô con gái, Thảo càng cảm thông với anh và sẵn sàng cùng anh vượt qua tất cả. Dù có phải theo anh sang Hàn Quốc định cư thì Thảo cũng không hề đắn đo suy tính. Thảo nghĩ chỉ cần kinh tế khá giả thì mọi chuyện phức tạp cũng trở nên đơn giản.
Ở công ty người thì vun vào, kẻ thì gièm pha. Lúc đầu Thảo cũng bực bội mỗi khi nghe mọi người phán xét rằng Thảo “tham giàu”, “yêu vì tiền”, nhưng dần dần Thảo bất chấp dư luận, không hơi sức đâu mà chiều theo ý mọi người. Thảo còn giục anh Pắc chuẩn bị các thủ tục, giấy tờ để hai người sớm kết hôn, rằng “cưới vợ phải cưới liền tay”.
Cưới được một tháng thì Thảo theo chồng sang Hàn Quốc định cư. Bố mẹ Thảo tỏ ra hãnh diện với xóm làng vì con gái, con rể hứa hằng tháng sẽ gửi tiền về phụng dưỡng, rồi sẽ được đón sang Hàn Quốc du lịch. Ai ngờ, Thảo lấy chồng là mất tăm mất tích. Ba năm rồi Thảo chưa được về Việt Nam, chỉ gọi điện và viết thư cho bố mẹ yên tâm.
Lấy anh Pắc, Thảo cứ tưởng mình là cô bé lọ lem biến thành hoàng hậu. Giấc mộng ấy vỡ tan tành khi Thảo nhìn thấy bố mẹ chồng ngoài 80 tuổi, ốm yếu nằm liệt một chỗ. Từ đó Thảo phải chăm ông bà già và hai cô con gái của chồng đang tuổi ăn tuổi học. Trăm công nghìn việc đổ lên đầu nên Thảo chẳng còn thời gian chăm sóc bản thân. Từ một cô gái trẻ trung đầy sức sống, giờ đây trông Thảo héo hon, gầy mòn. Thảo khao khát có một đứa con để khuây khỏa mà mong mãi chẳng thấy. Anh Pắc cương quyết không cho Thảo đi làm, không cho Thảo giao du bạn bè, không cho thuê người giúp việc. Trong khi anh thường xuyên đi công tác xa nhà. Thảo chẳng khác nào một Ô sin, muốn được nghỉ ngơi một ngày cũng khó khăn. Nhiều lần Thảo xin chồng cho về Việt Nam thăm gia đình nhưng anh Pắc đều từ chối, nói rằng nếu Thảo về thì về hẳn, đừng quay lại nhà chồng nữa. Hai người bất đồng quan điểm, văn hóa và lối sống cũng khác nhau, không thể hòa hợp. Đến giờ Thảo mới nhận ra hai người không hợp nhau.
Suốt ngày quanh quẩn ở nhà, phục vụ hai người già và hai đứa trẻ khiến Thảo như bị stress, chẳng nói chẳng rằng, mặt cứ lầm lì. Thảo không ngờ làm dâu xứ người lại buồn và cô đơn đến như vậy. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ quê mà chẳng biết tâm sự và chia sẻ với ai. Những lúc ấy mà bấm điện thoại gọi cho mẹ thì Thảo sẽ òa khóc mất.
Mỗi khi Tết đến, xuân về Thảo càng nhớ nhà quay quắt. Thảo thèm được ăn bữa cơm sum họp cả gia đình đầm ấm. Không biết bao nhiêu cô gái Việt lấy chồng ngoại quốc được sung sướng, hạnh phúc? Còn Thảo biết mình đã vội vàng để rồi ân hận thì đã muộn. Ngày mai, anh Pắc đi công tác về, nhất định Thảo sẽ nói ra nguyện vọng của mình, dù có về hẳn Việt Nam thì Thảo cũng không có gì phải tiếc nuối.
TRẦN THỊ LÀNH