Một nghĩa trang công viên đang hình thành

02/01/2015 07:31

Tang lễ là một hình thức bày tỏ lòng nhớ ơn, xót thương của người sống đối với người đã mất, thể hiện đạo hiếu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ khi qua đời.


Thay đổi hình thức an táng

Theo truyền thống, người chết thường hung táng để "mồ yên, mả đẹp", sau 3 năm "thay áo" (cải mả, bốc mả) để được siêu thoát…Trong cuộc sống hiện đại, việc an táng cho người quá cố đã có thêm sự lựa chọn mới. Hỏa táng vừa nhanh gọn, hợp vệ sinh, lại không phải qua “giai đoạn chuyển tiếp” mà vẫn có thể chăm lo chu tất, làm yên lòng cả người sống và người đã khuất. Phật đã dạy: "Khi chết đi, thân tứ đại hoàn về tứ đại" (tức là chôn dưới đất sẽ hoàn về với đất). Hỏa táng là hình thức tốt nhất, văn minh nhất và đúng với đạo Phật. Khi Phật tịch, hòa thượng và đệ tử đều thực hiện Trà tỳ (hỏa táng).

Ở tỉnh Hải Dương mỗi tháng bình quân có khoảng 150 người chết do bệnh trọng, tuổi cao sức yếu, tai nạn… Khi gặp việc tang, gia đình, người thân thường bối rối, lúng túng về những thủ tục, nghi lễ dành cho người quá cố dễ dẫn đến “ma chê, cưới trách”, khiến con cháu, người thân cảm thấy chưa thật trọn vẹn. Với mong muốn được chia sẻ sự đau thương, mất mát cùng tang quyến, phục vụ lễ tang chu đáo, phù hợp với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán dân tộc, Xí nghiệp Dịch vụ tang lễ (Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương, điện thoại 24/24 giờ: 0320.3.847.899 – 0985 576 787) là nơi tin cậy, đồng hành cùng tang quyến tổ chức tang lễ cho người mất một cách “trọn nghĩa, vẹn tình”. Xí nghiệp bảo đảm từ tư vấn thủ tục, nghi lễ đám hiếu theo phong tục truyền thống đến tổ chức trọn vẹn một đám tang theo yêu cầu.

Quỹ đất phục vụ cho chôn cất tại TP Hải Dương đang trong tình trạng báo động. Hầu hết các nghĩa trang khu vực nội thành đều đã hết đất. Nghĩa trang Cầu Cương hiện có trên 1 vạn mộ cát táng và hơn 2.000 mộ hung táng nên cũng gần hết diện tích. Bên cạnh đó, nhiều gia đình kéo dài thời gian mai táng, từ 3 năm theo quy định thành 4-5 năm nên cả 3 khu hung táng đều phải chôn xen kẽ cũ, mới. Vì vậy, hỏa táng là biện pháp tốt nhằm giải quyết vấn đề quỹ đất, ô nhiễm môi trường và chống lãng phí.

Bảo vệ môi trường và tiết kiệm

Lãnh đạo Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương luôn băn khoăn là làm thế nào để người dân thay đổi phong tục tập quán từ hung táng sang hỏa táng, vừa văn minh, vừa tiết kiệm được quỹ đất và cả tiền của cho xã hội, góp phần giảm bớt vất vả cho công nhân mai táng. Thực tế, hung táng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí về tiền của và tài nguyên đất đai. Tại nghĩa trang Cầu Cương, mỗi mộ hung táng chiếm khoảng 5 m2, mộ cát táng cần 3-4 m2 đất vĩnh viễn, trong khi hỏa táng không cần chôn, hoặc có chôn cũng chỉ khoảng 1 m2 đất. Mỗi đám từ hung táng đến cát táng tốn hàng chục triệu đồng, chắc chắn nhiều hơn chi phí hỏa táng nhiều lần.

Đài hoá thân hoàn vũ Hải Dương có tổng dự toán hơn 23 tỷ đồng, được khởi công xây dựng tại nghĩa trang Cầu Cương cuối năm 2011, với 2 lò hỏa táng, đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2012. Việc hỏa táng tại TP Hải Dương không chỉ giảm chi phí mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân thành phố hưởng ứng thực hiện nếp sống văn hoá - văn minh trong tang lễ. Đài hoá thân hoàn vũ Hải Dương được trang bị lò đốt bằng gas (LPG) công nghệ của Hoa Kỳ, theo nguyên lý 2 buồng đốt, buồng sơ cấp với nhiệt độ từ 800 độ C - 950 độ C và buồng thứ cấp với nhiệt độ 950 độ C - 1.050 độ C. Khi người dân đưa tang làm lễ tại phòng hành lễ, được phân làm 3 loại cử hành tang lễ theo Phật giáo, theo nghi thức Thiên Chúa giáo và theo nghi thức tử sĩ. Áo quan được hạ xuống lò bằng thiết bị nâng hạ và di chuyển bằng xe, thân nhân có thể quan sát công đoạn hỏa táng tại phòng chờ.  Hiện mỗi đám hỏa táng mất hơn 2 giờ, kể cả lễ truy điệu, nếu lò luôn giữ nhiệt cao sẽ nhanh hơn.

Thực tế, nhu cầu hỏa táng rất lớn. Gần 2 năm hoạt động, Đài hoá thân hoàn vũ Hải Dương đã thực hiện gần 1.500 ca hỏa táng trên địa bàn tỉnh, trong đó khu vực TP Hải Dương chiếm hơn 60%.

TP Hải Dương đã rà soát quy hoạch các nghĩa trang cấp thành phố, nghĩa trang nhân dân rải rác ở các phường, xã...Việc mở rộng diện tích nghĩa trang Cầu Cương đã và đang được TP Hải Dương quan tâm đầu tư. Đường vào nghĩa trang đã được nâng cấp mở rộng thành 7 m, trải thảm nhựa át-xphan nên không còn gây ùn tắc vào những dịp cuối năm hay Thanh minh. Sau khi mở rộng mặt bằng thêm hơn 3 ha đất giáp ranh, nghĩa trang này hiện rộng khoảng 7,2 ha, trong đó Đài hóa thân hoàn vũ Hải Dương chỉ chiếm gần 1 ha. Lãnh đạo Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương khẳng định: “Nghĩa trang Cầu Cương dự kiến được xây dựng thành công viên nghĩa trang, có kiến trúc đẹp, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường…Trong đó đài hóa thân với một số hạng mục như tượng Phật, Bảo tháp bách linh sẽ tạo những điểm nhấn trong không gian kiến trúc. Riêng khu vực mở rộng liền kề đài hóa thân sẽ được đầu tư đồi cây xanh tập trung”.

Nghĩa trang Cầu Cương đang chủ động chuyển đổi dần công năng sang phục vụ hoả táng, quản bình tro di hài và quy hoạch, cải tạo cảnh quan, môi trường... hướng đến "nghĩa trang-công viên".  

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một nghĩa trang công viên đang hình thành